Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là một khối nhỏ của các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng. Hầu hết các polyp đại tràng là lành tính. Nhưng theo thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư ruột kết, thường gây tử vong khi được tìm thấy ở giai đoạn cuối.
Về đại thể thì polyp đại tràng có hai loại là polyp có cuống và polyp không có cuống. Còn về mô học-thuật ngữ thì có hai loại polyp chính: Neoplasic polyp và Non-neoplasic polyp. Trong đó, Neoplasic polyp có nguy cơ tiềm tàng ác tính gồm adenomas, polyp tuyến ống, các loại polyp răng cưa… Còn Non-neoplasic polyp bao gồm polyp tăng sản, polyp viêm… là những polyp không có nguy cơ ác tính. Nói chung, polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao, đặc biệt là với Neoplasic polyp.
Bất cứ ai cũng có thể mắc polyp đại tràng. Đối tượng có nguy cơ cao hơn mắc bệnh:
– Thường từ 50 tuổi trở lên
– Có dấu hiệu thừa cân, béo phì,
– Thói quen hút thuốc
– Tiền sử cá nhân hay gia đình từng mắc bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư ruột kết.
Polyp đại tràng thường không gây ra triệu chứng. Điều quan trọng là phải tiến hành kiểm tra sàng lọc thường xuyên, ví dụ như nội soi đại tràng. Bởi vì polyp đại tràng được tìm thấy trong giai đoạn đầu thường có thể được loại bỏ một cách an toàn và người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng.
Phân biệt với polyp đại tràng không cuống và có cuống
Cách chính xác nhất để phân biệt hai dạng polyp đại tràng không cuống và có cuống thường dựa vào phương pháp nội soi, cùng kết luận của các bác sĩ mới đưa ra kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên, hai loại này có những đặc điểm về hình dạng và kích thước khác nhau và thường bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố đó để phân loại.
Hình dạng
– Polyp đại tràng không cuống: Chân của polyp đại tràng không cuống thường rộng hơn so với có cuống, màu sắc cũng nhạt hơn và dễ dàng quan sát thấy khi tiến hành nội soi.
– Polyp đại tràng có cuống: Chân của polyp đại tràng có cuống thường hẹp và nhỏ, trong khi đó phần cuống thì có thể rất dài và loằng ngoằng. So với màu sắc của polyp không cuống thì rõ ràng hơn nhưng lại khó phân biệt với các mô khác xung quanh.
Kích thước
Polyp đại tràng có cuống thường có kích thước lớn hơn so với polyp đại tràng không cuống. Thường dạng không cuống có kích thước chỉ khoảng dưới 5mm.
Khả năng biến chứng sang ung thư
Để nhận định về nguy cơ tiến triển thành ung thư thì polyp đại tràng có cuống thường ít có khả năng chuyển sang ác tính. Nếu được chẩn đoán là lành tính thì người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với khối polyp nhiều năm mà không có quá nhiểu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Còn polyp đại tràng không cuống do có chân bám rộng nên có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao hơn. Tuy nhiên đây không phải kết quả tuyệt đối mà điều quan trọng là người bệnh cần phải theo dõi, kiểm tra tình trạng của các khối polyp để có phương pháp điều trị kịp thời.
Ngoài ra, còn một số dạng polyp có nguy cơ biến chứng sang ung thư cao như:
Kích thước polyp càng lớn thì nguy cơ càng cao, đặc biệt khi kích thước lớn hơn 1cm.
Polyp có răng cưa, về mặt mô học các polyp này xuất hiện với đường răng cưa của các tuyến và được coi là polyp tiền ung thư.
Những polyp có hình dạng sần sùi dễ gây xuất huyết thì cũng có khả năng chuyển sang ác tính
Điều trị polyp đại tràng không cuống
Đối với polyp đại tràng thì phương pháp điều trị phổ biến nhất là tiến hành nội soi để cắt polyp để ngăn ngừa khả năng tiến triển thành ung thư. Đối với các polyp nhỏ thì thủ thuật nội soi cắt polyp sẽ được tiến hành bằng cách thức sử dụng dụng cụ chuyên dụng được gắn qua ống nội soi để cắt nhỏ thành từng mẫu và đưa chúng ra ngoài.
Trong trường hợp kích thước lớn hơn thì các bác sĩ có thể đưa 1 sợi dây qua thiết bị nội soi vòng quanh chân của polyp sau đó tiến hành cắt đốt và có thể cầm máu ngay trong lòng ruột. Đây được đánh giá là phương pháp an toàn và không gây đau đớn cho người bệnh.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà việc nội soi cắt polyp có thể phải thực hiện thành nhiều lần hay không. Cụ thể đối với polyp đại tràng có kích thước lớn, không cuống thì cần nội soi lại sau 3-6 tháng để kiểm tra việc polyp đã được cắt hết hoàn toàn hay chưa, nếu chưa được cắt hết thì cần tiến hành cắt tiếp và tiếp tục theo dõi từ 3-6 tháng tiếp theo. Nếu qua hai lần vẫn chưa cắt hết thì có thể bệnh nhân được chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Bên cạnh đó, khi các khối polyp đã tiến triển thành ác tính hoặc có quá nhiều khối polyp thì thường được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi để loại bỏ các khối polyp.
Thậm chí, có những trường hợp polyp phức tạp không thể tiến hành cắt bỏ qua hình thức nội soi thì các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng hoặc trực tràng. Đó là cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư.
Các biện pháp phòng ngừa
Xây dựng thói quen lành mạnh có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh polyp đại tràng. Cụ thể:
Ăn một chế độ ăn kiêng với nhiều trái cây, rau quả và thực phẩm giàu chất xơ như đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan và ngũ cốc giàu chất xơ.
Lên kế hoạch giảm cân nếu bạn thừa cân.
Không ăn đồ sống, thịt chế biến có chất bảo quản và thực phẩm có nhiều chất béo.
Hạn chế việc sử dụng các đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê hay soda
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc bổ sung thêm canxi và vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh polyp đại tràng, hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn di truyền và thời điểm thích hợp để tiến hành sàng lọc polyp.
Như đã khẳng định ở trên bài viết, dù polyp đại tràng không cuống hay có cuống thì đều có thể điều trị nếu như phát hiện bệnh từ sớm. Vậy nên điều quan trọng nhất đối với mọi người, chính là duy trì lối sống khỏe mạnh, an toàn, kết hợp với việc tiến hành theo dõi, tầm soát các nguy cơ để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh