✴️ Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú

Nội dung

Người bệnh bị ung thư tuyến giáp thể nhú đã hoàn thành quá trình điều trị được khuyến cáo theo dõi suốt đời vì 4 lý do sau đây:

1. Để đảm bảo nồng độ hormone tuyến giáp trong máu ở mức phù hợp. Hầu hết người bệnh trong quá trình theo dõi đều duy trì sử dụng thuốc hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp không được quá thấp hoặc quá cao so với nhu cầu cơ của cơ thể. Lượng hormone tuyến giáp mà người bệnh cần có thể thay đổi trong suốt cuộc đời do nhiều lý do như tuổi, trọng lượng cơ thể, mang thai, v.v.

2. Để xác định xem liệu tổn thương ung thư đã được loại bỏ hoàn toàn hay chưa. Nếu ung thư vẫn còn ở cổ sau phẫu thuật, gọi là ung thư tuyến giáp thể nhú tồn dư (chiếm tỷ lệ khoảng 11%). Sau khi phẫu thuật, việc xác định xem có ung thư tồn dư hay không có thể khó khăn vì tất cả những thay đổi liên quan đến quá trình phẫu thuật và chữa bệnh.

3. Để xác định xem ung thư có tái phát hay không. Nếu ung thư tuyến giáp thể nhú đã khỏi một thời gian và tái phát trở lại thì được gọi là ung thư tuyến giáp thể nhú tái phát.

4. Để theo dõi tầm soát ung thư thứ 2 đặc biệt trên những người đã được điều trị bằng I-131 có nguy cơ cao bị bệnh bạch cầu, ung thư vú, ung thư bàng quang, ung thư hệ tiết niệu.

Bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?

 

AI LÀ NGƯỜI THEO DÕI ?

Việc theo dõi người bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú có thể được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nội tiết, bác sĩ ung thư hoặc những người khác. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là bản thân người bệnh mới thực sự là những chuyên gia trong việc quản lý, đánh giá và điều trị bệnh cho mình.

NHỮNG THÔNG TIN NÀO CẦN ĐƯỢC BIẾT SAU ĐIỀU TRỊ?

Sau khi hoàn thành điều trị, thời gian tái khám và các chỉ định xét nghiệm phụ thuộc vào:

- Tuổi khi được chẩn đoán.

- Các phương pháp điều trị.

- Các vị trí tổn thương (tuyến giáp, hạch cổ, cơ quan khác).

- Liệu ung thư đã thực sự hết hay chưa.

- Mô bệnh học ung thư tuyến giáp thể nhú (vị trí, kích thước, hình thái, tính chất xâm lấn…).

THỜI GIAN VÀ PHƯƠNG PHÁP THEO DÕI

- Theo dõi được thực hiện 6 tháng một lần trong năm đầu tiên và hàng năm sau đó nếu không có bằng chứng của bệnh.

- Khám lâm sàng: Khám vùng cổ, đánh giá tình trạng giường tuyến giáp sau phẫu thuật, hạch cổ.

- Các xét nghiệm bao gồm: Chụp X-quang ngực, siêu âm cổ, chụp toàn thân hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác. Nếu chỉ định xạ hình toàn thân với I-131, bệnh nhân có thể phải ngừng dùng thuốc tuyến giáp tối đa 6 tuần hoặc có thể được yêu cầu tuân theo chế độ ăn ít i-ốt trong tối đa 2 tuần trước khi làm xét nghiệm.

- Kiểm tra các tác dụng phụ lâu dài: Tùy thuộc phương pháp điều trị, sẽ xác định những gì cần khám và xét nghiệm để kiểm tra các tác dụng phụ lâu dài, bao gồm cả khả năng ung thư thứ phát. Những trường hợp sau khi điều trị bằng I-131, là nhóm có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu và ung thư bàng quang tiết niệu cao hơn.

- Tầm soát ung thư vú: Những phụ nữ trẻ đang điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang có nguy cơ cao bị ung thư vú trong tương lai.

XÉT NGHIỆM MÁU

- Đánh giá tình trạng canxi máu: Hạ canxi máu có nghĩa là không có đủ canxi trong máu. Có thể xảy ra khi các tuyến cận giáp bị cắt bỏ hoặc bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Tuyến cận giáp sản xuất hormone tuyến cận giáp (PTH) giúp kiểm soát mức độ canxi trong máu. Khi nồng độ canxi trong máu thấp, tuyến cận giáp tiết ra PTH. Nếu các tuyến cận giáp đã bị cắt bỏ hoặc bị tổn thương, sẽ không thể tạo ra PTH (gọi là suy tuyến cận giáp).

- Mức độ T4 tự do (FT4): Là hormone chính được sản xuất bởi tuyến giáp. FT4 cũng là một phép đo trực tiếp liều lượng thuốc viên hormone tuyến giáp khi chỉ định kê đơn.

- TSH (Hormone kích thích tuyến giáp): Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ có hướng dẫn về mức TSH trong máu cần được tìm kiếm dựa trên nguy cơ tái phát ung thư tuyến giáp thể nhú. Nguy cơ đó có thể là nguy cơ thấp, trung bình hoặc cao và mỗi loại có liên quan đến một phạm vi nồng độ TSH trong máu khác nhau:

+ Nguy cơ thấp: khuyến cáo mục tiêu mức TSH ban đầu bình thường là 0,5 đến 2,0 mU / L. Đối với một số trường hợp, mục tiêu là 0,1 đến 0,5 mU / L, thấp hơn hoặc gần mức thấp nhất của giới hạn bình thường.

+ Nguy cơ trung bình: mục tiêu TSH ban đầu là 0,1 đến 0,5 mU / L. Mục tiêu này có thể thay đổi thành mức TSH bình thường sau khi theo dõi lâu dài và không phát hiện được Tg.

+ Nguy cơ cao: liều hormone tuyến giáp đủ cao để ức chế hormone kích thích tuyến giáp (TSH) dưới mức bình thường. Mục đích là ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư tuyến giáp thể nhú đồng thời cung cấp hormone tuyến giáp cần thiết cho cơ thể. Lúc đầu, mức TSH có thể sẽ bị giảm xuống dưới 0,1 mU / L. Mức độ sau đó có thể thay đổi từ 0,1 đến 0,5, tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể với phương pháp điều trị và thời gian.

- Thyroglobulin (Tg): Tg là một loại protein được sản xuất bởi các tế bào tuyến giáp (cả ung thư tuyến giáp thể nhú và các tế bào bình thường). Sau khi cắt bỏ tuyến giáp, Tg có thể được sử dụng như một "chất chỉ điểm ung thư". Hàm lượng Tg phải càng thấp càng tốt. Sau khi phẫu thuật có hoặc không có điều trị iốt phóng xạ, có thể sau vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để Tg giảm xuống 0 hoặc không thể phát hiện được. Mức độ Tg có thể báo hiệu tế bào ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc tế bào tuyến giáp bình thường vẫn tồn tại trong cơ thể. Tùy thuộc vào mức độ Tg trong máu, có thể theo dõi chặt chẽ hơn bằng các xét nghiệm hoặc chụp cắt lớp (CT) hoặc chỉ định điều trị bổ sung. Nếu người bệnh đã phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp chứ không phải cắt toàn bộ tuyến giáp, thùy tuyến giáp còn lại sẽ sản xuất Tg. Tuy nhiên, việc theo dõi mức Tg theo thời gian vẫn hữu ích. Nếu những thay đổi đáng kể về nồng độ Tg xảy ra theo thời gian, có thể bổ sung các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để xác định nguồn gốc.

- Kháng thể Thyroglobulin (Anti-Tg): Là một protein được gọi là kháng thể kháng Tg. Sự hiện diện của Anti-Tg làm cho xét nghiệm Tg phần lớn là không có giá trị để theo dõi ung thư tuyến giáp thể nhú. Anti-Tg có thể biến mất theo thời gian sau phẫu thuật.

NGUY CƠ TRUNG BÌNH VÀ NGUY CƠ CAO THÌ CẦN BỔ SUNG THÊM XÉT NGHIỆM GÌ

- Chụp xạ hình toàn thân bằng Iốt phóng xạ: Phương pháp này thường được thực hiện khi nồng độ TSH trong máu tăng cao. Nồng độ TSH tăng cao sau khi ngừng sử dụng hormone tuyến giáp và làm cho bệnh nhân bị suy giáp hoặc tiêm TSH (Thyrogen). Cần có chế độ ăn ít I-ốt trong ít nhất hai tuần trước khi tái khám.

- Chụp CT cổ hoặc ngực: Chụp CT vùng cổ được chỉ định ở nhóm nguy cơ tái phát cao ở những vị trí mà đánh giá trên siêu âm còn hạn chế. Đặc biệt trong trường hợp trên 50 tuổi di căn hạch hoặc có tiền sử di căn đến hạch cổ thì nên thường xuyên chụp CT ngực và tái khám định kỳ khoảng hai đến ba năm một lần. Chụp CT cơ bản có thể được sử dụng để so sánh nếu nồng độ Tg tăng trong thời gian theo dõi hoặc tái phát.

- Chụp PET / CT: Chụp PET là một nghiên cứu hình ảnh đặc biệt sử dụng hình ảnh xạ hình kết hợp với chụp CT được gọi là PET / CT trong những trường hợp sau đây:

+ Di căn xa.

+ Tái phát tại vùng cổ.

+ Mức độ Tg tăng đáng kể trên mức dự đoán.

+ Ung thư tái phát nhưng không phát hiện được Tg.

- Chụp MRI: MRI đặc biệt có lợi cho việc kiểm tra não và cột sống khi đã có tiền sử hoặc nghi ngờ di căn ở những vị trí đó.

Xem thêm: xét nghiệm máu liên quan đến chức năng tuyến giáp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top