5 nguyên nhân gây bệnh Parkinson thường gặp

1. Bản chất gây ra bệnh Parkinson

Parkinson là bệnh liên quan đến hệ vận động, do sự thiếu hụt sản xuất dopamine trong cơ thể.

Các dopamine được sản xuất nhờ các neuron trong cơ thể tiết ra. Dopamine có ở tất cả các cơ quan nhưng tập trung nhiều hơn ở trong não, cụ thể là ở chất đen (liềm đen) và thể vân thuộc hệ thần kinh trung ương tiết ra khoảng 70-80% lượng dopamine trong cơ thể. Gian não và một số điểm khác còn lại tiết khoảng 40-50% lượng dopamine.

Chính vì vậy, tất cả các tổn thương neuron tiết dopamine trong cơ thể, bất kể ở vị trí nào đều có thể dẫn đến sự thiếu hụt dopamine và gây ra bệnh Parkinson. Tùy thuộc vào sự tổn thương neuron tiết dopamine ở vị trí nào, người bệnh sẽ có những đặc điểm khác nhau như người run nhiều, người cứng nhiều, người phối hợp với nhiều triệu chứng khác ngoài run chân tay như trầm cảm, suy giảm trí nhớ,…

Parkinson hay còn gọi là bệnh liệt rung hoặc bệnh run tay chân.

 

2. Điểm danh 5 nguyên nhân bị bệnh Parkinson 

Hiện nay, khoa học chưa đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh Parkinson là gì. Nhưng những yếu tố và nguy cơ dẫn đến khởi phát căn bệnh này. Dưới đây là 5 nguyên nhân gây bệnh Parkinson phổ biến nhất.

 

2.1 Tuổi tác

Sự lão hóa của não là nguyên nhân hàng đầu khiến suy giảm lượng dopamine trong cơ thể. Dễ hiểu là phần lớn người bệnh Parkinson thường là những người lớn tuổi.

Khi tuổi cao đồng nghĩa với quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn (quá trình phá hủy sẽ ưu thế hơn quá trình tổng hợp), các synap dopamine giảm đi, neuron thần kinh bị lão hóa không sản xuất hoặc sản xuất rất ít dopamine, gây ra bệnh Parkinson.

Tuổi cao, sự lão hóa não là 1 trong 5 nguyên nhân bệnh Parkinson khiến suy giảm lượng dopamine trong cơ thể.

 

2.2 Bệnh lý

Sự nhiễm độc từ một số loại virus và một số bệnh lý khác cũng có thể làm giảm tiết dopamine trong cơ thể và dẫn tới bệnh Parkinson.

 

2.3 Chấn thương

Chấn thương não, chấn thương tai nạn giao thông, các chấn thương khác do đột quỵ… có thể gây biến chứng Parkinson.

 

2.4 Chất độc, hóa chất

Những người thường xuyên tiếp xúc với các chất độc, hóa chất như cafein, ma túy, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật,… có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn những người không tiếp xúc.

 

2.5 Di truyền

Trong gia đình có người bị Parkison như bố, mẹ, anh, chị thì nguy cơ bị bệnh Parkinson của bạn cao hơn những người khác. Nhưng cũng có nhiều trường hợp trong gia đình có người bị Parkinson còn những người khác vẫn khỏe mạnh hoàn toàn, do đó yếu tố di truyền chỉ là một trong các yếu tố gây bệnh Parkinson và nguy cơ xảy ra cũng rất ít.

Chưa thể khẳng định trong 5 yếu tố trên, yếu tố nào là chính và giữ vai trò quyết định, vì trên thực tế nguyên nhân gây bệnh Parkinson chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.

 

3. Điều trị bệnh Parkinson

3.1 Mục tiêu điều trị bệnh Parkinson

Parkinson là căn bệnh thoái hóa mạn tính các tế bào thần kinh sản xuất dopamine. Mục tiêu điều trị là hạn chế tốc độ phát triển của bệnh, vì đây là bệnh tồn tại cả đời và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên người bệnh Parkinson cần phải được điều trị để:

– Duy trì các hoạt động chức năng của cơ thể được kéo dài

– Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh

– Hạn chế các tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc điều trị

 

3.2 Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh Parkinson

– Chỉ sử dụng thuốc điều trị Parkinson khi các triệu chứng run tay chân ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt của người bệnh

– Chỉ sử dụng thuốc để duy trì các hoạt động hàng ngày

– Dùng thuốc từ liều nhỏ nhất, đến khi nào lượng thuốc không có tác dụng nữa thì bác sĩ sẽ cân nhắc nâng liều lượng thuốc

– Chọn thuốc và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và phác đồ điều trị của bác sĩ

– Kết hợp sử dụng thuốc với rèn luyện vận động để duy trì chức năng vận động của các cơ trên cơ thể

Tuyệt đối KHÔNG tự ý:

– Tăng liều thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh

– Bỏ thuốc khi thấy thuốc không có tác dụng hay chưa có tác dụng ngay

– Mua thuốc khác dùng, thay thuốc, phối hợp thuốc

 

Sử dụng thuốc điều trị bệnh parkinson phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dừng thuốc, tăng hạ liều hay đổi thuốc.

 

4. Lưu ý chế độ ăn dành cho người bệnh Parkinson

Người bệnh Parkinson cần đảm bảo tốt yếu tố dinh dưỡng kết hợp với luyện tập và dùng thuốc. Sau đây là một số thực phẩm người bệnh Parkinson cần lưu ý như sau:

– Nên ăn các loại bột mì, bột gạo (bổ sung vitamin, chất thô) tốt cho vận động

– Không nên ăn quá nhiều các loại thịt (protit trong thịt nếu dưa thừa sẽ làm cơ thể tự điều chỉnh giảm tiết dopamine đi, khiến quá trình tiết dopamine suy giảm).

– Nên ăn nhiều các loại đậu bổ sung chất xơ

– Không nên ăn quá nhiều đường

– Uống đủ nước hàng ngày, không nên uống các loại nước uống có gas, chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá,…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top