✴️ Tổng hợp những phương pháp chữa trị sỏi mật

1. Cơ chế hình thành sỏi mật.

Sỏi mật là các tinh thể rắn xuất hiện bên trong túi mật do tình trạng quá bão hòa của 1 trong 3 thành phần của dịch mật. Các chuyên gia cho rằng, sỏi được hình thành bởi sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó có 3 nguyên nhân chính là:

 

1.1. Do có sự mất cân bằng của các thành phần trong dịch mật:

  • Do quá dư thừa lượng cholesterol trong cơ thể: đây được xem là nguyên nhân chủ yếu. Trường hợp này thường xảy ra khi có các bệnh lý tại gan hoặc do cung cấp quá nhiều cholesterol trong khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Do có quá nhiều bilirubin ở trong dịch mật: Đây là chất được tạo ra khi hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ. Sau đó được gan bài tiết vào trong dịch mật. Một số bệnh lý như xơ gan, nhiễm trùng đường mật, thiếu máu tán huyết hay bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm… sẽ làm cho các tế bào hồng cầu bị phá vỡ hàng loạt, dẫn đến giải phóng một lượng lớn bilirubin vào trong dịch mật và hình thành nên sỏi sắc tố mật.

 

1.2. Do giảm vận động đường mật:

Khi chức năng co bóp của túi mật có vấn đề làm cho dịch mật bị ứ đọng bên trong, cô đặc lại và tạo thành sỏi. Tình trạng này xảy ra khi ít vận động và chế độ ăn kiêng quá mức hoặc được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch dài ngày.

 

1.3. Do nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng:

Giun sán từ ruột đi lạc vào đường mật đẻ trứng để lại xác tại đó tạo điều kiện cho các bilirubin bám vào hình thành sỏi.

 

2. Sỏi mật có nguy hiểm không?

Khoảng 80% trường hợp sỏi trong túi mật không gây ra triệu chứng. Người bệnh có thể sống chung với nó nhiều năm mà không cần phải can thiệp. Tuy nhiên, sỏi mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Đó là:

Nếu không phát hiện và chữa trị sỏi mật đúng cách có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nếu không phát hiện và chữa trị sỏi mật đúng cách có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm

  • Viêm túi mật cấp – mãn tính: Sỏi bị mắc kẹt trong cổ túi mật hoặc ống dẫn mật làm dịch mật bị ứ đọng. Lâu ngày sẽ bị viêm túi mật cấp tính. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể tái diễn lại nhiều lần khiến thành túi mật dày lên và bị xơ hóa. Hậu quả làm mất hoàn toàn chức năng cô đặc và lưu trữ dịch mật.
  • Nhiễm trùng đường mật và viêm đường mật cấp do sỏi làm tắc nghẽn ống mật chủ.
  • Viêm tụy cấp: sỏi di chuyển lọt vào ngã ba mật tụy làm ứ tắc dịch tụy gây viêm tụy cấp.
  • Tắc ruột: Sỏi di chuyển theo đường rò túi mật – tá tràng xuống ruột non và bị mắc kẹt ở đoạn cuối hồi tràng gây tắc ruột.
  • Ung thư túi mật: người có tiền sử bệnh sỏi mật có nguy cơ phát triển thành ung thư túi mật. Tuy nhiên trường hợp này có tỷ lệ tương đối thấp.

 

3. Các phương pháp chữa trị sỏi mật hiện nay:

Việc chỉ định phương pháp chữa trị sỏi mật hoàn toàn phụ thuộc vào vị trí, kích thước sỏi và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp điều trị sỏi mật được chỉ định là:

 

3.1. Chữa trị sỏi mật nội khoa – không can thiệp, phẫu thuật:

Đối với những trường hợp sỏi mật có kích thước nhỏ. Người bệnh chưa gặp phải triệu chứng hoặc chỉ có những biểu hiện thoáng qua trên đường tiêu hóa. Khi này, phác đồ chữa trị sỏi mật thường được chỉ định là theo dõi thêm. Người bệnh tái khám theo chỉ định, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt kết hợp với điều trị bằng thuốc làm tan sỏi và làm giảm các triệu chứng bệnh.

Dùng thuốc Tây y làm tan sỏi là phương pháp chữa trị sỏi mật thường được chỉ định trong các trường hợp sỏi nhỏ chưa có biến chứng hoặc biến chứng không đáng kể

Dùng thuốc là phương pháp chữa trị sỏi mật thường được chỉ định trong các trường hợp sỏi nhỏ chưa có biến chứng hoặc biến chứng không đáng kể.

Thuốc điều trị sỏi mật: có hiệu quả khi sỏi có kích thước nhỏ dưới 20 mm hoặc sỏi cholesterol túi mật chưa bị calci hóa. Các loại thuốc này có tác dụng làm giảm tổng hợp cholesterol ở gan và hòa tan cholesterol ở dịch mật. Sau đó giúp bào mòn sỏi. Tùy vào kích thước sỏi mà thời gian bào mòn có thể kéo dài từ nhiều tháng tới vài năm. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh có thể phải sử dụng thuốc trong khoảng thời gian dài từ 6-24 tháng nhưng thường bị gián đoạn do tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, làm tăng nguy cơ chảy máu và viêm loét dạ dày, tá tràng.  Tuy nhiên phần lớn người bệnh đều bị tái phát sỏi sau khoảng 5-10 năm điều trị.

Ngoài việc sử dụng thuốc làm tan sỏi, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số loại thuốc nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh. Đó là thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc lợi mật…

 

3.2. Chữa trị sỏi mật ngoài khoa phẫu thuật

Khi sỏi có kích thước lớn hoặc gây những biến chứng nghiêm trọng, việc can thiệp bằng phương pháp ngoại khoa là điều bắt buộc. Các phương pháp điều trị có thể được chỉ định:

 

3.2.1.Phẫu thuật nội soi cắt túi mật:

Phương pháp này là lựa chọn hàng đầu trong những trường hợp cần phải cắt bỏ túi mật để loại bỏ sỏi. Bác sĩ sẽ rạch 3-4 vết nhỏ trên ổ bụng. Sau đó đưa dụng cụ vào tiến hành bóc tách và cắt bỏ túi mật. Thời gian thực hiện phẫu thuật kéo dài khoảng trên một giờ. Người bệnh có thể xuất viện sau 2 – 3  ngày và ổn định sức khỏe sau khoảng 7-10 ngày.

Với những ưu điểm như ít xâm lấn, ít gây đau, hầu như không để lại sẹo, loại bỏ túi mật – nơi chứa đựng sỏi nên giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát thì mổ nội soi cắt túi mật được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên người bệnh cần thăm khám cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị cụ thể. Phương pháp này chống chỉ định với các trường hợp người bệnh có sức đề kháng kém; người cao tuổi hoặc người mắc các bệnh lý khác như béo phì, tim mạch hay gan mật phức tạp.

 

3.2.2. Phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở cắt túi mật:

Phương pháp cắt túi mật truyền thống này được chỉ định khi người bệnh không thích hợp để mổ nội soi. Bác sĩ sẽ rạch một đường lớn trên bụng nhằm để lộ túi mật. Sau đó tiến hành cắt bỏ và đưa túi mật ra ngoài. Người bệnh phải nằm viện 5-7 ngày sau khi phẫu thuật và mất khoảng 4-6 tuần sau đó để phục hồi.

 

4. Phòng ngừa sỏi mật tái phát sau khi chữa trị

Chế độ ăn uống và lối sống khoa học đóng vai trò quan trọng để góp phần hạn chế tối đa nguy cơ sỏi mật tái phát vì thế người bệnh sau khi điều trị nên:

  • Uống nhiều nước: 2-3 lít nước mỗi ngày giúp đào thải được nhiều độc tố ra khỏi cơ thể.
  • Ăn đúng giờ, đủ bữa.
  • Giảm lượng chất béo và lượng đường trong khẩu phần ăn để giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
  • Tăng cường bổ sung chất xơ nhằm loại bỏ cholesterol xấu. Mục đích là để giảm nguy cơ sỏi tích tụ trong túi mật.
  • Bổ sung vitamin C để giúp hòa tan cholesterol trong nước dễ hơn và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Đồng thời vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch nhằm giảm tỷ lệ tái phát sỏi.
  • Tăng cường vận động bằng các bài tập đơn giản, phù hợp.
  • Kiểm soát cân nặng trong giới hạn cho phép; tránh bị thừa cân hoặc béo phì. Vì sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong dịch mật làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
  • Lưu ý khi sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng đào thải cholesterol vào trong dịch mật.

Như vậy có nhiều phương pháp chữa trị sỏi mật. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Tùy theo mỗi ca bệnh mà lựa chọn phương pháp điều trị nhất định để đạt kết quả tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top