Hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là bệnh lý về đường hô hấp khá phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh do nhiều tác nhân gây ra như khói bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…Việc kiểm soát hen phế quản và cách xử trí như thế nào hiệu quả là mối quan tâm của rất nhiều người.
Dấu hiệu nhận biết hen phế quản
Cơn hen hay xuất hiện về đêm, khi tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh hoặc các yếu tố kích thích phát cơn hen.
Các triệu chứng của hen diễn ra từng cơn với 4 dấu hiệu rõ nét nhất như: Ho, ho khan, ho từng tiếng một; Khò khè (tức là nghe có tiếng rít); Nặng ngực (tức ngực), có cảm giác như bị vật nặng đề ép trên ngực; Khó thở tái đi tái lại nhiều lần.
Bệnh hen rất nguy hiểm, tuy nhiên, rất nhiều người còn có thái độ chủ quan khi mắc bệnh. Có rất nhiều trường hợp chỉ sau vài phút không thở được người bệnh có thể tử vong. Trong cơn hen cấp có thể xảy ra những biến chứng như: Suy hô hấp cấp, nghẹt thở dẫn đến tử vong. Hen cấp còn có biến chứng khác như: Tràn khí phế nang do ho, ép ngực hoặc do gắng sức để thở.
Phân loại hen phế quản
Bệnh hen phế quản được chia thành:
Hen phế quản cấp tính
Cơn hen phế quản cấp tính thường đến rất nhanh và đột ngột, có thể gây tử vong cho nạn nhân vài phút vì ngạt thở và thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên.
Dấu hiệu cảnh báo cơn hen sắp xuất hiện đó là các cảm giác ngứa mũi, họng, hắt hơi hay ho, chảy nước mắt, mũi. Đây là các biểu hiện khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên hay có cảm giác tiếp xúc với các dị nguyên. Ngay sau đó, cơn hen sẽ bắt đầu xuất hiện khi các tiểu phế quản co thắt kèm theo các triệu chứng như khó thở kể cả hít hay thở, thở rất nhanh, khò khè. Để lâu có thể gây đau tức ngực, tím tái, ngất khi cơ thể thiếu oxy lâu thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hen phế quản mạn tính
Bệnh hen phế quản mạn tính xuất hiện khi đường hô hấp và ống phế quản bị kích ứng bởi các yếu tố dị nguyên từ môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể, khiến đường thở bị phù nề, co hẹp lại và tích tụ đờm dịch tại cổ họng rất khó chịu. Vì vậy, cách chữa bệnh hen suyễn mạn tính sẽ thiên về việc khắc phục tình trạng viêm trong đường hô hấp, làm sạch và giảm tiết dịch.
Hen phế quản bội nhiễm
Hen phế quản bội nhiễm là một nhiễm trùng đường hô hấp xảy ra trên một nền bệnh là hen phế quản và đến sau một bệnh hen. Lúc này dịch hô hấp sẽ có vi khuẩn, hiện tượng ứ đọng dịch hô hấp gây ứ trệ quá trình lưu thông dịch dẫn đến hen bội nhiễm.
Chẩn đoán hen phế quản
Bên cạnh việc dựa vào các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các phương pháp cận lâm sàng sau nhằm chẩn đoán chính xác bệnh nhân có mắc hen phế quản hay không:
– Công thức máu: E tăng trên 10%. Nếu bội nhiễm bạch cầu tăng, N tăng.
– X quang: Hình ảnh giãn phổi cấp (trong cơn hen: phổi tăng sáng, gian sườn giãn, vòm hoành hạ thấp và dẹt, tăng kích thước khoảng sáng sau tim).
– Xét nghiệm đờm có: E; tế bào phế quản, tinh thể.
Hen phế quản và cách xử trí
Hen phế quản không thể hỗ trợ điều trị khỏi nhưng có thể được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ và dùng thuốc dự phòng điều đặn. Đặc biệt, người bệnh phải hỗ trợ điều trị đúng thuốc.
Trong hỗ trợ điều trị hen có 2 loại thuốc: Thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen. Trong hỗ trợ điều trị dự phòng, nếu xuất hiện những cơn khó thở thì phải dùng thuốc cắt cơn.
Khi có dấu hiệu ho, khò khè, cần dùng thuốc xịt vào họng bệnh nhân hoặc bệnh nhân tự xịt vào họng của mình.
Nếu cơn hen phế quản nhẹ hoặc vừa (các triệu chứng chỉ xuất hiện khi hoạt động, khi gắng sức): Dùng ngay thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.
Nếu cơn hen phế quản nặng (các triệu chứng không giảm hoặc nặng hơn sau khi hít thuốc giãn phế quản, khó thở cả khi nghỉ ngơi, không thể nói hết câu) thì cần tới ngay bệnh viện.
Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh cụ thể mà có loại thuốc chữa trị phù hợp. Do đó người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ hỗ trợ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhân có cơn hen phế quản nhiều lần trong một tuần có nghĩa là bệnh hen chưa được kiểm soát, khi đó bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa Hô hấp để được khám, tư vấn và chỉnh liều thuốc hỗ trợ điều trị duy trì phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh