Trong khi nhiều người sử dụng cần sa để hút, cần sa cũng có thể là một thành phần được bổ sung trong thực phẩm, trà, hoặc một số loại dầu.
Sử dụng cần sa bằng những cách khác nhau có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo các cách khác nhau. Khi sử dụng dưới dạng hút, các hợp chất trong cần sa được giải phóng vào phổi, sau đó chúng vào máu, theo dòng tuần hoàn đi đến não và các cơ quan khác. So với hút cần sa thì việc cần sa ở dạng thực phẩm hoặc đồ uống cần nhiều thời gian hơn để ảnh hưởng đến cơ thể.
Hiện đang có nhiều tranh cãi xung quanh ảnh hưởng của cần sa lên cơ thể. Các bản báo cáo đưa ra những kết quả khác nhau, những ảnh hưởng từ thể chất đến tâm thần, những tác hại đến hiệu quả giảm đau và thư giãn.
Cần sa có thể được sử dụng ở một số bang của Mĩ trong lĩnh vực y tế, và ở một số khu vực của Mĩ, sử dụng với mục đích giải trí cũng được coi là hợp pháp. Bất kể bạn sử dụng cần sa như thế nào, cần sa có thể gây ra các ảnh hưởng tức thì và lâu dài, ví dụ như những thay đổi về nhận thức và làm tăng nhịp tim.
Ảnh hưởng của cần sa lên cơ thể thường được nhận thấy ngay lập tức. Những ảnh hưởng về lâu dài sẽ phụ thuộc vào cách bạn sử dụng, số lượng và tần suất sử dụng. Việc nghiên cứu các ảnh hưởng của cần sa lên cơ thể trở nên khó khăn và tốn kém vì sử dụng cần sa bị xem là bất hợp pháp ở nhiều nơi.
Nhưng trong những năm gần đây, các tính chất dược liệu của cần sa đang dần được chấp nhận. Tính đến năm 2017, 29 tiểu bang tại Mĩ đã hợp pháp hoá cần sa y tế ở một mức độ nào đó. Một số thành phần của cần sa bao gồm THC và cannabidiol (CBD) là những hợp chất chính được sử dụng trong điều trị. Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ đã tài trợ nghiên cứu về tính khả thi của sử dụng THC và CBD trong y học.
Cùng tìm hiểu cần sa ảnh hưởng thế nào đến hệ thống cơ quan trong cơ thể chúng ta?
Giống như khói thuốc lá, khói cần sa chứa nhiều loại hóa chất độc hại, bao gồm amoniac và hydrogen cyanide, có thể kích thích khí phế quản và phổi của bạn. Nếu bạn là người hút thường xuyên, bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề hô hấp, ho và có đờm. Bạn cũng dễ bị viêm phế quản và nhiễm trùng tại phổi. Cần sa có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lí đường hô hấp hiện mắc, như hen suyễn và xơ nang.
Khói cần sa có chứa chất gây ung thư, vì vậy nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Tuy nhiên, nghiên cứu về chủ đề này đã cho thấy những kết quả khác nhau. Theo Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy Hoa Kỳ (NIDA), không có bằng chứng kết luận rằng khói cần sa gây ung thư phổi. Hiện cần thêm các nghiên cứu khác để làm rõ vấn đề này.
Hút cần sa có thể gây ra một số nốt đau và bỏng rát trong miệng và họng của bạn.
Cần sa có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa khi uống. Ví dụ, THC có thể gây buồn nôn và nôn. Nó cũng có thể làm tổn thương gan của bạn.
Sự gia tăng cảm giác thèm ăn khá phổ biến khi dùng bất kỳ loại cần sa nào, Đây được coi là một điều có lợi cho những người bệnh ung thư đang điều trị bằng hóa trị liệu. Đối với những người đang tìm cách giảm cân, ảnh hưởng này có thể được xem là bất lợi.
Hợp chất THC trong cần sa từ phổi vào tuần hoàn rồi di chuyển khắp cơ thể. Trong vòng vài phút, nhịp tim của bạn có thể tăng từ 20 đến 50 nhịp/phút. Nhịp tim nhanh có thể kéo dài tối đa 3 giờ. Nếu bạn đang mắc bệnh lí tim mạch, tăng nhịp tim kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đau tim.
Một trong những dấu hiệu rõ ràng sau khi sử dụng cần sa là đôi mắt đỏ ngầu. Vì cần sa làm cho các mạch máu trong mắt giãn rộng.
THC cũng có thể giảm áp lực trong mắt, làm giảm các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp trong một vài giờ. Cần thêm các nghiên cứu để hiểu thành phần hoạt tính trong cần sa và liệu đó có phải phương pháp điều trị khả thi cho bệnh tăng nhãn áp hay không.
Ảnh hưởng lâu dài, cần sa có thể có tác dụng tích cực trên hệ thống tuần hoàn của bạn. Nghiên cứu vẫn chưa khẳng định, nhưng cần sa có thể giúp ngăn chặn sự tăng trưởng của các mạch máu nuôi dưỡng khối u. Có những triển vọng trong cả điều trị và dự phòng ung thư nhưng cần thêm nghiên cứu để làm sáng tỏ vấn đề này.
Cần sa được cho là giúp giảm đau, chống viêm và giúp kiểm soát cơn co giật. Tuy nhiên, cũng có những ảnh hưởng xấu lâu dài trên hệ thống thần kinh trung ương cần xem xét.
THC trong cần sa kích thích não của bạn giải phóng một lượng lớn dopamine, một chất hóa học giúp bạn cảm thấy thoải mái. Chúng ta thường gọi đó là cảm giác “phê” - high. Người sử dụng tạm thời nâng cao cảm nhận của giác quan và nhận thức về thời gian. Trong vùng hippocampus của não, THC thay đổi cách xử lý thông tin, vì vậy khả năng phán xét của bạn có thể bị suy giảm. Hippocampus cũng là vùng chịu trách nhiệm về trí nhớ, vì vậy bạn cũng khó có thể ghi nhớ những thông tin mới khi đang “phê”.
Những thay đổi cũng diễn ra trong vùng não giúp bạn di chuyển và giữ thăng bằng. Cần sa làm thay đổi sự thăng bằng, giảm phối hợp và giảm phản xạ. Những thay đổi khiến bạn khó có thể lái xe an toàn.
Sử dụng liều rất lớn cần sa hoặc nồng độ THC cao có thể gây ảo giác. Theo NIDA, có thể có mối liên quan giữa việc sử dụng cần sa và một số rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu. Cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ sự liên kết này. Bạn nên tránh xa cần sa nếu bạn bị tâm thần phân liệt, vì cần sa có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
Khi cảm giác “phê” qua đi bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc thất vọng. Ở một số người, cần sa có thể gây chứng lo âu. Khoảng 30 % người sử dụng cần sa có rối loạn trong sử dụng. Nghiện cần sa hoàn toàn có thể xảy ra. Hội chứng cai có thể bao gồm các triệu chứng cáu kỉnh, mất ngủ và chán ăn.
Ở những người dưới 25 tuổi, não bộ chưa phát triển đầy đủ, sử dụng cần sa có thể ảnh hưởng lâu dài đến quá trình tư duy và ghi nhớ. Sử dụng cần sa trong khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến não của thai nhi. Con bạn có thể gặp vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung và kỹ năng giải quyết vấn đề.
THC có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch của bạn. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy THC có thể làm tổn thương hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ bị bệnh hơn. Cần thêm các nghiên cứu khác để hiểu biết đầy đủ mối liên hệ này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh