✴️ Polyp trực tràng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Polyp trực tràng là một bệnh phổ biến, thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu không có biện pháp điều trị sớm, polyp có thể ác hóa, tiềm ẩn nguy cơ tiến triển thành ung thư. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu polyp trực tràng là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh hiệu quả.

 

1. Polyp trực tràng là gì?

Trực tràng là một bộ phận của ruột già, tiếp giáp với phần hậu môn. Đây là đoạn ruột nối giữa kết tràng và hậu môn.

Polyp trực tràng là tình trạng xuất hiện những khối u lồi vào trong lòng trực tràng. Nó được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc trực tràng.

Đa số các trường hợp polyp trực tràng đều lành tính. Nguy cơ tiến hóa thành ác tính của polyp trực tràng tùy thuộc vào kích thước của nó. Nếu polyp trực tràng có đường kính dưới 5mm thì ít có nguy cơ chuyển hóa thành ung thư. Nhưng nếu polyp trực tràng có kích thước trên 20mm và kéo dài trên 10 năm thì nguy cơ phát triển thành ung thư rất lớn (lên tới 50%).

Polyp trực tràng là gì?

Polyp trực tràng là gì? Nó có nguy hiểm không?

 

2. Phân loại polyp trực tràng

Có 2 dạng polyp trực tràng thường gặp nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến.

2.1 Polyp tăng sản

Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ và ít có nguy cơ trở thành ác tính. Do đó, người bệnh không cần quá lo ngại khi mắc phải dạng polyp này. Một số ít trường hợp các u này có khả năng tăng sản lành tính được phát hiện và chẩn đoán phân biệt thông qua nội soi. Tuy nhiên để có kết luận chắc chắn thì cần kiểm tra mô bệnh học sau khi cắt bỏ polyp.

2.2 Polyp tuyến

Các thống kê cho thấy, có đến ⅔ trường hợp polyp trực tràng là polyp tuyến. Các polyp tuyến có kích thước lớn hơn nhiều so với polyp tăng sản. Chính vì vậy mà chúng có nguy cơ tiến triển thành ác tính. Với các khối u có đường kính lớn hơn 5mm thì nên sớm cắt bỏ để ngăn ngừa những chuyển biến xấu tới sức khỏe.

Mặc dù rất ít gặp nhưng vẫn có trường hợp polyp tuyến chứa tế bào ung thư. Vì vậy cần phải kiểm soát và theo dõi thường xuyên. Việc điều trị và can thiệp y khoa đối với các trường hợp ác tính sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.

 

3. Nguyên nhân gây polyp đại trực tràng

Polyp trực tràng có thẩ xảy ra ở cả nam và nữ. Trong đó, nguy cơ mắc bệnh cao hơn xảy ra trên những đối tượng có các yếu tố sau:

3.1 Đột biến gen

Qua các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu gây ra polyp trực tràng là do đột biến gen. Điều này khiến chó các tế bào ở niêm mạc trực tràng tăng sinh bất thường và hình thành u lồi vào bên trong trực tràng.

3.2 Tuổi

Polyp trực tràng thường gặp ở người trưởng thành. Nhưng có tới 90% trường hợp xảy ra sau 50 tuổi với tỷ lệ nam giới lớn hơn nữ giới.

3.3 Di truyền

Các yếu tố di truyền học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành polyp. Polyp trực tràng có xu hướng gặp nhiều trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh này. Do đó, ở những gia đình có người thân mắc polyp trực tràng được khuyến cáo là khám sàng lọc polyp trước khi bước sang giai đoạn tuổi 50.

3.4 Nguyên nhân khác gây polyp trực tràng là gì?

Polyp trực tràng cũng có thể xảy ra trên đối tượng có những yếu tố nguy cơ sau:

– Người mắc bệnh viêm loét đại trực tràng hoặc bệnh Crohn.

– Người bị béo phì, ít vận động thể dục.

– Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá.

– Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ.

 

4. Dấu hiệu nhận biết polyp trực tràng

Mọi người có thể nghi ngờ mình có mắc polyp trực tràng không thông qua các triệu chứng dưới đây:

– Đi ngoài phân có lẫn máu tươi: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất. Người bệnh sẽ phát hiện máu phụ mặt ngoài phân. Phân có khuôn và không trộn lẫn với máu.

– Cuống polyp sa ra ngoài (sa trực tràng): Trường hợp polyp trực tràng có cuống dài có thể sa ra ngoài hậu môn gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.

– Đau buốt hậu môn: Nếu tình trạng đau buốt hậu môn xuất hiện, đi ngoài có lẫn máu và dịch nhầy thì rất có thể polyp trực tràng đã bị viêm. Bạn cần đi soi kiểm tra trực tràng càng sớm càng tốt.

– Soi kiểm tra trực tràng: Khi đi kiểm tra trực tràng phát hiện bề mặt niêm mạc polyp tuyến tròn sáng bóng, có màu và có hình bông cải.

 

5. Polyp trực tràng có nguy hiểm không?

Đa phần polyp trực tràng là lành tính. Tuy nhiên, nếu polyp tăng về kích thước và số lượng sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng.

Theo thống kê, có đến 90% trường hợp ung thư đại trực tràng phát triển từ polyp. Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất hiện nay. Tỷ lệ người mắc ung thư đại trực tràng chỉ đứng sau ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Ở nữ giới, tỷ lệ mắc ung thư này chỉ đứng sau ung thư vú.

Thông thường, polyp đại trực tràng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và ít có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, khi thấy có máu trong phân, đau buốt khi đi ngoài, đột ngột bị tiêu chảy hay táo bón kéo dài thì bạn nên đi khám vì có nguy cơ cao polyp trực tràng đã tiến triển nặng hơn. Do có mối liên hệ giữa polyp và ung thư đại trực tràng nên việc phát hiện và điều trị sớm polyp là một biện pháp quan trọng để phòng ngừa ung thư phát sinh sau này.

90% trường hợp ung thư trực tràng tiến triển từ polyp và đây là loại ung thư chiếm tỷ lệ khá cao ở cả nam và nữ

90% trường hợp ung thư trực tràng tiến triển từ polyp và đây là loại ung thư chiếm tỷ lệ khá cao ở cả nam và nữ

 

6. Cách chẩn đoán polyp trực tràng

Để có thể chẩn đoán được polyp trực tràng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm phân để tìm máu có lẫn trong phân hoặc kiểm tra ADN để tầm soát polyp và ung thư đại trực tràng.

Chụp X quang có thuốc cản quang cũng là một biện pháp để chẩn đoán polyp trực tràng. Phương pháp này giúp phát hiện được những polyp hay khôi u trong trực tràng. Tuy nhiên nó có nhược điểm là dễ bỏ sót những polyp có kích thước nhỏ.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) cũng được sử dụng để xác định polyp trực tràng. Nhưng phương pháp này vẫn có thể có sai sót.

Phương pháp chính xác nhất để phát hiện polyp hay khối u trực tràng và có thể sinh thiết để xác định khối u là lành tính hay ác tinh là áp dụng phương pháp nội soi trực tràng. Khi nội soi trực tràng, bác sĩ cũng sẽ tiến hành nội soi toàn bộ ruột già để kiểm tra. Cách kiểm tra toàn diện sẽ giúp phát hiện thêm polyp (nếu có). Bởi người bệnh thường có nhiều hơn một polyp và bất cứ polyp nào cũng có tiềm ẩn nguy có gây ung thư. Nội soi trực tràng, bác sĩ cũng sẽ thực hiện đồng thời sinh thiết bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ để xét nghiệm và quan sát dưới kính hiển vi nhằm tìm ra tế bào ung thư khi nghi ngờ người bệnh có khả năng bị ung thư đại trực tràng.

Nội soi trực tràng giúp bác sĩ phát hiện chính xác polyp trực tràng, đồng thời lấy mô sinh thiết để kiểm tra u lành tính hay ác tinh

Nội soi trực tràng giúp bác sĩ phát hiện chính xác polyp trực tràng, đồng thời lấy mô sinh thiết để kiểm tra u lành tính hay ác tinh

 

7. Phương pháp điều trị polyp trực tràng

Cắt bỏ hết những polyp ở trực tràng là phương pháp được bác sĩ khuyến cáo để điều trị vì những khối u này có thể dẫn đến ung thư. Tùy vào bản chất của polyp mà bác sĩ có phương thức điều trị phù hợp.

Polyp có cuống sẽ được cắt bỏ trong lúc nội soi trực tràng bằng cách dùng dao cắt hoặc điện để đốt. Nếu polyp không có cuống hoặc không thể cắt đi khi nội soi thì bác sĩ sẽ tiến hành mổ để lấy polyp.

Trường hợp polyp đã tiến triển thành ung thư thì việc điều trị sẽ phụ thược vào khả năng lan rộng của ung thư. Để xác định tình trạng lan rộng của ung thư thì cần quan sát polyp dưới kính hiển vi. Nếu như ung thư đã xâm lấn đến cuống polyp thì những đoạn ruột già bị ảnh hưởng sẽ cần cắt bỏ. Nếu trực tràng bị cắt bỏ, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật tạo một lỗ mở ở ruột non ra ngoài thành bụng (mở thông hồi tràng hoặc tạo hậu môn nhân tạo) để bệnh nhân có thể đi vệ sinh. Chất thải đi qua lỗ mở rồi thông vào túi dùng một lần.

Việc điều trị cắt bỏ polyp cần được thực hiện tại bệnh viện đảm bảo uy tín, đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa được những rủi ro sau phẫu thuật.

 

8. Biện pháp phòng ngừa polyp trực tràng tái phát

Bệnh lý viêm đại tràng và polyp trực tràng rất dễ tái phát và nhạy cảm với các loại thức ăn. Để phòng ngừa nguy cơ tái phát polyp hay chuyển sang ác tính, người bệnh cần theo dõi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời thay đổi lối sống kết hợp với chế độ ăn khoa học.

8.1 Chế độ ăn uống phòng ngừa polyp trực tràng là gì?

– Người bệnh cần bỏ thuốc lá và hạn chế bia rượu (không quá 2 lon bia hay 2 ly rượu nho mỗi ngày). Tránh để tình trạng thừa cân, béo phì và hạn chế các chất béo bão hòa (nội tạng động vật, mỡ động vật,..)

– Tăng cường ăn củ quả, rau xanh có nhiều chất xơ. Theo nghiên cứu, thực phẩm giàu chất xơ giúp làm giảm nguy cơ phát triển thêm polyp và hình thành ung thư. Các loại thực phẩm bao gồm: gạo nứt, rau xanh nấu chín, các loại hạt đậu, trái cây khô,..

– Bổ sung canxi và vitamin D: Bổ sung canxi và vitamin D có thể giúp ngăn ngừa tái phát polyp trực tràng. Bạn có thể uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc phơi nắng buổi sáng khoảng 10-15 phút mỗi ngày.

8.2 Lối sống, thăm khám

– Chạy bộ hàng ngày hay tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện các triệu chứng bệnh.

– Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng và thức quá khuya.

– Khi có các biểu hiện như có máu trong phân, đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện trên kéo dài trên 1 tuần thì nên đi nội soi vì có thể polyp đã mọc lại. Trung bình sau 3-5 năm cắt polyp, người bệnh nên nội soi kiểm tra lại, nếu thấy tái phát thì cần cắt bỏ.

– Tầm soát polyp và ung thư đại trực tràng cần thực hiện đối với người từ 50 tuổi trở lên. Với những người có nguy cơ cao, thì việc tầm soát cần phải tiến hành sớm hơn (khoảng 40 tuổi).

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc nắm rõ polyp trực tràng là gì, mức độ nguy hiểm của bệnh. Do đó, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán, tầm soát nguy cơ ung thư và có phương pháp điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top