✴️ Bệnh lao được phân loại thế nào?

Nội dung

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

 

Cách phân loại bệnh lao

Bệnh lao được phân làm 2 loại: lao phổi và lao ngoài phổi. Lao phổi là khi bệnh lao tổn thương ở phổi – phế quản, bao gồm cả lao kê. Trường hợp tổn thương phối hợp cả ở phổi và cơ quan ngoài phổi thì vẫn được phân loại là lao phổi.

Lao ngoài phổi là bệnh lao tổn thương ở các cơ quan ngoài phổi như: màng phổi, hạch, màng bụng, sinh dục tiết niệu, da, xương, khớp, màng não, màng tim… Nếu lao nhiều bộ phận, thì bộ phận có biểu hiện tổn thương nặng nhất (lao màng não, xương, khớp,...) được ghi là chẩn đoán chính.

 

Triệu chứng nghi lao phổi:

Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra có thể có các triệu chứng: Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; Sốt nhẹ về chiều; Ra mồ hôi “trộm” ban đêm; Đau ngực, đôi khi khó thở. Lưu ý, các trường hợp có bất thường trên X-quang phổi thì đều cần xem xét để phát hiện lao phổi.

Đường lây truyền bệnh

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải các hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao. các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi.

Một số lao ngoài phổi thường gặp

Lao hạch: vị trí thường gặp nhất là hạch cổ, điển hình là dọc cơ ức đòn chũm, nhưng cũng có thể ở các vị trí khác. Hạch sưng to, lúc đầu hạch chắc, riêng rẽ, di động, không đau sau đó dính vào nhau và tổ chức dưới da, kém di động, hạch nhuyễn hóa, rò mủ. Có thể khỏi và để lại sẹo xấu.

Tràn dịch màng phổi do lao với các dấu hiệu: đau ngực, khó thở tăng dần. Tràn dịch màng bụng do lao với các dấu hiệu tràn dịch màng bụng. Có thể sờ thấy các u cục, đám cứng trong ổ bụng. Có thể có dấu hiệu tắc hoặc bán tắc ruột do các hạch dính vào ruột.

Lao màng não – não: bệnh nhân thường có dấu hiệu viêm màng não khởi phát bằng đau đầu tăng dần và rối loạn tri giác. Có thể có dấu hiệu tổn thương dây thần kinh. Các tổn thương tuỷ sống có thể gây ra liệt 2 chi dưới (liệt cứng hoặc liệt mềm).

Lao xương khớp hay gặp ở cột sống với đặc điểm: đau lưng, hạn chế vận động, đau tại chỗ tương ứng với đốt sống bị tổn thương (giai đoạn sớm). Giai đoạn muộn có thể gây biến dạng, gù cột sống hoặc có dấu hiệu chèn ép tuỷ gây liệt. Ngoài lao ở cột sống, bệnh còn hay gặp ở các khớp lớn khác với biểu hiện: sưng đau khớp kéo dài, không sưng đỏ, không đối xứng, có thể dò mủ bã đậu.

Lao tiết niệu – sinh dục: Lao vùng này thường có dấu hiệu rối loạn bài tiết nước tiểu (đái buốt, đái dắt) kéo dài từng đợt, điều trị kháng sinh đỡ sau đó lại bị lại, có thể đái máu không có máu cục, đái đục, đau thắt lưng âm ỉ. Lao sinh dục nam có biểu hiện sưng đau tinh hoàn, mào tinh hoàn, ít gặp viêm cấp tính, tràn dịch màng tinh hoàn. Lao sinh dục nữ có các dấu hiệu: ra khí hư, rối loạn kinh nguyệt, dần dần “mất kinh”, vô sinh.

 

Tài liệu tham khảo:

Quyết định 1314/QĐ – BYT ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.

Quyết định 3126/QĐ – BYT ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.

return to top