✴️ Viêm niệu đạo cấp không do lậu

Nội dung

Viêm niệu đạo cấp có thể do nguyên nhân nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, virus hoặc nguyên nhân cơ học.

Viêm niệu đạo cấp có thể là tổn thương đơn độc hoặc phối hợp với viêm bàng quang, viêm thận bể thận, viêm tiền liệt tuyến, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn.

 

NGUYÊN NHÂN:

Nguyên nhân viêm niệu đạo được chia làm hai nhóm: Viêm niệu đạo do lậu và không do lậu.

 Các nguyên nhân gây viêm niệu đạo không do lậu thường gặp là:

Chlamydia trachomatis

Mycoplasma genitalium

Trichomonas vaginalis

Candida albicans

Herpes simplex virus

Streptococcus

Staphylococcus saprophyticus

Escherichia coli

 

CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH:

Lâm sàng:

Chẩn đoán xác định có viêm niệu đạo dễ, chủ yếu dựa vào lâm sàng. Soi và cấy dịch niệu đạo để biết loại vi khuẩn, nấm giúp lựa chọn kháng sinh.

Có tiền sử mới có quan hệ tình dục từ vài ngày đến vài tuần hoặc không.

Xuất hiện chảy mủ, dịch niệu đạo.         

Tiểu buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu.

Cận lâm sàng:

Soi dịch niệu đạo: Nhiều bạch cầu, có thể thấy vi khuẩn, nấm.

Cấy dịch niệu đạo hoặc nước tiểu đầu bãi: Có vi khuẩn, nấm.

Đối với Chlamydia: Chẩn đoán xác định có thể dựa vào phản ứng huyết thanh dương tính, vì nuôi cấy khó khăn.

 

ĐIỀU TRỊ:

Tùy từng tác nhân gây bệnh mà vấn đề lựa chọn thuốc điều trị có khác nhau.

Điều trị người bệnh nhiễm Chlamydia và Mycoplasma:

Có thể lựa chọn một trong các thuốc sau:

Azithromycin viên 1 gram, uống liều cao nhất.

Doxycyclin 100 mg/lần, uống 2 lần/ngày, khoảng cách giữa các lần đưa thuốc 12 giờ, thời gian dùng thuốc 7 ngày.

Ofloxacin 300 mg/lần, uống 2 lần/ngày, khoảng cách giữa các lần đưa thuốc 12 giờ, thời gian dùng thuốc 7 ngày.

Erythromycin 500 mg/lần, uống 4 lần/ngày, khoảng cách giữa các lần đưa thuốc 6 giờ, thời gian dùng thuốc 14 ngày.

Điều trị cho cả người cùng quan hệ tình dục và người bệnh. Trong các thuốc điều trị thì Doxycycline và Azithromycin là lựa chọn ưu tiên.

Điều trị người bệnh nhiễm Trichomonas:

Thuốc lựa chọn là metronidazol, dùng 1 trong 2 phác đồ sau:

Metronidazol 500 mg/lần, uống 2 lần/ngày, khoảng cách giữa các lần đưa thuốc 12 giờ, thời gian dùng thuốc 7 ngày.

 Điều trị cho cả người cùng quan hệ tình dục và người bệnh.

Điều trị người bệnh viêm niệu đạo do nấm:

Nấm Candida albicans rất thường gặp gây viêm âm đạo. Tuy nhiên viêm niệu đạo do nấm ít gặp.

 Thuốc điều trị chống nấm có thể lựa chọn là:

Fluconazol viên 50 mg, 150 mg.

 Cách dùng:

 +  Uống một liều duy nhất 150 mg.

 +  Điều trị cho cả người bệnh và người cùng quan hệ tình dục.

+  Điều trị dự ph ng nấm âm đạo tái phát ( nguồn lây ): Liều 150 mg uống 1 lần trong tháng, thời gian dự ph ng 6 - 12 tháng.

Itraconazol viên 100 mg, ngày uống 2 viên, 1 lần trong ngày ( sau bữa ăn ), trong 3 - 5 ngày.

 Các thuốc chống nấm hiếm khi gây dị ứng. Tuy nhiên tác dụng độc với gan, thận đã được ghi nhận. Vì vậy cần theo dõi chức năng gan, thận khi dùng thuốc.

Điều trị viêm niệu đạo do các vi khuẩn thông thường:

Lựa chọn điều trị tương tự như điều trị viêm bàng quang cấp. Tốt nhất là điều trị dựa vào kháng sinh đồ. Nếu không có kết quả cấy vi khuẩn: Lựa chọn một trong các thuốc trong nhóm kháng sinh fluoroquinolone, beta-lactam, trimethoprim-sulfamethoxazol với liệu trình ngắn từ 3 - 5 ngày.

Cần giữ vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài và điều trị phối hợp viêm âm đạo.

Điều trị viêm niệu đạo cấp phối hợp với viêm tiền liệt tuyến, viêm tinh hoàn…

 Những tình trạng viêm phối hợp này thường nặng hơn so với viêm niệu đạo cấp thông thường. Điều trị như điều trị viêm tiền liệt tuyến, viêm tinh hoàn. 

 

TIÊN LƯỢNG:

Viêm niệu đạo cấp thường khỏi hẳn nếu được điều trị từ sớm và đúng. Nếu không được điều trị từ sớm có thể dẫn tới viêm bàng quang hoặc viêm thận bể thận.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bệnh học nội khoa tập 1, 2012. Nhà xuất bản Y học.

Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở Việt Nam, 2013. Hội thận học Việt Nam.

Robert B, Taylor, 1997. Manual of Family Practice. First edition. Little, Brown and Company, Boston Massachusetts.

Massry & Glassock’s, 2002.  Text book of Nephrology. Fourth edition. Lippincott Williams & Wilkins.

Therapeutic Guidelines Antibiotic, 2010. Version 14.  Therapeutic Guidelines Limited, Melbourne.

Grabe M., Bjerklund – Johansen T.E., H Botto et al, 2012. Guidelines on Urological Infections. European Association of Urology.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top