Tăng huyết áp do nhiều nguyên nhân, tuy có nguyên nhân không xác định được (gọi tăng huyết áp vô căn). Cũng có khi tăng huyết áp kèm theo sỏi thận. Cho đến nay nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định rằng chế độ ăn hạn chế natri và protein, giàu kali, đủ canxi, năng lượng vừa phải có thể làm giảm huyết áp ở những người có tăng huyết áp (THA) nhẹ và nhất là ở những đối tượng nhạy cảm với natri. Ở người THA nặng, THA có sỏi thận, chế độ ăn như trên cũng hạn chế được liều thuốc hạ huyết áp cần thiết.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn là ít natri và protein, giàu kali, đủ canxi, năng lượng vừa phải, giảm béo, giảm uống chất kích thích, tăng uống nước có tính chất lợi tiểu và an thần.
Có thể ăn theo chế độ ăn để chặn THA và sỏi thận như sau:
Nhóm thức ăn chính vẫn là nhóm bột - đường như trong tháp dinh dưỡng, do đó nó vẫn được coi là thực phẩm cơ bản nhưng nên kèm theo chất xơ như khoai, ngô, gạo lức... Ăn nhiều rau quả để có nhiều kali (trừ khi thiểu niệu).
Giảm muối và natri: tổng lượng natri không quá 2.400mg/ ngày, qui ra muối NaCl là 6g tương đương 1 thìa cà phê muối hoặc tương đương 4 thìa cà phê nước mắm/ngày. Lưu ý gần 13% trọng lượng bột ngọt là natri, nên cũng cần hạn chế loại gia vị thông dụng này. Nghĩa là chỉ nấu với thức ăn tươi sống và tránh hẳn thức ăn đã chế biến sẵn (cá khô, lạp sườn, đồ hộp các loại nhớ đọc kỹ xem trong thành phần nguyên liệu có muối hay không) và bỏ thức ăn muối mặn như cà muối, dưa muối, mắm tôm, mắm tép,... Chỉ cần tránh vị mặn còn các vị ngọt, đắng, chua, cay,... cùng các loại gia vị như mùi, thìa là, rau thơm, ngò gai, tỏi, hành, tía tô... thì vẫn sử dụng để món ăn thêm hương vị thơm ngon hấp dẫn.
Thực hiện một chế độ ăn có đủ canxi (khoảng từ 1.000-1.200mg/ ngày).
Uống nhiều nước, cứ 1-2 tiếng lại uống 1 cốc, không nên đợi khát mới uống (trừ suy tim).
Calo cần đạt được ở mức 1.600calo/ngày.
Những người béo: cần cố gắng giảm trọng lượng, vì càng thừa cân càng có nguy cơ bị THA nên cần ăn ít dầu mỡ hơn so với người gầy. Hạn chế hoặc bỏ thức ăn nhiều cholesterol như óc, lòng, tim gan, phủ tạng, ăn ít trứng (nến ăn thì ăn cả lòng trắng).
Đối với người có thói quen ăn vặt: thay vì ăn bánh kẹo ngọt, hay những loại hơi mặn như đậu phộng rang, khoai tây chiên giòn... nên ăn các loại trái tươi hay đóng hộp không có đường, muối, trái cây khô, (chuối khô, nho khô, mơ khô,...), sữa chua, ngô, củ sắn, cà rốt...
Ngoài ra, cần ăn đủ các chất vi lượng và vitamin đặc biệt là vitamin C, E, A,... có nhiều trong rau quả, giá đỗ. Uống nước chè sen vông, nước râu ngô, chè hoa hòe, nước rau luộc. Bỏ rượu bia, cà phê, chè đặc. Hạn chế uống rượu: nam không quá 2 ly, nữ không quá 1 ly rượu vang (150 mg/ngày) hoặc 2 lon bia cho nam hoặc 1 lon bia cho nữ/ngày.
Hiệu quả dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng: 1.600-1.700kcal; đạm: 60g; chất béo: 25g; NaCl: 5g; bột - đường: 300g; xơ: 30- 40g.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh