✴️ Phẫu thuật delorme điều trị sa trực tràng người lớn

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật Delorme gồm: cắt niêm mạc trực tràng sa ra ngoài ống hậu môn, khâu gấp nếp lớp cơ trực tràng, khâu nối lại lớp niêm mạc trực tràng trên đường lược 1 cm.

 

CHỈ ĐỊNH

Sa trực tràng người lớn, thường mức độ vừa hoặc nhỏ (đoạn trực tràng sa dưới 5cm). Hoặc áp dụng cho các người bệnh sa trực tràng mà chống chỉ định gây mê toàn thân (người già, bệnh tim phổi nặng,…)

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Hầu như không có, không nên áp dụng cho trường hợp sa trực tràng quá lớn sẽ dễ tái phát và có thể gây di chứng khó đại tiện.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện:

Người thực hiện tiêu hóa.

Người bệnh

Hồ sơ bệnh án đầy đủ theo yêu cầu, ghi rõ tình trạng ruột sa, tự chủ hậu môn.

Chuẩn bị người bệnh như phẫu thuật bụng thông thường.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tư thế:

Phụ khoa, có thể nằm sấp.

Vô cảm:

Gây mê toàn thân, gây tê vùng hoặc gây tê tại chỗ.

Kỹ thuật

Bộc lộ chiều dài đoạn trực tràng sa ra khỏi ống hậu môn. Đặt 4 panh Allis hay Babcock ở 4 vị trí 3 - 6 - 9 - 12 h.

Rạch niêm mạc: tiêm thấm bóc tách niêm mạc trực tràng, rạch một vòng niêm mạc trên đường lược 10 - 15mm.

Phẫu tích niêm mạc ra khỏi lớp cơ tròn trong trực tràng. Mảnh niêm mạc cần phẫu tích lấy đi dài gấp đôi độ dài đoạn ruột sa.

Khâu gấp nếp lớp cơ trực tràng chỉ Vicryl 2.0 theo chiều dọc từ 8 - 10 đường khâu. Buộc thắt nút sau khi đã khâu hết số đường khâu cần thiết (nên buộc đối xứng từ các vị trí 12h, 6h, 3h, 9h….).

Cắt bỏ ống niêm mạc trực tràng sa đã phẫu tích, khâu nối niêm mạc trực tràng (đầu trên) với niêm mạc trên đường lược 1cm. Khâu mũi rời, chỉ tiêu chậm (Vicryl 4.0).

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi

Chăm sóc thông thường, cho ăn sau 24 – 48 giờ sau mổ.

Dùng kháng sinh toàn thân, thuốc nhuận tràng 2- 3 ngày.

Xử trí tai biến

Chảy máu:

Ít gặp.

Hẹp hậu môn:

Nếu cần thiết nong nhẹ nhàng bằng cách thăm trực tràng. Thường có kết quả tốt.

Tập luyện cơ tròn, tự chủ hậu môn.

Khó đi ngoài:

Do khối sa trực tràng to, khâu gấp nếp bịt kín một phần trực tràng hậu môn.

Nên dùng nhuận tràng, thuốc kháng sinh, chống viêm. Tình trạng có thể cải thiện tốt hơn theo thời gian.

Tái phát:

Mổ lại, lựa chọn phương pháp phù hợp hơn.

Áp xe quanh miệng nối:

Ít gặp nhưng là biến chứng nặng nề vì phẫu thuật thường tiến hành ở người bệnh già, yếu. Điều trị bảo tồn, nếu không đỡ, cần làm hậu môn nhân tạo.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top