✴️ 5 di chứng nhồi máu não phổ biến và cách giảm thiểu

Nội dung

Không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng, các di chứng nhồi máu não để lại cũng thường nặng nề và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh. Nhồi máu não có thể gây ra những di chứng gì và biểu hiện ra sao, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé. 

 

1. Nhồi máu não nguy hiểm như thế nào?

Nhồi máu não là một dạng đột quỵ não phổ biến, chiếm 80 – 85% các trường hợp đột quỵ. Bệnh xảy ra do sự tắc nghẽn của dòng máu lưu thông tới não, làm cho một phần hoặc toàn bộ não bị thiếu oxy, dinh dưỡng, khiến tế bào não bị chết chỉ sau vài phút. 

Trong cơn đột quỵ, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não chết đi, khiến não và các cơ quan do não chi phối bị rối loạn chức năng. Đây là mối đe dọa lớn đối với tính mạng của bệnh nhân. Người bệnh bị đột quỵ não có thể gặp phải tình trạng liệt, hôn mê và thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm.

Đột quỵ nói chung và nhồi máu não nói riêng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Dù được cứu sống, người bệnh thường vẫn phải đối mặt với nguy cơ tàn phế và suy giảm các chức năng, được gọi là di chứng nhồi máu não. Điều này khiến họ trở thành gánh nặng bất đắc dĩ cho gia đình và xã hội.

Nhồi máu não chiếm 80 – 85% các trường hợp tai biến, có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng nguy hiểm

 

2. Các di chứng nhồi máu não nếu không được điều trị kịp thời

2.1 Liệt vận động

Não của những người trải qua cơn tai biến thường chịu những tổn thương nhất định. Nếu vùng não điều khiển chức năng vận động bị ảnh hưởng thì có thể gây ra các biến chứng gây hạn chế vận động như liệt nửa người, liệt chân, tay,…

Lúc này, người bệnh cần sự trợ giúp của gia đình trong mọi hoạt động sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt. Do hạn chế vận động, phải nằm nhiều nên họ có thể đối mặt với tình trạng viêm loét da, viêm phổi, viêm đường hô hấp, tiết niệu,…

Để tăng khả năng phục hồi, cần khuyến khích người người bệnh thực hành các bài tập vận động với độ khó tăng dần, cấp độ từ nhẹ đến nặng, từ khả năng cầm nắm nắm đến đi lại.

2.2 Rối loạn ngôn ngữ

Khả năng ngôn ngữ của người bệnh có thể bị rối loạn sau một cơn nhồi máu não. Họ chỉ có thể nói được rất ít từ, bị nói ngọng, thậm chí không nói được. Nguyên nhân là do vùng não đảm nhận chức năng ngôn ngữ bị tổn thương.

Những người chăm sóc nên giúp người bệnh giao tiếp nhiều hơn với cộng đồng và những người xung quanh, đặc biệt là cần động viên tinh thần của người bệnh giúp họ trở nên vui vẻ và tự tin hơn, từ đó, khả năng ngôn ngữ cũng sẽ sớm được phục hồi.

Liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ,…là những di chứng thường gặp ở bệnh nhân sau nhồi máu não

 

2.3 Suy giảm nhận thức

Sau tai biến mạch máu não, nhiều người có thể bị mất trí nhớ, suy giảm khả năng nhận thức. Biểu hiện suy giảm nhận thức ở mỗi người bệnh là khác nhau tùy theo mức độ tổn thương của não. Có những người phục hồi nhanh những nhiều người khác lại rất lâu mới có thể phục hồi. Thậm chí họ khó có thể làm những công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn cũng như độ phức tạp nhiều như trước đây.

Di chứng này có thể cải thiện nhờ việc đọc sách báo, đố vui, tham gia các hoạt động xã hội.

2.4 Giảm thị lực

Khi xảy ra tai biến, nhiều người có dấu hiệu mờ mắt, thậm chí mất hoàn toàn thị lực ở một hoặc cả hai bên mắt. Tình trạng này có thể tiếp diễn sau khi bệnh nhân đã thoát khỏi nguy hiểm và cần thời gian để phục hồi. 

2.5 Rối loạn tiểu tiện

Người bị tai biến có thể gặp phải tình trạng tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ vòng hoặc rối loạn chức năng não. Các trường hợp này nếu không được chăm sóc, vệ sinh kỹ thì rất dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu,… Người chăm sóc cần chú ý giúp người bị tai biến giữ cơ thể luôn sạch sẽ, từ đó cải thiện tinh thần người bệnh.

 

3. Ngăn chặn và giảm thiểu di chứng bằng cách nào?

Có nhiều bệnh có nguy cơ cao gây nhồi máu não như xơ vữa, huyết khối ở các mạch máu lớn, tắc các mạch máu nhỏ trong não, các bệnh tim như bệnh van tim, rung nhĩ…; bệnh động mạch không xơ vữa; bệnh lý về máu… Lối sống khoa học bao gồm bỏ thuốc lá, hạn chế ăn mặn, thức ăn nhiều cholesterol, điều trị các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ tai biến, ngăn chặn các di chứng.

Khi đã bị tai biến, người bệnh cần được chăm sóc thật tốt để hạn chế ảnh hưởng của các di chứng đối với cơ thể và nâng cao khả năng phục hồi. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện phù hợp, đặc biệt giữ cho tinh thần thoải mái sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn và hạn chế các di chứng. 

Tích cực trò chuyện, giúp người bệnh vận động phù hợp,…là những biến pháp ngăn ngừa di chứng sau tai biến hiệu quả

 

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các di chứng nhồi máu não phổ biến và cách phòng ngừa, giảm thiểu những tác động của di chứng đối với sức khỏe. Tốt nhất nên duy trì thăm khám thường xuyên để chăm sóc hệ thần kinh khỏe mạnh, dự phòng sớm các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tai biến. Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ đặt lịch khám sớm. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top