✴️ Nguyên nhân dẫn đến phù phổi cấp và cách điều trị bệnh

1. Tìm hiểu về chứng phù phổi cấp

Phù phổi cấp hay còn gọi là ngạt thở cấp, đây là dạng bệnh cấp tính, ứ quá nhiều dịch trong khoảng kẽ và trong lòng phế nang dẫn đến suy hô hấp. 

Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, tùy từng nguyên nhân mà mức độ nguy hiểm và tiến triển của bệnh có thể khác nhau. Việc điều trị cũng cần dựa trên nguyên nhân để thực hiện.

Những nguyên nhân gây phù phổi cấp được chia thành 2 nhóm là phù phổi cấp huyết động và phù phổi cấp tổn thương với đặc trưng bệnh khác nhau.

Nguyên nhân phù phổi cấp huyết động:

  • Tăng áp lực mao mạch phổi hay áp lực động mạch phổi:do nguồn gốc tim (suy thất trái, hẹp van 2 lá , rối loạn nhịp....), nguyên nhân ngoài tim (nhồi máu phổi, phù phổi do độ cao).
  • Giảm áp lực keo huyết tương.
  • Suy tuần hoàn bạch mạch.
  • Tăng áp lực khoảng kẽ.
  • Do tăng gánh thể tích.

Phù phổi cấp lâm sàng tương ứng với giai đoạn phế nang cuối cùng, gây ra đặc trưng bệnh là suy tim trái, suy hô hấp.

2. Chẩn đoán phù phổi cấp

Triệu chứng bệnh ban đầu sẽ giúp bác sĩ xác định và chỉ định chẩn đoán bệnh phù phổi cấp nhanh chóng. Cụ thể như sau: 

2.1. Triệu chứng 

Bệnh nhân phù phổi cấp thường có những triệu chứng khá rõ ràng. Cơn phù phổi cấp thường xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh và hay gặp vào ban đêm với các biểu hiện:

  • Lo lắng ,hoảng hốt vã mồ hôi.
  • Khó thở, thở nhanh (> 30 lần/phút) phải ngồi dậy để thở.
  • Tím môi và đầu chi.
  • Có thể khạc đờm bọt hồng.
  • Nghe phổi có rales ẩm  cả 2 phổi, bắt đầu từ đáy phổi dâng lên như nước triều dâng.
  • Nhịp tim nhanh (100 - 140 lần/phút) có thể nghe thấy nhịp ngựa phi thất trái, tĩnh mạch cổ nổi.
  • Huyết áp bình thường hoặc tăng.
  • Phù phổi cấp kéo dài , muộn có thẻ có tụt huyết áp , rối loạn ý thức.

Ngoài triệu chứng hô hấp điển hình, bệnh nhân phù phổi cấp còn gặp phải những triệu chứng toàn thân khác như: Phù chân, báng bụng, mỏm tim bị lệch ra ngoài hoặc xuống dưới khoang liên sườn,.. Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân gây phù phổi cấp mà bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh lý khác.

Chẩn đoán phù phổi cấp

2.2. Xét nghiệm 

Chụp X-quang

Chụp X-quang ở bệnh nhân phù phổi cấp sẽ thấy phù mô kẽ, phù phế nang, phù lan tỏa hình cánh bướm từ rốn phổi đến vùng ngoại biên. Chỉ số tim lồng ngực > 50%.

Chụp điện tâm đồ

Điện tâm đồ sẽ giúp kiểm tra các dấu hiệu bệnh tim liên quan đến phù phổi cấp như: thiếu máu tim cục bộ, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim.

Siêu âm tim

Đa phần bệnh nhân phù phổi cấp sau khi được cấp cứu và tình trạng sức khỏe tạm ổn sẽ chỉ định siêu âm tim để kiểm tra. Nhưng trong trường hợp có biến chứng nhồi máu cơ tim cấp như cột cơ van 2 lá, đứt dây chằng, thủng vách liên thất,… 

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm và thăm dò khác:

  • Khí máu.
  • CK total, CK - MB, men tim,...
  • Các xét nghiệm đánh giá huyết động, áp lực mao mạch phổi tăng, áp lực tĩnh mạch trung tâm tăng.

3. Phương pháp điều trị phù phổi cấp hiệu quả

Cấp cứu với bệnh nhân phù phổi cấp rất quan trọng, có thể giảm các biến chứng nặng khó phục hồi cho phổi, tim cũng như đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Đầu tiên cần xử lý nhanh nếu bệnh nhân có triệu chứng điển hình của phù phổi cấp, cần đặt họ vào tư thế Fowler (nửa nằm nửa ngồi).

Bệnh nhân cần được đảm bảo hô hấp, cho thở oxy ngay từ ban đầu để duy trì đảm bảo SP02 >90%. Bệnh nhân sẽ được thở oxy liều cao, thở máy không xâm nhập, đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, dùng thuốc giãn phế quản nếu có biểu hiện co thắt phế quản; Giảm tiền gánh; Giảm hậu gánh; Hỗ trợ tim, và điều trị hồi sức tích cực nếu có.

Điều trị phù phổi cấp hiện nay chủ yếu được dùng thuốc Morfin sulfat. Liều sử dụng ban đầu thường là 8mg theo đường tĩnh mạch, với trường hợp nhẹ có thể tiêm dưới da. Sử dụng lặp lại thuốc này cho đến khi tình trạng bệnh ổn định. Thuốc có tác dụng giảm áp lực của nhĩ trái, tăng sức chứa tĩnh mạch nên sẽ giảm nhẹ được triệu chứng bệnh.

Tuy nhiên, sử dụng Morphin điều trị có thể gây giảm động tác hô hấp nên chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt. Bệnh nhân phù phổi cấp do thuốc mê không thể dùng thuốc Morphin điều trị, thay vào đó nên dùng thuốc đối kháng với thuốc gây mê. Ngoài ra, thuốc cũng chống chỉ định với bệnh nhân phù phổi cấp do nguyên nhân thần kinh.

Trong điều trị cấp cứu và theo dõi cho bệnh nhân phù phổi cấp, bác sĩ sẽ dựa trên dấu hiệu lâm sàng cũng như điện tâm đồ. Điều quan trọng là phải đảm bảo độ bão hòa oxy qua mạch cho bệnh nhân.

Điều trị phù phổi cấp phải tiến hành nhanh, kịp thời để cứu sống người bệnh và hạn chế những tổn thương phổi hoặc tim mạch khó hồi phục. Sau đó là điều trị duy trì để phục hồi tổn thương cũng như phòng ngừa bệnh tái phát. 

Xem thêm: Suy hô hấp cấp tính

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top