✴️ Tăng huyết áp kháng trị là gì?

Nội dung

Một người bị cao huyết áp sử dụng một vài loại thuốc kết hợp với thay đổi lối sống để giảm chỉ số huyết áp của mình. Các bác sĩ phân loại tăng huyết áp kháng trị là một dạng tăng huyết áp không đáp ứng với điều trị y tế tích cực.

Huyết áp là áp lực máu đặt lên thành động mạch. Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, xảy ra khi áp lực lên thành động mạch cao hơn mức bình thường.

Theo thời gian, áp lực tăng thêm có thể gây tổn thương thành động mạch, có thể dẫn đến sự tích tụ mảng xơ vữa, cuối cùng có thể làm tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn dòng chảy của máu, có thể dẫn đến bệnh tim hoặc đột quỵ.

Bài viết dưới đây thảo luận về tăng huyết áp kháng trị, triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị bệnh và nhiều hơn nữa.

 

Tăng huyết áp kháng trị là gì?

Tăng huyết áp kháng trị xảy ra khi bệnh tăng huyết áp của bạn không cải thiện, huyết áp vẫn cao hơn mục tiêu điều trị và bạn đang dùng ba loại thuốc huyết áp ở liều tối đa, chẳng hạn như:

  • Thuốc chặn kênh canxi tác dụng kéo dài;

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin;

  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin;

  • Thuốc lợi tiểu.

Bác sĩ có thể chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị nếu bạn cần bốn hoặc nhiều hơn bốn loại thuốc để đạt được mức huyết áp mục tiêu.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), các chỉ số huyết áp sau đây cho biết tình trạng tăng huyết áp:

  • Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu từ 120-129mmHg và huyết áp tâm trương là 80mmHg;

  • Tăng huyết áp giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu 130-139mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80-89mmHg;

  • Tăng huyết áp giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu cao hơn 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương cao hơn 90mmHg.

 

Triệu chứng

Đại học John Hopkins cho biết rằng các triệu chứng không phải lúc nào cũng hiện diện. Để biết được bạn có bị cao huyết áp hay không, bạn nên đến khám bác sĩ để được kiểm tra.

Tuy nhiên, nếu bạn trải qua cơn tăng huyết áp, bạn có thể bị đau đầu, đau ngực, chảy máu mũi và khó thở.

Bác sĩ có thể chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị sau 6 tháng điều trị bằng ba loại thuốc huyết áp mà huyết áp của bạn vẫn cao liên tục.

 

Nguyên nhân

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân không rõ ràng.

Một số trường hợp tăng huyết áp kháng trị xảy ra do tăng huyết áp thứ phát, là một dạng tăng huyết áp tiến triển từ một bệnh lý khác.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nguyên nhân phổ biến là do chứng tăng aldosterone nguyên phát, là một nhóm các rối loạn sản xuất quá nhiều aldosterone.

Aldosterone là một hormone ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể. Nó gửi tín hiệu đến các cơ quan làm tăng lượng natri đến dòng máu, như đến thận.

AHA lưu ý rằng các nguyên nhân phổ biến khác có thể gồm:

  • Vấn đề về giấc ngủ, như chứng ngưng thở khi ngủ;

  • Sự tích tụ mảng xơ vữa trong các mạch máu nuôi thận, có thể dẫn đến hẹp động mạch thận;

  • Uống nhiều rượu bia;

  • Sử dụng chất kích thích;

  • Béo phì;

  • Bất thường trong các hormone điều chỉnh huyết áp, như suy giáp và cường giáp.

Nếu không có một nguyên nhân thứ phát thì nguyên nhân có khả năng là do nhiều yếu tố khác nhau.

 

Yếu tố nguy cơ

Khoảng 10% người tăng huyết áp bị mắc dạng kháng trị. Tăng huyết áp kháng trị có các yếu tố nguy cơ giống bệnh tăng huyết áp, như:

  • Béo phì;

  • Đái tháo đường;

  • Ít vận động hoặc tập thể dục;

  • Hút thuốc lá.

Yếu tố nguy cơ

 

Điều trị

Điều trị tăng huyết áp kháng trị có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân nghi ngờ. Ví dụ như, nếu bác sĩ phát hiện một tình trạng bệnh lý khác gây tăng huyết áp, họ sẽ điều trị tình trạng đó bên cạnh việc cố gắng hạ huyết áp.

Một số lựa chọn điều trị phổ biến gồm thay đổi lối sống và có thể:

  • Bỏ hút thuốc lá;

  • Giảm uống rượu bia;

  • Giảm ăn mặn;

  • Ăn uống lành mạnh;

  • Hoạt động thể chất;

  • Kiểm soát căng thẳng.

Bác sĩ cũng sẽ xem xét lại các loại thuốc của bạn và có thể đề xuất các cách kết hợp khác nhau.

 

Chẩn đoán

Đại học Johns Hopkins cho biết để chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị, bác sĩ sẽ:

  • Thực hiện khám sức khỏe;

  • Khai thác bệnh sử;

  • Đo huyết áp;

  • Xét nghiệm tìm các bệnh thứ phát.

Bác sĩ cũng có thể kiểm tra tổn thương nội tạng do tăng huyết áp bằng cách thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Đo điện tim (ECG);

  • Chụp phim ngực thẳng;

  • Siêu âm tim;

  • Phân tích nước tiểu;

  • Khám soi đáy mắt để kiểm tra các mạch máu bị tổn thương trong mắt.

 

Biến chứng và tổng quan

Tăng huyết áp có thể dẫn tới đột quỵ, suy tim và cơn đau tim.

Huyết áp cao liên tục có thể làm hỏng thành động mạch. Thành động mạch bị tổn thương có nhiều khả năng tích tụ mảng xơ vữa. Một khi mảng xơ vữa hình thành, nó có thể gây tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ.

Nếu sự tắc nghẽn xảy ra gần não thì có thể gây đột quỵ. Nếu tắc nghẽn gần tim thì có thể gây ra một cơn đau tim.

Một thông báo khoa học năm 2018 từ AHA cho biết những người mắc chứng tăng huyết áp kháng trị có nguy cơ cao hơn gặp các vấn đề sau:

  • Nhổi máu cơ tim hay đau tim;

  • Đột quỵ;

  • Suy tim;

  • Bệnh động mạch ngoại vi.

Nếu huyết áp cao liên tục mà không được điều trị thành công, bạn có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ và gặp các vấn đề khác theo thời gian.

Một người đang mắc tăng huyết áp kháng trị nên đến khám bác sĩ để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp của mình. Kiểm soát tình trạng này thành công có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc phải các bệnh lý khác.

 

Tăng huyết áp giả kháng trị

Tăng huyết áp giả kháng trị là một dạng tăng huyết áp có vẻ như không đáp ứng với điều trị. Tuy nhiên, tăng huyết áp giả kháng trị xảy ra khi:

  • Bác sĩ hoặc người bệnh đo chỉ số huyết áp không chính xác, cụ thể là cao hơn;

  • Sử dụng sai thuốc, liểu dùng không hiệu quả hoặc không tuân thủ điều trị.

Các chỉ số đo huyết áp chính xác hơn, việc điều chỉnh thuốc hay phương pháp điều trị tốt hơn có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.

 

Khi nào cần đến khám bác sĩ

Bạn nên cho bác sĩ biết về kết quả đo huyết áp tại nhà nếu nó tiếp tục ở mức cao mặc dù đã dùng thuốc theo toa và thay đổi lối sống. Mức độ tăng cao liên tục có thể cho thấy có một bệnh lý tiềm ẩn hiện diện.

Bạn nên cân nhắc việc trang bị máy đo huyết áp tại nhà. Thiết bị này có thể cho phép bạn tự theo dõi huyết áp của mình. Tuy nhiên, bạn nên mang nó đến phòng khám bác sĩ để được hiệu chuẩn trước khi sử dụng.

Cuối cùng, bạn nên đến khám bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào mới hoặc trầm trọng hơn. Bạn nên gọi cấp cứu nếu có các triệu chứng của cơn đau tim hoặc đột quỵ.

 

Tóm tắt

Tăng huyết áp kháng trị xảy ra khi huyết áp của bạn vẫn cao mặc dù đã dùng ba loại thuốc huyết áp ở liều tối đa hoặc cần bốn loại thuốc trở lên để điều chỉnh được huyết áp.

Một số ít trường hợp xảy ra do một bệnh lý tiềm ẩn. Đa số các trường hợp còn lại không rõ nguyên nhân.

Sau khi được chẩn đoán, bạn có thể khám với bác sĩ để điều chỉnh thuốc và được tư vấn về những cách thay đổi lối sống khác có thể giúp ích cho bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top