✴️ Thoát vị bẹn trái là gì? Điều trị ra sao?

Trong các loại thoát vị thành bụng, thoát vị bẹn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều người biết đến bệnh thoát vị bẹn nhưng không rõ thoát vị bẹn trái là gì, có nguy hiểm không và cách điều trị hiệu quả. Tìm hiểu các thông tin cần thiết trong bài viết dưới đây.

 

1. Thoát vị bẹn trái là gì

Thoát vị bẹn trái có thể hiểu đơn giản là tình trạng một tạng trong ổ bụng ra khỏi vị trí của mình, chui qua các lỗ giãn rộng của vùng bẹn bên trái rồi tạo thành khối phồng ở đây. Đây là một trong những loại thoát vị của thành bụng.

Phân loại thoát vị bẹn trái như sau:

– Bệnh thoát vị bẹn gián tiếp: Đây là một dạng bệnh bẩm sinh vì thông thường, sau khi sinh thì ống bẹn phải đóng. Tuy nhiên ở một số trẻ nó không đóng nên tạng bị thoát vị đi qua ống bẹn.

– Bệnh thoát vị bẹn trực tiếp: Đây là dạng thoát vị bẹn trái mắc phải hình thành do nhiều nguyên nhân. Có thể là tuổi già nên thành bụng bị yếu, hoặc ở những người làm việc quá sức, áp lực gia tăng khi táo bón kéo dài, ho hoặc tiểu khó kéo dài.

Thoát vị bẹn xảy ra phần lớn ở nam giới, bất cứ độ tuổi nào, có thể là thoái vị bẹn trái hoặc phải. Với trường hợp bẩm sinh thì ngay từ khi sinh ra bệnh nhân đã mắc thoát vị bẹn. Bệnh sẽ gây cản trở cuộc sống sinh hoạt bình thường như khó chịu, đau tức. Quan trọng hơn, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

Thoát vị bẹn trái là gì và cách điều trị hiệu quả

Thoát vị bẹn trái sẽ gây nên khối phồng bên trái

 

2. Thoát vị bẹn trái nguy hiểm thế nào?

Thông thường, thoát vị bẹn trái sẽ xẹp lại khi người bệnh nằm nghỉ hoặc có thể dùng tay đẩy lên được vào trong. Giai đoạn đầu bệnh chỉ gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt. Tuy nhiên nếu không phát hiện và can thiệp sớm, thoát vị bẹn trái có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng như:

2.1 Thoát vị kẹt

Biến chứng này là tình trạng tạng bị chui ra ngoài và dù có tác động đẩy lên thì nó cũng không trở lại được. Khi đó, bạn sẽ gặp tình trạng khó chịu như táo bón, buồn nôn, đau do phần tạng bị mắc kẹt tạo thành một khối chắc. Theo thời gian, khối thoát vị sẽ chèn ép lên các bộ phận khác, gây chấn thương nguy hiểm.

2.2 Thoát vị nghẹt

Đây là tình trạng phần tạng thoát vị bị xoắn lại, máu không thể lưu thông tại đây và dẫn đến hiện tượng hoại tử. Khi gặp biến chứng thoát vị nghẹt, người bệnh sẽ đau sốt, sưng, viêm, từ đó lại dẫn đến nhiều biến chứng khác nữa, cụ thể:

– Nghẹt ruột: Tình trạng này xảy ra khi không đẩy được tạng trả vào ổ phúc mạc, dính lại với cổ hoặc túi thoát vị. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau và túi thoát vị bị căng lên, nếu thấy khó chịu lâu dài thì cần đến ngay bệnh viện để được mổ cấp cứu.

– Tắc ruột: Thường xảy ra với ruột non, cũng có thể xảy ra với dạ dày. Người bệnh đau đớn khó chịu, đau liên tục hoặc đau quặn từng cơn, màu da vùng thoát vị bị biến đổi… Khi đó cần can thiệp ngay nếu không sẽ hoại tử nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Đối với nam giới, căn bệnh này có thể gây vô sinh bởi nó là điều kiện thuận lợi khiến tinh hoàn bị teo, xoắn hay hoại tử. Do đó, khi có một số dấu hiệu như khối thoát vị bị lớn bất thường, khó chịu hay đau nhói vùng bẹn, hoặc trong trường hợp trẻ em bị thoát vị bẹn bẩm sinh thì cần thăm khám với bác sĩ sớm nhất có thể.

Thoát vị bẹn trái là gì, nếu có biến chứng sẽ rất nguy hiểm

Thoát vị bẹn trái rất nguy hiểm nếu có biến chứng xảy ra

 

3. Điều trị thoát vị bẹn trái

Sau khi được thăm khám với cơ sở chuyên khoa xác định tình trạng thoát vị bẹn. Bệnh nhân sẽ được tư vấn phương pháp phẫu thuật để dứt điểm thoát vị bẹn. Bệnh nhân có thể mổ mở hoặc mổ nội soi tùy vào nhu cầu. Tuy nhiên hiện nay, việc mổ nội soi là lựa chọn phổ biến vì ít đau đớn, có tính thẩm mỹ và có thời gian phục hồi nhanh hơn. Phần đa các cơ sở uy tín đều có dịch vụ mổ nội soi thoát vị bẹn.

Nguyên tắc điều trị thoát vị bẹn đó là:

– Phục hồi và tái tạo thành bụng: Đối với những ca mổ ở người trưởng thành, phục hồi thành bụng là điều bắt buộc. Vì người mắc thoát vị bẹn vốn thành bụng đã rất yếu. Có thể dùng mô tự thân hoặc tấm lưới nhân tạo.

– Trong trường hợp cần thiết có thể khâu, cắt bỏ túi thoát vị.

3.1. Phẫu thuật thoát vị bẹn cho trẻ em và người lớn

Đối với trẻ em, phẫu thuật được áp dụng khi trẻ được 1 tuổi mà bệnh không tự khỏi, xuất hiện cơn đau hay khó chịu. Nếu không phẫu thuật thì bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em cần được theo dõi thường xuyên. Trẻ trên 1 tuổi sẽ được bác sĩ mổ để thắt cao túi thoát vị, không cần phục hồi thành bụng. Nếu trường hợp đã gặp biến chứng cần mổ nội soi ngay.

Đối với người lớn, bệnh nhân tuổi cao sức yếu, mắc các bệnh lý khác sẽ không phẫu thuật mà tiến hành băng treo bìu. Bệnh nhân sẽ được mổ cấp cứu nếu xuất hiện biến chứng nghẹt, đau để tránh bị hoại tử. Trong trường hợp thoát vị bẹn chưa nghẹt, bệnh nhân sau khi xét nghiệm đầy đủ sẽ sắp xếp lịch phẫu thuật.

Thoát vị bẹn trái là gì, cần chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý

Sau phẫu thuật thoát vị bẹn trái cần sinh hoạt, tập luyện hợp lý

 

3.2. Một số lưu ý sau phẫu thuật thoát vị bẹn:

Sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn thành công, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt khoa học, ngăn chặn bệnh tái phát. Bạn cần tuân thủ mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ điều trị. Không làm việc nặng quá sức, bổ sung thêm rau xanh, chất xơ hạn chế tình trạng táo bón. Có thể thực hiện nịt hoặc ép lỗ thoát vị bằng băng để các tạng không bị tụt xuống quá nhiều. Các hoạt động thể lực, sinh hoạt tình dục cần hỏi ý kiến bác sĩ để thực hiện một cách hợp lý. Uống  nhiều nước, ít nhất là 2 lít mỗi ngày và luôn cố gắng ngồi trên tư thế thẳng. Nếu xuất hiện cơn đau hay có gì bất thường cần báo ngay với bác sĩ điều trị.

Thoát vị bẹn trái là gì đã được giải đáp trong bài viết này. Người bệnh cần thăm khám và điều trị thoát vị bẹn tại cơ sở uy tín vì phẫu thuật thoát vị bẹn nếu không được thực hiện an toàn, chính xác sẽ gây nhiều nguy hiểm và tổn thương cho người bệnh. Lưu ý đừng quên tái khám định kỳ sau phẫu thuật để hạn chế tái phát bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top