Viêm ruột thừa thường gây nên cơn đau đớn dữ dội và cần can thiệp xử lý ngay. Bệnh nếu để chậm trễ sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng. Vậy nguyên nhân gây viêm ruột thừa là gì, điều trị ra sao. Bài viết sau sẽ giải đáp những thông tin này cho bạn.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm ruột thừa khác nhau. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến nhất có thể làm tăng nguy cơ hình thành viêm ruột thừa:
– Nhiễm khuẩn ruột thừa.
– Tắc nghẽn ruột thừa do các yếu tố như phân, muối canxi, sỏi phân… , sau đó dẫn đến viêm, sưng, nhiễm trùng
– Do phì đại mô bạch huyết
– Do thức ăn thừa bị vướng lại tại ruột thừa hoặc giun đũa chui vào gây đau
– Do một số bệnh lý liên quan như viêm ruột, viêm đường hô hấp, bệnh lý tăng bạch cầu đơn nhân
Một số yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến việc gia tăng bệnh này đó là lứa tuổi, mùa và chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Nam giới ở độ tuổi 10 – 19 tuổi có tỉ lệ mắc viêm ruột thừa cao nhất. Bệnh cũng hay gặp vào mùa hè hơn là mùa đông. Ngoài ra, các tác động như ô nhiễm không khí, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm giàu đạm, ít ăn rau củ, chất xơ cũng có thể dẫn đến ruột bị tắc nghẽn và viêm ruột thừa.
Viêm ruột thừa thường gây đau đớn kéo dài và phải được xử lý kịp thời. Nếu tình trạng để lâu sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Cụ thể:
Viêm phúc mạc toàn bộ là biến chứng cực kỳ nguy hiểm do đoạn ruột thừa viêm bị vỡ ra và chảy dịch vào ổ bụng. Người bệnh xuất hiện các triệu chứng như nhiễm trùng, sốt cao, rét run, chướng bụng do nhiễm độc, chướng bụng, sờ vào khu vực nào ở bụng cũng thấy đau. Biến chứng này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng người bệnh vì bị nhiễm độc kéo dài.
Vỡ ruột thừa có thể xảy ra trong vòng 36h kể từ khi có triệu chứng đau ruột thừa. Do đó, người bệnh cần được nhập viện càng sớm càng tốt để có phương pháp can thiệp kịp thời.
Một biến chứng có thể xảy ra của bệnh viêm ruột thừa đó là đám quánh ruột thừa. Khi quai ruột, mạc nối bao bọc kín ruột thừa, không để đoạn viêm lan rộng thì gọi là đám quánh ruột thừa. Tình trạng này xảy ra đối với những người bệnh có thể trạng tốt. Biểu hiện cụ thể thường là sốt, đau nhẹ, bên mạn hố chậu phải sẽ có một khối chắc, ấn vào thấy cưng cứng và hơi đau. Đám quánh sẽ có thể tan ra. Người bệnh xuất hiện đám quánh ruột thừa đã qua giai đoạn cấp cứu, thường được theo dõi và sau 3 – 6 tháng có thể có chỉ định cắt để tránh tái phát.
Áp xe ruột thừa chỉ tình trạng vùng ruột thừa bị viêm và đã vỡ nhưng chưa bị tràn dịch qua ổ bụng do các mạc nối và quai ruột đang bao bọc xung quanh. Khối áp xe này sẽ khiến người bệnh đau đớn, sốt cao hoặc rất cao. Phía hố chậu phải sẽ có một khối, sờ vào không di chuyển mà bị căng đau. Trường hợp này cần xử lý kịp thời nếu không sẽ dẫn đến tràn dịch vào ổ bụng. Tình trạng sẽ bớt nguy hiểm nếu áp xe vỡ ra ngoài thay vì tràn dịch trong ổ bụng.
Đối với người bệnh nghi ngờ bị viêm ruột thừa, tạm thời không để người bệnh ăn uống quá nhiều. Không tự ý dùng thuốc giảm đau và nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế uy tín để khám và đưa ra phương pháp xử lý kịp thời.
Trong thời gian chờ đợi, nên cho bệnh nhân nằm trong tư thế giảm đau, co đầu gối để làm giảm căng cơ thành bụng.
Bệnh nhân bị viêm ruột thừa chưa xuất hiện biến chứng thì được chỉ định cắt bỏ bằng phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi.
Với phẫu thuật mở, bác sĩ sẽ thực hiện rạch da vùng bụng (vết rạch da dài 7 – 10 cm) để tiếp cận vùng ruột thừa bị viêm, cắt bỏ và khâu lại vết mổ.
Với mổ nội soi, bác sĩ sẽ tạo ra 3 vết rạch rất nhỏ, mỗi vết từ 3 – 5mm để dụng cụ nội soi tiếp cận vùng bụng, quan sát qua màn hình siêu âm và tiến hành xử lý cắt bỏ.
Mổ nội soi có nhiều đặc điểm nổi bật như ít xâm lấn, ít đau, nhanh hồi phục với vết rạch rất nhỏ so với mổ mở truyền thống. Do vậy, đối với bệnh nhân viêm ruột thừa không biến chứng, thường ưu tiên lựa chọn mổ nội soi. Tuy nhiên, bệnh nhân có các biến chứng áp xe, viêm phúc mạc… có thể sẽ được phẫu thuật mở để thuận lợi cho quá trình làm sạch vùng ổ bụng.
Sau khi cắt bỏ, bệnh nhân nằm viện 2 – 3 ngày để quan sát, theo dõi vết thương và sẽ được về nhà nghỉ ngơi.
Trường hợp viêm ruột thừa xuất hiện biến chứng viêm phúc mạc, áp xe hình thành, sẽ cần đặt ống dẫn lưu để dẫn dịch, mủ ra ngoài. Sau khi kiểm soát tình trạng nhiễm trùng do biến chứng, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa sẽ được thực hiện sau đó vài tuần.
Trường hợp xuất hiện đám quánh ruột thừa, tình trạng viêm ruột thừa đã qua giai đoạn cấp cứu thì có thể được chỉ định dùng kháng sinh để theo dõi tình trạng. Dùng kháng sinh có thể hiệu quả trong 1 giai đoạn tuy nhiên viêm ruột thừa có thể tái phát sau đó.
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa thường bao gồm nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi chúng ta nên có ý thức gìn giữ sức khỏe, thăm khám định kỳ thường xuyên để phòng ngừa các yếu tố xấu dẫn đến các bệnh đường ruột như viêm ruột thừa. Trong trường hợp phát hiện viêm ruột thừa, cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh