Đây là nghiên cứu của TS. Jennifer Felder (đến từ Trung tâm Tâm thần học - Đại học California, San Francisco, Mỹ) và cộng sự đăng tải trên Tạp chí Obstetrics & Gynecology.
Các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu từ gần 3 triệu phụ nữ để đánh giá hậu quả của chứng rối loạn giấc ngủ trong khi mang thai. Các nhà khoa học đã lọc ra 2.265 người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ khi mang thai.
Một nhóm đối tượng tương ứng khác cũng được chọn lọc cho việc so sánh. Nhóm đối tượng này không mắc chứng rối loạn giấc ngủ nhưng mang các yếu tố nguy cơ sinh non khác như tăng huyết áp, hút thuốc lá, đã từng bị sinh non ở lần mang thai trước.
Sinh non được định nghĩa là người phụ nữ sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà khoa học phát hiện khoảng 14,6% phụ nữ mang thai mắc chứng rối loạn giấc ngủ bị sinh non. Đối với nhóm phụ nữ mang thai không mắc chứng rối loạn giấc ngủ nhưng có các yếu tố nguy cơ sinh non khác, tỷ lệ sinh non thấp hơn, khoảng 10,9%.
Đặc biệt, nguy cơ sinh non trước tuần thứ 34 của thai kỳ tăng hơn gấp đôi đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh ngưng thở khi ngủ và tăng gần gấp đôi đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh mất ngủ.
TS. Jennifer Felder cho biết, xác định các yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non sẽ giúp tìm ra các phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Dựa trên kết quả nghiên cứu, điều trị rối loạn giấc ngủ trong khi mang thai có thể là một bước đi đúng đắn trong việc giảm tỷ lệ sinh non ở phụ nữ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh