✴️ Nguyên nhân và các giai đoạn phát triển của căn bệnh ung thư túi mật

1. Nguyên nhân gây bệnh ung thư túi mật là gì? Dấu hiệu nhận biết bệnh?

Túi mật là gì? Túi mật là một bộ phận có hình dạng như một chiếc túi nhỏ nằm sát bên dưới gan, nó có vai trò như một chiếc nhà kho nhỏ chứa đựng dịch mật để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Túi mật cũng có thể được coi là một chiếc van của đường ống dẫn dịch mật từ gan tới ruột non để thúc đẩy tiêu hóa và xử lý chất béo.

Ung thư túi mật là khi trong các mô của túi mật hình thành những tế bào ác tính, đây là một dạng bệnh khá hiếm về túi mật. Phần lớn ung thư túi mật thường khó điều trị, do bệnh không được chẩn đoán sớm ở giai đoạn đầu và khi phát hiện ra thì đã muộn.

Bệnh được hình thành từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, những nguyên nhân chủ yếu có thể gây bệnh thường đến từ:

  • Biến chứng bệnh sỏi túi mật: Đây được coi là nguyên nhân của rất nhiều bệnh lý về túi mật cũng những cơ quan khác trong hệ tiêu hóa. Theo một số khảo sát về những người mắc bệnh ung thư túi mật tại Mỹ, thì có tới hơn 75% những ca ung thư túi mật có tiền sử bệnh sỏi mật gây viêm mạn tính

Sỏi túi mật có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư túi mật

Viêm mạn tính do sỏi túi mật có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư túi mật

  • Tình trạng Polyp túi mật nếu phát triển ở dạng lớn (hơn 1cm) cũng sẽ có nguy cơ chuyển sang dạng ung thư.
  • Bệnh có thể bị di truyền qua nhiều thế hệ: Những bệnh nhân bị ung thư túi mật có khả năng cao sẽ phát hiện bệnh ở những người thân thế hệ sau.
  • Độ tuổi, giới tính cũng có thể sẽ là yếu tố tăng khả năng mắc bệnh: Theo rất nhiều khảo sát đã cho thấy hầu hết người bị mắc ung thư túi mật xuất hiện ở phụ nữ, tuổi đã nhiều (trên 60).
  • Thuốc lá không chỉ gây hại cho hệ hô hấp mà túi mật cũng sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là nguy cơ mắc bệnh ung thư túi mật.

Có thể nhận biết bệnh ung thư túi mật sớm được không?

Mặc dù những triệu chứng ban đầu của ung thư túi mật khá mơ hồ nhưng không phải là không thể xác định được bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến mà người bệnh có thể dự đoán bệnh:

  • Đau bụng chắc hẳn sẽ là triệu chứng bệnh đáng chú ý nhất. Người bệnh đau bụng do ung thư túi mật sẽ có hiện tượng đau nhói, đau quặn hoặc đau dữ dội tại vùng hạ sườn phải và sẽ lan rộng sang các vùng lân cận như vai, lưng hay thắt eo,...
  • Có thể sẽ xuất hiện những cơn sốt vừa đến sốt cao.
  • Bụng cảm giác bị bí bách, chướng bụng.
  • Chán ăn khiến cân nặng của người bệnh bị giảm sút đáng kể (có nhiều trường hợp người bệnh bị sụt hẳn 10 kg sau chưa đầy 1 tháng).
  • Bị vàng da, niêm mạc mắt vàng (do ứ mật).
  • Người bệnh thường xuyên buồn nôn, đôi lúc nôn ra cả chất dịch có màu vàng, vị đắng.
  • Một số trường hợp vùng da bụng bị đau còn nổi cộm lên bề mặt, cảm nhận như túi mật bị trồi lên.

Không chỉ xuất hiện các triệu chứng bệnh về tổn thương ở túi mật mà người bệnh còn có thể phải hứng chịu cả những biến chứng do bệnh gây ra tại các vùng bộ phận khác như gan, xương, phổi hay thậm chí là não bộ. Những triệu chứng bệnh có thể xuất hiện một cách thầm lặng từ từ nhưng đôi lúc cũng phát ra một cách dữ dội như: gây khó thở, ho ra máu, đau xương thậm chí gãy xương, rối loạn thần kinh, động kinh,...

2. Ung thư túi mật có nguy hiểm không? Bệnh có thể chữa được không?

Bệnh được coi là một trong những căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tiêu thụ thức ăn của cơ thể vì vậy nó cũng sẽ tác động không nhỏ đến tình hình sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Tùy thuộc vào mức độ bệnh chuyển biến đến giai đoạn nào mà mức độ nguy hiểm của nó sẽ gây ra đồng thời.

2.1 Các giai đoạn phát triển của bệnh

Dựa vào tính chất của khối u và sự tác động đến các vùng cơ quan khác mà các chuyên gia có thể chia bệnh ung thư túi mật ra làm 5 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Những khối u chỉ tập trung ở túi mật chứ không ảnh hưởng đến các vùng cơ quan khác.
  • Giai đoạn 2: Khối u bắt đầu có dấu hiệu xâm lấn tới các lớp mô liên kết xung quanh nhưng chưa gây di căn.
  • Giai đoạn 3: Các khối u đã có hiện tượng phát triển lấn ra bên ngoài túi mật, gây ra những ảnh hưởng gián tiếp tới các cơ quan khác nhưng chưa gây ra di căn hạch hay di căn xa.
  • Giai đoạn 4: Bắt đầu phát triển các khối di căn hạch tại một số vùng lân cận nhưng chưa ảnh hưởng trực tiếp tới động - tĩnh mạch. Không xuất hiện di căn xa.
  • Giai đoạn 5: Các nhóm động mạch và tĩnh mạch gần khu vực túi mật đã bị xâm lấn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác và cả hệ thần kinh.

2.2 Phương pháp chẩn đoán ung thư túi mật

Bệnh nhân có thể thực hiện những biện pháp sau đây:

  • Chụp CT ổ bụng;
  • Tiến hành sinh thiết khối u dưới hướng dẫn của CT hoặc siêu âm;
  • Nội soi thám sát kết hợp siêu âm: phương pháp này giúp chẩn đoán tình trạng lan rộng của ung thư, phát hiện các hạch đã di căn tới đâu: tế bào gan hay đường dẫn mật chính?
  • Xét nghiệm máu: theo dõi chức năng gan, thận,...

2.3 Điều trị ung thư túi mật như thế nào?

  • Giai đoạn đầu của bệnh: có thể tiến hành phẫu thuật nhằm cắt bỏ túi mật. Nếu ung thư đã lan rộng thì cần phải cắt bỏ cả một phần của gan;
  • Giai đoạn muộn: hoá trị, bức xạ trị liệu, thủ tục làm giảm tắc đường mật.

Có thể bạn quan tâm: Polyp túi mật

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top