Viêm túi mật cấp là trạng thái bệnh lý cấp tính, cần xử lý ngay. Trong một số trường hợp không kịp thời điều trị, bệnh sẽ gây ra các biến chứng rất trầm trọng.
– Hoại tử túi mật: Túi mật sẽ bị phá hủy từ các mô bên trong. Biến chứng này thường gặp ở những người có bệnh lý tiểu đường hoặc người có tuổi, người sức khỏe kém.
– Thủng túi mật: Khi túi mật bị thủng sẽ vô cùng nguy hiểm. Túi mật thủng sẽ gây viêm phúc mạc, dịch mủ sẽ bị dính vào các tạng khác có trong ổ bụng. Biến chứng này có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
– Viêm phúc mạc: Trạng thái trước khi thủng túi mật có thể xảy ra đó là viêm phúc mạc mật. Túi mật bị căng phồng, thành túi mật giãn nở, dịch bị tràn 1 ít thấm vào ổ bụng gây viêm phúc mạc.
– Có áp xe đường dẫn mật: Tình trạng khối áp xe có thể xảy ra khi bệnh nhân bị viêm mủ đường dẫn mật.
– Nhiễm khuẩn huyết: Khi viêm đường mật gây nên nhiễm khuẩn, tràn và lây lan sang đường máu thì rất nguy hiểm.
– Ung thư túi mật: Dù ít xảy ra nhưng ung thư túi mật là biến chứng rất nguy hiểm. Người bệnh có thể bị nguy hiểm tính mạng nếu phát hiện muộn.
Viêm túi mật cấp có thể có những triệu chứng gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, để có kết quả chẩn đoán chính xác cần được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm liên quan. Khi nhập viện, bác sĩ sẽ khai thác các thông tin về dấu hiệu trên cơ thể, có thể sờ và kiểm tra vùng bụng bên ngoài xác định khu vực bị đau. Sau đó, bác sĩ sẽ có các chỉ định thực hiện các xét nghiệm để có kết quả chính xác như sau:
– Siêu âm vùng ổ bụng: Hình ảnh hiển thị được tạo ra bởi các sóng âm. Siêu âm ổ bụng sẽ cho kết quả nhanh nhất và cũng được sử dụng nhiều nhất trong chẩn đoán viêm túi mật cấp.
– Chụp X-quang: Vùng được chụp là vùng đường mật. Trên x – quang sẽ hiển thị rõ nét hình ảnh túi mật và ống dẫn mật. Từ đó có thể xác định có bị viêm hay không.
– Chụp CT: Phương pháp này thường cho kết quả chính xác nhất. Việc dùng chùm tia X chiếu qua đường mật sẽ giúp bác sĩ thu được hình ảnh ở nhiều góc độ. Từ đó quan sát được rõ ràng trên màn hình.
Khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác định được độ dày mỏng của thành túi mật, xác định túi mật có sỏi hay không và phần viêm sưng, biến chứng nếu có. Từ đó sẽ có chỉ định điều trị ngay cho phù hợp.
Sau khi xác định tình trạng viêm túi mật cấp tính và cần xử lý ngay, thường thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật ngay sau đó. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp dứt điểm để tránh tái phát bệnh, ngăn ngừa hiểm họa nếu có.
– Từ kết quả viêm túi mật cấp tính, người bệnh sẽ có chỉ định nhập viện ngay. Để chuẩn bị tốt cho cuộc phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị thích hợp, cần để cho túi mật nghỉ ngơi hoàn toàn. Hạn chế bổ sung các loại thực phẩm. Người bệnh sẽ được truyền nước, truyền dịch để không bị mất sức. Để ngăn ngừa các biến chứng bộc phát, các loại thuốc giảm đau và chống viêm cũng được truyền vào để ổn định tình trạng túi mật. Từ đó thực hiện cuộc phẫu thuật được dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Phẫu thuật cắt bỏ vùng túi mật được thực hiện theo 2 cách. Đó là mổ mở và mổ nội soi. Phẫu thuật sẽ được thực hiện chậm nhất là sau 72h kể từ khi nhập viện để tránh biến chứng và tái phát sau này.
– Mổ nội soi đang là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu hiện nay do có thể giảm bớt đau đớn, hồi phục nhanh và có tính thẩm mỹ cao hơn. Người bệnh chỉ bị rạch 1 vết nhỏ để đưa dụng cụ nội soi vào và cắt bỏ túi mật bị viêm.
– Ngược lại, mổ mở thường khiến bệnh nhân đau đớn hơn do vết rạch kéo dài ở vùng bụng. Người bệnh cũng có thể gặp biến chứng mổ hở như chảy máu, nhiễm trùng và tốc độ hồi phục chậm hơn nhiều so với mổ nội soi.
Cắt bỏ viêm túi mật được thực hiện khi biến chứng chưa xảy ra. Nếu người bệnh bị dịch tràn ổ bụng, có viêm phúc mạc… thì phải được dẫn lưu túi mật trước khi cắt bỏ.
Việc cắt bỏ túi mật không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì mật sẽ được chảy vào ruột non. Người bệnh có thể hơi khó chịu vùng bụng sau khi cắt bỏ như đau bụng, chướng bụng. Hiện tượng sẽ được giảm bớt nếu có chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh