✴️ Bị ho chớ chủ quan

Bị ho chớ chủ quan vì mỗi triệu chứng ho khác nhau là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý cần được phát hiện và điều trị đúng cách.

Ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể nhằm tống ra khỏi đường hô hấp các chất dịch, đàm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào có thể gây tắc đường thở. Ho cũng có thể là triệu chứng của một số rối loạn trong cơ thể.

Ho về đêm

Ban ngày có khi chỉ ho húng hắng, không có dấu hiệu của cúm hay viêm họng, nhưng khi ngủ trưa hoặc ban đêm lại bị ho dai dẳng liên tục. Ho về đêm ở người lớn có thể do các yếu tố sau:

Do hen suyễn: Hầu hết người bị bệnh hen suyễn đều có thể gặp phải các vấn đề hô hấp như ho khan. Những triệu chứng ho do hen suyễn thường là ho và thở rít, thường ho nhiều về đêm, khi gắng sức hoặc gặp lạnh…

 

Ho có thể có nhiều triệu chứng khác nhau và cảnh báo nhiều nguyên nhân bệnh lý

Ho có thể có nhiều triệu chứng khác nhau và cảnh báo nhiều nguyên nhân bệnh lý

Viêm xoang: Khi bị viêm xoang, các xoang bị viêm sẽ bị tắc, bị ngạt mũi, các chất nhầy chảy xuống mặt sau của cổ họng. Vào ban ngày, các dịch nhầy này được người bệnh xì ra hoặc tự trôi xuống đường tiêu hóa. Nhưng về ban đêm, dịch nhầy dễ ứ lại nơi cổ họng và gây ho.

Trào ngược axit: Bệnh trào ngược axit (hay còn gọi là GERD) cũng gây ho. Khi nằm xuống, các axit gây khó tiêu và ợ nóng trong dạ dày có thể trôi ngược lên phổi, dẫn đến ho. Nếu nguyên nhân gây ho và khó chịu về ban đêm đã được xác định, thì hãy cố gắng ăn ít hơn vào bữa tối, khi ngủ nên gối cao đầu, việc trào ngược sẽ giảm đi và sẽ bớt ho.

 

Ho thành cơn

Người bệnh ho liền một cơn sau đó hít một hơi dài và tiếp tục ho nữa. Cơn ho kéo dài thường gây tăng áp lực trong lồng ngực, gây ứ huyết tĩnh mạch chủ trên, làm cho người bệnh đỏ mặt, tĩnh mạch cổ phồng, cơn ho có thể làm chảy nước mắt, đôi khi còn gây ra phản xạ nôn nữa. Người bệnh có thể đau ê ẩm ngực, lưng và bụng do các cơ hô hấp co bóp quá mức.

 

Ho khan kéo dài

Là tình trạng ho không khạc ra đờm, mặc dù người bệnh có thể ho nhiều. Ho khan kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý sau:

Ho khan kéo dài cần chú ý đến: bệnh của thanh quản, viêm tai, viêm xương chũm mạn tính; ung thư phế quản: xảy ra ở người có thâm niên hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm (trên 10 năm).

Ho khan kéo dài còn do các bệnh tổ chức kẽ của phổi như xơ phổi, phù phổi bán cấp, ung thư phổi hoặc lao kê  hoặc do tràn dịch mạn tính màng phổi.

Ho kéo dài cũng có thể do một số chất độc gây kích thích trực tiếp do cơ chế miễn dịch dị ứng (hen).

 

Ho có đờm

Người bệnh bị ho, cảm thấy nặng ngực và ho thường khạc ra chất nhầy và đờm. Các triệu chứng thường tăng lên khi đi bộ và nói chuyện. Ho có đờm đa số nguyên nhân là do  viêm phế quản mạn tính, cũng có khi là triệu chứng ho sau khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang…

 

Khi có các triệu chứng ho người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn điều trị

Khi có các triệu chứng ho người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn điều trị

 

Ho ra máu

Là tình trạng ho khạc thấy máu xuất hiện kèm theo. Nó có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Đó có thể là một dấu hiệu của các bệnh viêm phổi cấp và mạn tính, ung thư phổi… Ho ra máu có thể xảy ra đột ngột trong lúc người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hoặc sau khi hoạt động mạnh…

Khi có dấu hiệu bị ho, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và tư vấn phương pháp điều trị kịp thời hiệu quả

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top