✴️ Ảnh hưởng tâm lý trong bệnh vẩy nến

Nội dung

Bệnh vảy nến là gì?

Vảy nến là một bệnh da mạn tính đặc trưng bởi các mảng đỏ da bong vảy. Sang thương có thể rất ít hoặc rất nhiều trên da đầu, mặt, thân và các chi. Bệnh vảy nến cũng có thể liên quan đến móng (loạn dưỡng móng vảy nến). Bệnh tương đối phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 2-4% dân số nói chung, liên quan đến bệnh khớp vảy nến và một số vấn đề sức khỏe khác.

Về lâu dài, việc các sang thương đỏ và bong vảy trên mặt, cổ và các bộ phận dễ nhìn thấy khác trên cơ thể có thể gây ra những tác động tâm lý tiêu cực nghiêm trọng cho bệnh nhân vảy nến.

Ai bị ảnh hưởng tâm lý do bệnh vảy nến?

Hầu hết những người bị bệnh vảy nến cho rằng bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ ở một mức độ nào đó. Những bệnh nhân bị nổi mảng đỏ và bong tróc vảy trên mặt, cổ và các bộ phận dễ nhìn thấy khác của cơ thể càng bị tác động nhiều hơn, đặc biệt nếu bệnh vảy nến khởi phát trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên.

Người ta ước tính rằng bệnh nhân vảy nến bị ảnh hưởng tâm lý nặng do sang thương da trong 10-62% trường hợp bệnh.

Những ảnh hưởng tâm lý trong bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến có liên quan đến nhiều triệu chứng tâm lý xã hội, bao gồm:

  • Cảm giác tội lỗi, ngại ngùng, xấu hổ hoặc bất lực
  • Giảm tự trọng và hạ thấp giá trị bản thân, đôi khi dẫn đến cô lập xã hội
  • Rối loạn chức năng tình dục, do ý thức bản thân hoặc sang thương gây đau đớn
  • Ý tưởng tự sát, xảy ra ở 10% bệnh nhân mắc bệnh vảy nến
  • Giảm cơ hội nghề nghiệp, do khả năng suy xét hoặc nhận thức hạn chế về các lựa chọn nghề nghiệp, có thể dẫn đến khó có việc làm và khó khăn về kinh tế
  • Cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, bao gồm thay quần áo, tắm rửa và ngủ nghỉ
  • Tác động tiêu cực đến hoạt động của gia đình bệnh nhân, bao gồm khó khăn về tài chính, sự mệt mỏi của người chăm sóc và suy thoái mối quan hệ giữa bệnh nhân và gia đình
  • Căng thẳng, điều này có thể gây bùng phát bệnh vảy nến ở 43–68% bệnh nhân
  • Trầm cảm, do giảm chất lượng cuộc sống.

ảnh hưởng tâm lý của bệnh vảy nến

Các đặc điểm lâm sàng về ảnh hưởng tâm lý trong bệnh vảy nến là gì?

Trầm cảm tác động đến phần lớn bệnh nhân vảy nến và có thể dẫn đến:

  • Mệt mỏi mạn tính
  • Mất hứng thú với cuộc sống và các hoạt động hàng ngày
  • Thay đổi thói quen ăn uống
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Các hành vi tiêu cực, bao gồm sử dụng rượu và/hoặc ma túy, tự làm hại bản thân hoặc các hành vi có nguy cơ cao khác.

Ảnh hưởng tâm lý trong bệnh vảy nến được chẩn đoán như thế nào?

Các công cụ hữu ích có thể sử dụng để đo lường tác động của bệnh vảy nến trên từng cá nhân bao gồm:

  • Diện tích sang thương và độ nặng của bệnh vảy nến (PASI)
  • Chỉ số chất lượng cuộc sống của các bệnh da liễu (DQLI), được sử dụng cho bệnh vảy nến và các bệnh da liễu khác để đánh giá ảnh hưởng của bệnh đến  tâm lý và hoạt động chức năng
  • Chỉ số tàn tật bệnh vảy nến (PDI)
  • Bảng câu hỏi về chỉ số bệnh vảy nến gia đình (PFI-14).

Phương thức điều trị những ảnh hưởng tâm lý trong bệnh vảy nến là gì?

Điều trị bệnh vảy nến có thể cần sự phối hợp giữa bác sĩ da liễu và bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để giải quyết các tác động cả về thể chất và tâm lý của bệnh nhân. Việc điều trị thành công các triệu chứng thực thể của bệnh vảy nến thường dẫn đến cải thiện các tác động tâm lý của bệnh đối với bệnh nhân; như là cải thiện được chứng trầm cảm, nghiện rượu, hoặc rối loạn hành vi (ví dụ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế) của họ.

Ảnh hưởng tâm lý của bệnh vảy nến có thể được điều trị bằng bất kỳ sự kết hợp nào của những điều sau đây:

  • Tư vấn tâm lý
  • Thuốc hướng thần uống và bôi tại chỗ
  • Liệu pháp thư giãn / quản lý căng thẳng
  • Liệu pháp nhận thức hành vi
  • Thử nghiệm thôi miên và/hoặc tưởng tượng theo hướng dẫn
  • Tham gia vào các nhóm hỗ trợ bệnh nhân.

Tiên lượng cho những ảnh hưởng tâm lý của bệnh vảy nến là gì?

Ảnh hưởng tâm lý của bệnh vảy nến có thể có tác động tiêu cực và sâu sắc đến các mối quan hệ gia đình và xã hội, công ăn việc làm, học hành và các khía cạnh khác của cuộc sống bệnh nhân, đặc biệt nếu những tác động đó không được điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top