✴️Cách điều trị xoắn ruột

Nội dung

Xoắn ruột là bệnh lý cần điều trị nội- ngoại khoa cấp cứu nên khi có dấu hiệu nghi bị xoắn ruột như: đau bụng, trướng bụng, nôn, không xì hơi được… cần đưa người bệnh đến các bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không tự ý chữa bệnh tại nhà hoặc để người bệnh ở nhà quá lâu vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vậy cách điều trị xoắn ruột như thế nào? Sau điều trị xoắn ruột cần chú ý những gì để phòng ngừa bệnh tái phát?

 

Xoắn ruột là bệnh gì?

Xoắn ruột là bệnh tiêu hóa cần điều trị nội ngoại khoa cấp cứu. Có 5 loại xoắn ruột là: Xoắn ruột sơ sinh (Volvulus neonatorum), xoắn dạ dày (Volvulus of stomach), xoắn ruột non (Volvulus intestine), xoắn manh tràng (Volvulus ceacum), và xoắn đại tràng sigma (Volvulus sigmoid colon).

Các triệu chứng của 5 loại xoắn ruột này khá giống nhau, thường là những triệu chứng như: người bệnh bị đau bụng từng cơn, bụng trướng lên, nôn ói, không xì hơi được hoặc không đại tiện được, huyết áp thấp, người vã mồ hôi … Do đó người dân khó mà phân biệt được đó là dấu hiệu của loại xoắn ruột nào. Các bác sĩ có kiến thức chuyên môn cũng cần dựa vào kết quả siêu âm, xét nghiệm, chụp chiếu mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác đó là xoắn ruột gì.

 

Làm sao biết được có phải là mình bị xoắn ruột không?

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm, chụp chiếu khác để có cơ sở chắc chắn hơn cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh, bao gồm:

  • Chụp X quang bụng không chuẩn bị: khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu của tắc ruột nhưng với tính chất đặc biệt
  • Chụp lưu thông ruột: được chỉ định khi người bệnh tiến triển không điển hình, các triệu chứng không rõ
  • Nội soi: có thể áp dụng cho các trường hợp xoắn đại tràng xích ma.
  • Siêu âm và chụp cắt lớp CT Scanner ổ bụng: ít khi được áp dụng trong các trường hợp cấp
  • Làm các xét nghiệm: xét nghiệm máu, sinh hoá.

 

Cách điều trị xoắn ruột

Khi có các triệu chứng, biểu hiện của người bị xoắn ruột cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa tiêu hóa uy tín để được thăm khám và xử lý đúng cách. Tùy từng giai đoạn bệnh mà người bệnh sẽ được điều trị nội khoa với các loại thuốc kê đơn hoặc ngoại khoa-phẫu thuật, hoặc kết hợp cả 2. Tuy nhiên thường gặp hơn cả là các trường hợp cần điều trị ngoại khoa.

 

Nguyên tắc phẫu thuật:

  • Đường rạch da thường là đường giữa trên và dưới rốn.
  • Cắt các dây chằng.
  • Tiến hành tháo xoắn các quai ruột: chỉ tháo xoắn khi thấy các quai ruột chưa bị hoại tử, ruột chưa chuyển màu tím hay chưa có đám đen hoại tử.
  • Khi thấy quai ruột có dấu hiệu tím đen, thủng hay thành các ruột đã xám lạnh thì không tháo xoắn mà phải cắt đoạn ruột xoắn đi và phải cắt mạc treo trước để tránh trường hợp chất hoại tử tràn vào máu gây nhiễm trùng máu.
  • Trường hợp xoắn ruột non đơn thuần: sau khi cắt bỏ đoạn ruột xoắn có thể nối ruột ngay.
  • Trường hợp xoắn nhiều ruột non và phải cắt bỏ nhiều, phần còn lại của ruột bị ngắn, do đó sẽ có nhiều rối loạn hấp thu sau mổ. Để hạn chế rối loạn hấp thu các bác sĩ có thể sẽ xoay một đoạn ruột còn lại trước khi nối, hoặc tạo các nếp niêm mạc so le nhau trên quai ruột để làm chậm lưu thông, tăng khả năng hấp thu cho ruột sau mổ.
  • Các trường hợp bệnh bị xoắn manh tràng, đại tràng Sigma phải cắt ruột, bác sĩ thường sẽ đưa đầu trên ra ngoài (dẫn lưu hồi tràng hay hậu môn nhân tạo, đóng đầu dưới và lập lại lưu thông ruột sau một thời gian).
  • Trường hợp xoắn dạ dày: Sau khi tháo xoắn phải cố định dạ dày vào dây chằng tròn và thành bụng ở vị trí phình vị lớn, mặt trước dạ dày lưu ý nếu có thoát vị phải khâu các lỗ thoát vị hay làm hẹp khe hoành…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top