Phẫu thuật cắt túi mật được các bác sĩ đánh giá là cách xử lý sỏi túi mật triệt để, hiệu quả và nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân e ngại băn khoăn sau cắt túi mật có ảnh hưởng gì không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp một số thông tin cụ thể.
1. Không có túi mật vẫn có thể sống bình thường
Theo các chuyên gia cho biết, người không có túi mật vẫn sống, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Vì túi mật chỉ là nơi chứa mật và dự trữ mật từ gan đổ xuống, khi cần tiêu hóa thức ăn, túi mật co bóp, tống mật xuống ruột. Sau khi cắt túi mật, mật sẽ được đổ trực tiếp từ gan xuống tá tràng.
Sau phẫu thuật, cũng có khoảng 10 – 15% người bệnh gặp phải hội chứng sau cắt túi mật, với các triệu chứng tương tự sỏi mật như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, vàng da, vàng mắt, sốt cao…., Nguyên nhân gây nên hội chứng này vẫn chưa được giải thích rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến sự thích nghi của cơ thể khi thiếu vắng túi mật hoặc do còn sót sỏi ở trong đường mật. Các triệu chứng này có thể thoáng qua và biến mất sau một vài tuần, nhưng cũng có nhiều trường hợp kéo dài dai dẳng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Thậm chí sức khỏe còn được cải thiện đáng kể vì sỏi đã được xử lý sạch nhờ phẫu thuật và người bệnh không còn phải chịu đựng các triệu chứng khó chịu
2. Sau cắt túi mật cần chú ý đến chế độ ăn uống
Sau khi túi mật bị loại bỏ, gan vẫn sản xuất dịch mật đều đặn, chất lượng và số lượng dịch mật không hề thay đổi. Nhưng thay vì đi con đường vòng như trước kia, nay dịch mật đi nhanh hơn và đổ thẳng xuống tá tràng ngay cả khi không có thức ăn. Điều này có thể gây ra những rối loạn rối loạn nhất định về tiêu hóa như đầy trướng, chậm tiêu hay chán ăn.
Để làm giảm được tình trạng này, sau cắt túi mật người bệnh nên cố gắng hạn chế dầu mỡ, đồ ăn nhiều cholesterol. Sau đó khi cơ thể đã thích ứng trở lại, người bệnh có thể tập ăn lại từng ít một và tăng dần lên. Nếu bị tiêu chảy mạn tính, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được sử dụng một số loại thuốc cầm tiêu.
Để phòng sỏi tái phát và hỗ trợ cho tiêu hoá, cần chú ý:
– Không ăn các chất có nhiều cholesterol như mỡ động vật, sữa, trứng, thịt rán, thịt hun khói… Đối với những thức ăn có gia vị cay chua cần hạn chế. Kiêng rượu bia và thuốc lá.
– Ăn nhiều rau, quả, đạm thực vật (đậu các loại).
– Cần điều trị khi xét nghiệm thấy có cholesterol tăng cao trong máu để hạ xuống. Tránh để bị nhiễm khuẩn đường ruột.
– Dùng gần như thường xuyên thuốc lợi mật như artichaut (chophyton, artichaut…), sorbitol.
– Dùng thuốc làm tan sỏi như: chenodesoxy cholique, chenolite, rowachol…
– Cần có chế độ thể dục và tập luyện hợp lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh