✴️ Phân biệt cảm và cúm

Nội dung

Tác nhân gây bệnh

Cảm có thể do virus hay nguyên nhân khác (nhiệt độ lạnh, nắng nóng...)

Virus là tác nhân gây bệnh cúm.

Thời điểm mắc bệnh

Cảm có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong năm. Ở xứ ôn đới thường xuất hiện vào mùa đông, xứ nhiệt đới thường mùa mưa.

Cúm thường theo mùa, đặc biệt là từ tháng 11đến tháng 3 năm sau. Do đó nên chích ngừa cúm trước mùa dịch 3 tháng.

​     phân biệt cảm và cúm

Khởi phát triệu chứng

Cảm thường khởi phát từ từ, có thể 2-4 ngày.

Cúm thường xuất huyết triệu chứng nhanh, 6-12 tiếng (vì đã có thời gian ủ bệnh trước đó không triệu chứng. Khi đã có triệu chứng thường đã nhiễm virus 7 ngày và đã có thể lây lan cho người khác trong lúc chưa phát bệnh).

Mức độ trầm trọng

Cảm có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu và cổ gáy, nhức mỏi nhưng triệu chứng không nặng nề và mau phục hồi. Cảm thường hồi phục sau 7-10 ngày.

Cúm kéo dài hơn, cúm thường có triệu chứng nặng nề hơn, sốt và mệt mỏi hơn, đôi khi biến chứng viêm phổi nặng phải nhập viện, nhất là người lớn tuổi và trẻ em.
Tuy nhiên đôi khi cũng rất khó phân biệt rạch ròi cảm với cúm, phải căn cứ vào xét nghiệm và các phương tiện cận lâm sàng khác.

Xử trí khi bị cảm cúm

Khi bệnh, cơ thể phải huy động nhiều nguồn lực để chống chọi với tình trạng viêm nhiễm.

Sẽ cần nhiều năng lượng hơn:

Ăn nhiều thức ăn dễ tiêu, đủ dinh dưỡng. Cháo cá, cháo gà hoặc súp gà rất tốt cho người cảm cúm. Gừng và hành tỏi giúp ấm và hỗ trợ, tăng cường miễn dịch và kháng khuẩn, chống oxy hóa, thông đường hô hấp… giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Uống sữa và ăn yogurt: Men vi sinh trong yogurt tốt cho người bị tiêu lỏng (có thể gặp ở người nhiễm siêu vi).

Tăng cường vitamin C bằng cách ăn nhiều rau quả tươi (kiwi, trái thơm,cam, quýt, bưởi, chanh, cóc, ổi, trái dâu tây, bông cải xanh, cà chua, ớt chuông đỏ, cải xoăn....). Vitamin C không có tác dụng ngăn ngừa bệnh nhưng hỗ trợ, giảm mệt mỏi, giúp tĩnh táo hơn, mau hồi phục bệnh. Nên thường xuyên bổ sung vitamin C chứ không phải đợi đến bệnh mới dùng.

Ưu tiên nghỉ ngơi

Không đến chỗ làm và trường học cùng những hoạt động thể lực cho đến khi phục hồi. Thức khuya, thiếu ngủ sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại mầm bệnh. Đi ngủ sớm buổi tối và nên có giấc ngủ ngắn trong ngày. Nếu nghẹt mũi khi nằm, có thể kê gối đầu cao sẽ giúp giảm áp lực trong xoang mũi và dễ thở.

Uống nhiều nước:

Giúp loãng đàm, dễ khạt nhổ ra ngoài, giảm sung huyết niêm mạc đường hô hấp.

Ho khạc, sốt sẽ gây mất nước trong cơ thể, làm triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi nặng lên. Uống đủ nước sẽ ngăn ngừa và cải thiện triệu chứng.

Không uống rượu bia, cà phê, soda... Vì gây lợi tiểu và không cải thiện triệu chứng khô họng.

Có thể uống trà ấm, trà gừng hoặc nước trái cây, nước chanh, cam, bưởi ép ...

Súc họng thường xuyên với nước muối ấm:

Giúp dừng phản ứng viêm, kháng khuẩn nhẹ, cải thiện triệu chứng đau rát khó chịu họng, giảm sưng họng.

Loại bỏ, rửa trôi tác nhân gây bệnh và mảng bám vùng hầu họng, làm loãng đàm nhớt giúp dễ khạt ra ngoài.

Uống mật ong:

Mật ong có độ bám dính lên họng sẽ làm dịu cơn ho.
Nghiên cứu cho thấy trẻ con dùng nửa muỗng mật ong trước khi ngủ sẽ ngủ ngon và ít ho hơn. Có thể pha vào trà hay nước chanh, cam. Lưu ý không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

uống mật ong giúp làm giảm các triệu chứng của cảm

Tắm nước ấm và xông hơi

Hơi nước nóng giúp làm ẩm niêm mạc mũi họng, giảm sung huyết niêm mạc mũi. Độ nóng thích hợp sẽ tạo cảm giác thư giãn thoải mái, giảm đau nhức cơ.

Sử dụng thuốc

Thuốc giảm đau, hạ sốt thuần túy: acetaminophen. Cần phải kiểm tra thành phần acetaminophen khi dùng chung nhiều loại thuốc với nhau vì có rất nhiều biệt dược cùng chứa thành phần này, nếu không chú ý sẽ ngộ độc gây viêm hoặc suy gan cấp tính đe dọa tính mạng.
Ngậm các viên hỗ trợ giảm đau họng, viên thảo dược...
Thuốc giảm sung huyết mũi gây co mạch máu vùng mũi sẽ cải thiện triệu chứng nghẹt mũi. Tuy nhiên thuốc có thể gây kích thích bồn chồn. Dùng thuốc co mạch tại chỗ (nhỏ mũi hay xịt) nhiều có thể gây tổn thương niêm mạc mũi, không nên dùng quá 3 ngày.
Thuốc loãng và long đàm, thuốc kháng histamine: ức chế phản ứng viêm, cải thiện triệu chứng ngứa, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Phối hợp thuốc giảm sung huyết mũi sẽ cho hiệu quả rõ rệt.
Rửa mũi xoang hay xịt với nước muối ấm giúp làm sạch và tạo độ ẩm cho mũi, giảm kích thích mũi.

Không dùng kháng sinh nếu không có nhiễm trùng.

Vệ sinh cơ thể, áo quần, vật dụng và môi trường xung quanh. Che chắn mũi miệng đúng cách khi ho khạc.

Xem thêm: Các vật dụng cần làm sạch trong mùa cảm cúm

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top