✴️ Những biến chứng có thể gây ra do viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng tổn thương niêm mạc xoang do nhiều nguyên nhân khác nhau. Rất nhiều người cho rằng khi đã bị viêm xoang thì chấp nhận chung sống với nó suốt đời, khó mà chữa khỏi được bệnh. Vậy bệnh viêm xoang có nguy hiểm không? Viêm xoang có gây sốt không? Biến chứng của viêm xoang là gì? Đây là những câu hỏi được nhiều người đặt ra ngay cả khi chưa bị bệnh. Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc có kiến thức đúng đắn hơn về vấn đề này.

1. Viêm xoang có chữa được không?

Việc chữa được viêm xoang hay không là tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Như viêm xoang cấp tính hay mạn tính tái phát, nguyên nhân gây viêm xoang, mức độ viêm xoang nặng hay nhẹ? Có biến chứng của viêm xoang hay chưa?

Hiện nay với tiến bộ của y học, bệnh viêm xoang hoàn toàn có thể chữa trị khỏi nếu có phương pháp đúng. Nhất là khi phát hiện ở giai đoạn sớm và cấp tính. Tuy nhiên, việc điều trị đôi khi đòi hỏi kiên trì và tốn kém thời gian lẫn tiền bạc.

2. Biến chứng của viêm xoang

2.1. Biến chứng ở mắt

Những biến chứng ở mắt thường rất dễ xảy ra. Do phía trước hốc mắt là xoang hàm, phía trên là xoang trán, phía trong là xoang sàng và xoang bướm. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm xoang sàng. Viêm xoang hàm và xoang trán ít gặp hơn. Quá trình viêm nhiễm lan tỏa hoặc theo đường mạch máu từ xoang qua hốc mắt gây nên các biến chứng tại mắt. Cụ thể là:

  • Viêm phù nề mi mắt với biểu hiện mí mắt sưng. Các cơ ngoài nhãn cầu còn nguyên vẹn, thị lực bình thường.
  • Viêm mô tế bào ổ mắt: Bệnh nhân có phù ổ mắt lan tỏa hơn. Kèm theo tổn thương các cơ ngoài nhãn cầu hoặc không. Tuy nhiên thị lực thường bình thường.
  • Áp xe dưới màng xương gây nên lồi mắt, tổn thương các cơ ngoài nhãn cầu.
  • Áp xe ổ mắt: Trường hợp này gây lồi mắt nghiêm trọng. Kèm theo phù nề kết mặt, liệt vận nhãn hoàn toàn và suy giảm thị lực chung.
  • Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang: Cục huyết khối nhiễm khuẩn từ mắt có thể chảy về phía sau thông qua hệ tĩnh mạch mắt tới xoang hang. Gây ra nhiễm khuẩn, viêm nhiễm và cuối cùng là nghẽn mạch xoang. Bệnh nhân có những triệu chứng ở mắt như: phù kết mạc, đồng tử phản ứng chậm chạp, liệt mắt và mù lòa.
  • Nếu nhiễm trùng lây lan vào ổ mắt nó có thể gây ra thị lực giảm hoặc thậm chí bị mù vĩnh viễn.

Biến chứng của viêm xoang

Áp xe não – biến chứng của viêm xoang

2.2. Biến chứng nội sọ

  • Viêm màng não là biến chứng thường gặp. Do viêm xoang sàng, xoang bướm không được điều trị thích hợp. Viêm màng não gặp tỉ lệ cao nhất trong các biến chứng nội sọ do xoang. Và nó thường để lại di chứng thần kinh như điếc. Ngoài đau đầu do viêm xoang, người bệnh còn có dấu hiệu màng não như gáy cứng, sợ ánh sáng, táo bón, nôn vọt… Bên cạnh viêm màng não điển hình còn có thể viêm màng não nhện gây đau đầu, mờ mắt, ù tai.
  • Áp xe ngoài màng cứng: Nguyên nhân từ viêm xoang trán. Bệnh nhân có hội chứng màng não và dấu hiệu thần kinh khu trú. Khi chụp cắt lớp vi tính sọ não sẽ thấy hình ảnh áp xe. Điều trị nội khoa kết hợp dẫn lưu ổ áp xe và dẫn lưu dịch xoang.
  • Áp xe dưới màng cứng thường xuất phát từ viêm xoang trán. Đây là biến chứng có tỉ lệ tử vong cao. Do vậy cần được điều trị nội khoa tích cực kết hợp với dẫn lưu ổ áp xe và dẫn lưu xoang.
  • Áp xe trong não cũng là một biến chứng nặng của bệnh viêm xoang. Thường khởi phát từ viêm xoang trán gây áp xe đại não, áp xe thùy trán. Hiếm khi tình trạng áp xe não do viêm xoang sàng, xoang bướm gây nên. Biểu hiện của bệnh thường kín đáo với các dấu hiệu định khu như liệt ít xuất hiện. Tuy nhiên đây vẫn là một biến chứng nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân đòi hỏi thái độ xử trí tích cực.
  • Viêm tắc tĩnh mạch não xuất phát từ viêm xoang trán.

2.3. Biến chứng xương

  • Biến chứng xương bao gồm viêm xương tủy (u Pott xương trán), áp xe dưới màng xương màng ngoài sọ, áp xe xương ổ mắt…
  • Nguyên nhân thường do viêm tắc mạch máu ở xương trán, xương sọ. Bệnh bắt đầu ở xương trán và lan rộng dần ra các xương khác của sọ như xương thái dương, xương đỉnh…

2.4. Một số biến chứng khác

  • Mất khứu giác một phần hoặc hoàn toàn: Tắc nghẽn mũi và viêm dây thần kinh khứu giác có thể gây ra sự mất khứu giác tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Viêm tai giữa: Đặc biệt hay gặp ở trẻ em do ống vòi tai của trẻ ngắn, lại nằm ngang hơn nên dịch mủ dễ chảy vào. Nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn tới thủng màng nhĩ gây ra điếc.
  • Viêm họng mạn tính: Biểu hiện bệnh nhân thường đau họng, nuốt vướng do dòng mủ chảy liên tục từ xoang xuống họng.
  • Viêm đường hô hấp dưới: Viêm mũi xoang tái phát hoặc mãn tính lâu dài có thể dẫn tới viêm đường hô hấp dưới, gây nên viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi. Khi đó, người bệnh không chỉ ho, nghẹt mũi, sổ mũi. Mà tình trạng bệnh nặng nề hơn như ho đờm nhiều, khó thở, đau ngực,… Quá trình điều trị cũng tốn kém và phức tạp hơn.

3. Dự phòng biến chứng của viêm xoang

Có thể thấy, viêm xoang nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho người mắc. Do vậy, để dự phòng những biến chứng này xảy ra, khi có những dấu hiệu gợi ý viêm xoang, bệnh nhân nên đi khám và điều trị dứt điểm. Nhất là trong giai đoạn cấp để khỏi bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó cần chủ động phòng tránh những tác nhân nguy cơ gây viêm xoang. Như bỏ hút thuốc lá, đề phòng nhiễm trùng đường hô hấp bằng tiêm phòng vắc xin đặc biệt cúm, phế cầu. Giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để cơ thể có sức đề kháng tốt chống lại các tác nhân gây bệnh.

Xem thêm: Bệnh viêm xoang - Một số điểm mới trong chẩn đoán & điều trị

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top