✴️ Mở thông dạ dày là gì và được chỉ định khi nào?

Nội dung

Mở thông dạ dày giúp những bệnh nhân không thể ăn uống trong thời gian dài có thể được cung cấp dinh dưỡng liên tục duy trì sự sống hoặc để làm giảm áp lực trong lòng dạ dày. Về mặt kỹ thuật đây không phải là phẫu thuật phức tạp, nhưng cũng không được coi là phẫu thuật nhỏ vì thường thực hiện trên người bệnh có thể trạng suy kiệt.

 

1. Mở thông dạ dày là gì?

Mở thông dạ dày là phương pháp can thiệp nhằm tạo lỗ thông từ ngoài vào trong lòng dạ dày, với hai mục đích chính gồm:

1.1. Giảm áp lực tạm thời cho dạ dày, giảm biến chứng sau phẫu thuật lớn

Ở các bệnh nhân sau phẫu thuật lớn ở vùng bụng như cắt bỏ toàn bộ dạ dày, cắt bỏ dây thần kinh phế vị,… cần phải hút dịch dạ dày lâu dài, mở thông dạ dày có thể thực hiện để tránh những biến chứng như trào ngược dịch dạ dày, nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc viêm loét tại chỗ.

Mở thông dạ dày giúp cung cấp thức ăn cho bệnh nhân khó ăn uống bình thường

 

1.2. Cung cấp dinh dưỡng

Ở những bệnh nhân gặp khó khăn hoặc không thể ăn uống, mở thông dạ dày là giải pháp được lựa chọn để cung cấp dinh dưỡng nuôi người bệnh. 

Tùy theo tình trạng bệnh lý, phương pháp phẫu thuật mà người bệnh được chỉ định cần mở thông dạ dày tạm thời hay mở thông dạ dày vĩnh viễn. 

Mở thông dạ dày tạm thời trong các trường hợp bệnh nhân sau các phẫu thuật lớn ở ổ bụng hoặc tổn thương thực quản do bỏng, hẹp.

Mở thông dạ dày vĩnh viễn trong các trường hợp: ung thư thực quản, ung thư vùng hầu họng.

Hiện nay kỹ thuật này có thể thực hiện nội soi đơn giản hơn, hoàn thành trong thời gian ngắn và ít gây đau đớn cho người bệnh.

 

2. Những trường hợp bệnh nhân chỉ định mở thông dạ dày

Những trường hợp bệnh lý sau khiến bệnh nhân không ăn được bằng đường miệng sẽ được chỉ định mở thông dạ dày:

2.1. Bệnh nhân bị u vùng miệng, họng, cổ, ngực hoặc thực quản

Khối u các khu vực này sẽ chèn ép làm hẹp hoặc bịt tắc hoàn toàn đường dẫn thức ăn xuống dạ dày. Vì thế, mở thông dạ dày sẽ được thực hiện để đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày, giúp nâng cao thể trạng cho người bệnh.

2.2. Bệnh nhân dinh dưỡng kém hoặc chấn thương vùng đầu, rối loạn thần kinh

Những bệnh nhân tai biến mạch máu não, chấn thương vùng đầu mặt cổ, chấn thương sọ não hoặc rối loạn tâm thần ở người cao tuổi, suy dinh dưỡng nặng,… không thể tự ăn được sẽ cần mở thông dạ dày hỗ trợ. Tùy vào tình trạng bệnh song thông thường sẽ cần mở thông dạ dày vĩnh viễn.

Mở thông dạ dày cho bệnh nhân tắc nghẽn đường tiêu hóa trên

 

2.3. Bệnh lý tắc nghẽn cơ học đường tiêu hóa trên

Thường gặp là các bệnh ung thư đường tiêu hóa trên như miệng, thực quản, ung thư hầu họng,… gây chèn ép khiến bệnh nhân không nuốt được. Khi đó, cần mở thông dạ dày hỗ trợ đưa thức ăn xuống dạ dày, giảm áp lực cho các cơ quan tiêu hóa trên.

2.4. Bệnh nhân bị bỏng hoặc hẹp thực quản, viêm phổi hoặc gặp biến chứng khi đặt Sonde mũi dạ dày lâu ngày

Ngoài ra, mở thông dạ dày cũng được thực hiện để nuôi dưỡng tạm thời cho các bệnh nhân sau phẫu thuật vùng bụng hay đường tiêu hóa trên không thể tự ăn uống, bệnh nhân Crohn nặng, bỏng rộng hoặc khó khăn khi ăn sau xạ trị, hóa trị,…

Thông qua mở thông dạ dày, bệnh nhân được đáp ứng dinh dưỡng tốt hơn để hồi phục sức khỏe, duy trì sự sống. Mở thông dạ dày là phương pháp không quá phức tạp có thể thực hiện được dưới gây mê toàn thân hoặc tại chỗ. Tuy nhiên, kỹ thuật này chống chỉ định với những bệnh nhân bị: gan hay lách quá to, rối loạn đông máu nặng, bệnh nhân béo phì, cổ trướng, người đã cắt toàn bộ dạ dày, người bị viêm loét dạ dày, giãn tĩnh mạch, ung thư dạ dày,…

Bác sĩ sẽ đánh giá thể trạng để xem xét bệnh nhân có thể mở thông dạ dày hay không hay lựa chọn phương pháp duy trì dinh dưỡng khác.

 

3. Quy trình mở thông dạ dày

Tư thế: bệnh nhân nằm ngửa, kê gối ở đáy ngực.

Phương pháp vô cảm: gây mê toàn thân hoặc gây mê tại chỗ nếu người bệnh có chống chỉ định với gây mê toàn thân.

Bệnh nhân được gây mê khi mở thông dạ dày

 

Đường mổ: đường trắng giữa trên rốn, cách mũi ức 2cm.

Thăm dò: Đặt van tự động để banh vết mổ, đặt một van để nâng gan lên trên. Kéo nhẹ dạ dày xuống dưới, thăm dò để phát hiện tổn thương ở dạ dày, nhất là vùng tâm phình vị hoặc cơ hoành (nếu có) trong trường hợp ung thư thực quản. 

Kỹ thuật: Có 2 kiểu kiểu Witzel và Fontan  được sử dụng phổ biến nhất. 

Theo dõi: Trong 48 giờ đầu sau mổ ống thông được nối với chai dẫn lưu để dịch dạ dày tự chảy ra nhằm làm giảm áp lực trong dạ dày bảo vệ cho vết mổ ở dạ dày. Dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng. 

Sau 48 giờ thực hiện thủ thuật mở thông dạ dày, có thể bơm thức ăn cho bệnh nhân qua ống thông theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Sau nội soi mở thông dạ dày, bệnh nhân có thể gặp 1 số biến chứng sức khỏe như: Trào ngược dạ dày thực quản, tràn khí phúc mạc, tụ máu thành loét quanh vị trí ống thông, nhiễm khuẩn thành bụng, đau bụng, sốt nhẹ, bán tắc ống thông,… Cần cẩn thận với các biến chứng nặng sau mở thông dạ dày như: chảy máu dạ dày, viêm phúc mạc, rò dạ dày và đại tràng, hoại tử thành dạ dày,… 

Nhìn chung mở thông dạ dày nội soi là kỹ thuật không phức tạp, khá an toàn, thời gian thực hiện chỉ từ 10 - 15 phút, ít gây biến chứng.

 Mở thông dạ dày ít gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top