✴️ Polyp túi mật

Nội dung

Polyp túi mật là bệnh gì?

Polyp túi mật là những u nhú hình thành từ lớp niêm mạc bên trong của túi mật. Đa số polyp túi mật là dạng lành tính, chỉ là các khối cholesterol được tích tụ chứ không phải là các tế bào ung thư, nhưng nó cũng có thể là những khối u nhỏ chứa các tế bào ung thư.

Tùy thuộc vào kích thước polyp để đánh giá mức độ nguy hiểm của polyp túi mật và việc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Polyp càng lớn thì càng có nguy cơ ung thư túi mật. Polyp kích thước lớn hơn 1 cm thì có nhiều khả năng ung thư hơn những polyp nhỏ. Vì vậy, bác sỹ thường khuyên người bệnh cắt bỏ túi mật khi mắc polyp kích thước lớn.

Những dấu hiệu phát hiện polyp túi mật

Bệnh Polyp túi mật thường ít khi gây ra triệu chứng nhưng đôi khi chúng có thể gây ra những cơn đau quặn mật tương tự như sỏi mật. Vì thế, để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh thì người bệnh nên sớm đến bệnh viện để được thăm khám, siêu âm ổ bụng, làm một số xét nghiệm khác và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Tại sao polyp túi mật phát triển?

Polyp túi mật có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, nhiều độ tuổi. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa được biết rõ. Và không phải lúc nào polyp cũng là dạng lành tính, một số bằng chứng cho rằng: độ tuổi cao, mắc đồng thời sỏi mật và polyp mật; polyp kích thước lớn cũng có thể tiến triển thành u ác tính.

Tuy nhiên, do không có triệu chứng điển hình nên nhiều trường hợp không phát hiện ra bệnh hoặc chỉ tình cờ phát hiện qua siêu âm, vì vậy, bạn phải hiểu biết về căn bệnh để ứng phó kịp thời.

Phát hiện polyp túi mật như thế nào?

Siêu âm là phương pháp đơn giản và thực hiện thường quy nhất trong chẩn đoán polyp túi mật. Bằng phương pháp siêu âm các bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh polyp, kích thước polyp và đánh giá mức độ nguy hiểm của khối polyp.

Một số phương pháp khác được áp dụng như: chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc quét chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể giúp đánh giá được khả năng phát triển thành tế bào ung thư trong polyp lớn hơn. Có thể thực hiện cả hai hình thức xét nghiệm này để liên tục theo dõi polyp nhằm phát hiện bất kỳ thay đổi đáng ngờ nào có thể cho thấy đó là ung thư túi mật và có biện pháp điều trị kịp thời.

Các dạng polyp túi mật

92% là lành tính. Chỉ có 1 tỷ lệ nhỏ, polyp có thể chuyển thành ung thư.

Polyp cholesterol

Polyp cholesterol chiếm khoảng 50% các dạng polyp túi mật, nguyên nhân hình thành có thể là do khiếm khuyết trong quá trình trao đổi cholesterol. Polyp cholesterol có hình dạng như các đốm vàng trên bề mặt niêm mạc túi mật, thành phần cấu tạo gồm các đại thực bào bao quanh biểu mô chứa nhiều chất béo trung tính và cholesterol ester hóa. Polyp cholesterol thường nhỏ hơn 10 mm và rất ít khi gây triệu chứng

Polyp viêm

Polyp viêm là kết quả của tình trạng viêm túi mật mạn tính, thường mọc nhô vào trong lòng túi mật với một cuống mạch máu nhỏ. Polyp viêm thường có kích thước nhỏ hơn 10 mm.

Polyp tuyến

Polyp tuyến là những khối u biểu mô túi mật lành tính nhưng có nguy cơ tiến triển ác tính. Polyp tuyến túi mật gồm có 2 loại:

- U tuyến nhú (có cuống, cấu trúc phức tạp, cắt xẻ, chân lan rộng và ăn sâu vào thành niêm mạc túi mật)

- U tuyến ống (không cuống, cấu trúc bằng phẳng)

Điều trị polyp túi mật

Tùy thuộc vào kích thước polyp và đánh giá yếu tố nguy cơ để có thể lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp: theo dõi hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

Những polyp kích thước nhỏ dưới 1 cm (hoặc 1,5 cm theo một số nghiên cứu) thì thường không cần phải phẫu thuật cắt túi mật. Thay vào đó, chỉ cần siêu âm theo dõi định kỳ để đánh giá tiến triển của polyp và chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Với polyp nhỏ hơn 1,5 cm mỗi 3-6 tháng đến hai năm, sau đó có thể ngưng nếu polyp không thay đổi gì sau thời gian theo dõi. Không khuyến cáo điều trị polyp kích thước nhỏ hơn 0,5 cm bằng cách cắt bỏ túi mật. Trong polyp túi mật kích thước nhỏ, nguy cơ ung thư túi mật là khá hiếm.Polyp có kích thước lớn hơn 1 cm có nhiều khả năng trở thành ung thư, đặc biệt là những polyp có kích thước lớn hơn 1,5 cm – có tới 46 - 70 % chứa các tế bào ung thư. Trường hợp này thường được khuyên nên phẫu thuật cắt túi mật.

Xem thêm: Phẫu thuật sỏi mật

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top