✴️ Các kiểu ho hay gặp

Nội dung

Ho khan

Ho khan thường do các tình trạng ở đường hô hấp như cảm lạnh và cúm. Ho khan thường có ít hoặc không có dịch nhầy trong cổ họng, người bị ho có thể cảm thấy ngứa ngáy ở cổ họng và không thể ngừng ho.

Trong hầu hết các trường hợp, các cơn ho tự biến mất. Tuy nhiên, nếu cơn ho dai dẳng, cần xem xét và chẩn đoán nguyên nhân khác gây ra ho chẳng hạn như:

  • Hen suyễn: có kèm theo các triệu chứng khác bao gồm cảm giác tức ngực, khó thở và thở khò khè.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên về phía cổ họng gây ra ho.
  • Ung thư phổi: Ho do ung thư phổi có thể kèm với máu trong chất nhầy. Rất ít trường hợp ho do ung thư phổi, nhưng nếu có các yếu tố nguy cơ và cảm thấy lo lắng, tốt nhất nên đi khám bác sĩ.

Điều trị

Có thể làm dịu cảm giác ngứa cổ họng của ho khan bằng cách uống nước, uống thuốc ho hoặc sử dụng xi-rô ho.

     điều trị ho khan

Ho có đờm

Ho có đờm xảy ra khi ho có kèm theo dịch nhầy hoặc đờm. Ho có đờm thường là do các tình trạng nhiễm trùng như cảm cúm, hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.

Người bị nhiễm trùng đường hô hấp có thể ho ra đờm có chứa một lượng nhỏ máu đỏ tươi. Nếu ho ra máu đen có chứa các mảnh thức ăn, hoặc lợn cợn như bã cà phê cần đi thăm khám ngay lập tức.

Ho có đờm có thể trở nên mãn tính do các nguyên nhân như:

  • Giãn phế quản: là tình trạng các ống phế quản trong phổi bị tổn thương vĩnh viễn và giãn rộng. Đường dẫn khí bị tổn thương làm cho vi khuẩn và chất nhầy ứ lại trong phổi gây nên tình trạng nhiễm trùng và tắc nghẽn trong đường thở.
  • Viêm phổi: là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm làm viêm túi khí ở một hoặc cả hai phổi. Các túi khí có thể chứa dịch hoặc mủ, gây ho, sốt, ớn lạnh và khó thở. 
  • Nhiễm mycobacteria không độc hại: là bệnh không lây nhiễm, có thể đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, uể oải và tụt cân.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Đây là một bệnh hô hấp gây khó thở do đường thở bị hẹp lại có các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm khó thở và thở khò khè.

Điều trị

Uống đủ nước có thể hỗ trợ kiểm soát tình trạng ho có đờm và giảm các triệu chứng cảm lạnh. Ngoài ra, có thể hỗ trợ từ các loại thuốc không kê đơn (OTC) như thuốc ho, xoa ngoài ngực và thuốc giảm đau. Nếu nhiễm vi khuẩn gây ho, một người có thể cần dùng kháng sinh.

Ho gà

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất dễ lây lan xuất hiện nhiều ở trẻ sơ sinh và những người chưa được tiêm phòng.

Người bị ho gà thường có các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm nhẹ, sau đó là ho dữ dội. Những người có hệ thống miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, có thể có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc khó thở. Tình trạng này thường có xu hướng thuyên giảm sau khoảng 2 tuần kể từ khi bắt đầu cơn ho đầu tiên. Biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh tật là tiêm vắc-xin ho gà.

Điều trị

Uống kháng sinh sớm có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ho gà, vì vậy nếu không được tiêm chủng đầy đủ, người mắc bệnh nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của ho gà.

      ho gà ở trẻ nhỏ

Nghẹt thở

Cơ thể có phản ứng ho khi bị tắc nghẽn một phần đường thở. Khi đó cơ thể cố gắng ho để đẩy vật lạ ra khỏi đường thở. Tương tự như vậy, nếu ăn món ăn gây kích thích cổ họng cũng có thể gây ho. Nếu ho kéo dài sau khi bị nghẹn nên đi khám bác sĩ.     

Ho mãn tính

Ho mãn tính là tình trạng ho kéo dài hơn thông thường từ 8 tuần trở lên. Những cơn ho này đôi khi báo hiệu một bệnh lý tiềm ẩn khác.

Một số nguyên nhân gây ho kéo dài bao gồm:

  • Nhiễm trùng không được điều trị hoặc virus đường hô hấp kéo dài hơn bình thường.

  • Dị ứng

  • Hút thuốc

  • Tiếp xúc với các tác nhân kích thích như nấm mốc hoặc bụi tại nhà hoặc nơi làm việc

  • Viêm phổi hoặc bệnh phổi khác.

  • Ung thư vòm họng

  • Rối loạn nuốt.

Ho ở trẻ em

Mặc dù trẻ em có thể bị ho giống như người lớn. Cúm hoặc virut cảm lạnh thường gây ra viêm thanh khí phế quản, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Cha mẹ nên đưa trẻ gặp bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ:

  • Khó thở

  • Da tái xanh

  • Đau ngực dữ dội

  • Sốt trên 40 độ C

  • Thở khò khè

Các triệu chứng của bệnh viêm thanh khí phế quản thường trầm trọng vào ban đêm. Các phương pháp điều trị tại nhà bao gồm:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm

  • Uống nhiều nước ấm

  • Nghỉ ngơi nhiều

  • Sử dụng thuốc không kê đơn OTC, chẳng hạn như acetaminophen

Cha mẹ không nên cho trẻ uống aspirin do có liên quan đến hội chứng Reye. Trẻ em dưới 14 tuổi không nên dùng thuốc ho OTC vì chúng có thể gây hại cho trẻ.

Viêm thanh khí phế quản thường kéo dài trong 5-6 ngày, nhưng các cơn ho có thể kéo dài đến 2 tuần.

Khi nào đi khám bác sĩ

Ho là một triệu chứng phổ biến đặc biệt là trong mùa lạnh, cúm và dị ứng. Hầu hết ho thường không nghiêm trọng. Cần đi khám bác sĩ nếu:

  • Bị ho và không thể thở được;

  • Ho mãn tính kéo dài vài tuần;

  • Bệnh nhân mắc COPD, không thể giảm triệu chứng bằng các phương pháp điều trị thông thường;

  • Ho ra máu;

Các trường hợp khẩn cấp nếu:

  • Ho nhiều hơn;

  • Trẻ sơ sinh bị ho và có dấu hiệu suy hô hấp. Dấu hiệu suy hô hấp bao gồm: thở rất khó khăn, tím tái, thở ngực.

Tóm lược

Trong hầu hết các trường hợp, ho sẽ tự khỏi. Các trường hợp ho ở trẻ nhỏ và người cao niên có sức khỏe không tốt cần đảm bảo được điều trị kịp thời nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

Nếu ho liên tục kèm theo các cơn đau, khó thở hoặc kéo dài trên 8 tuần  nên đi khám bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị chính xác.

Xem thêm: Ho nhiều về đêm ở người lớn tuổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top