Bạn biết gì về chứng rối loạn tích trữ?

Nội dung

Hiểu về rối loạn tích trữ

Đây là tình trạng bản thân người mắc phải cảm thấy khó khăn dai dẳng trong việc vứt bỏ, hay hoa mỹ hơn là chia tay một tài sản nào đó mà bản thân người đó cần nhận thức được nhu cầu của chúng còn cần thiết hay không. Một người mắc phải chứng rối loạn tích trữ thường cảm thấy đau khổ khi nghĩ đến việc phải vứt bỏ tài sản của mình, kéo theo sự tích lũy quá mức các tài sản bất kể giá trị thực tế của chúng có đáng hay không.

Việc tích trữ quá mức khiến môi trường sống, điều kiện sống của người gặp phải chứng bệnh trở nên chật chội quá mức, có thể mô tả dưới hình nảnh lối đi rất nhỏ trong nhà, đồ đạc lộn xộn, tất cả các bề mặt như mặt bàn, bồn rửa, bàn làm việc, cầu thang… chứa đầy đồ đạc. Khi không còn không gian, sự lộn xộn có thể chuyển sang các khu vực khác như nhà để xe, xe cộ, sân, nhà kho…

Mức độ tích trữ có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp, tích trữ có thể không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, tuy nhiên một số trường hợp khác nó lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng ngày.

Rối loạn tích trữ thường bắt đầu ở mức độ nhẹ khi ở độ tuổi thanh thiếu niên và dần dần trở nên tồi tệ hơn theo độ tuổi, gây ra suy giảm đáng kể về mặt lâm sàng khi ở độ tuổi giữa 30. Tại bất kỳ thời điểm nào, tỉ lệ ước tính mắc rối loạn khoảng từ 2 đến 6%. Những người mắc chứng rối loạn tích trữ có thể không coi đó là vấn đề, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Các phương pháp điều trị chuyên sâu có thể giúp những người mắc chứng rối loạn tích trữ hiểu được cách thay đổi niềm tin và hành vi của họ để sống một cuộc sống an toàn và thú vị hơn.

 

Các triệu chứng

Đầu tiên phải kể đến dấu hiệu lấy và tích trữ quá nhiều đồ đạc, tích tụ dần trong không gian sống và khó tự tay vứt bỏ đồ đạc. Tình trạng này thường xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên đến đầu giai đoạn trưởng thành. Khi tuổi tăng lên, dấu hiệu tiếp theo là tình trạng dự trữ những đồ vật không có nhu cầu và không có không gian ngay lập tức cho nó. Càng cao tuổi, triệu chứng này càng nặng và càng khó điều trị.

Các vấn đề về tích trữ ngày càng phát triển dần theo thời gian và có xu hướng trở thành hành vi riêng tư. Thông thường, sự lộn xộn đáng kể trong không gian ngôi nhà đã phát triển từ trước đó và đến khi thu hút đc sự chú ý của người khác, nó đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm:

  • Mua quá nhiều đồ không cần thiết hay không có chỗ chứa
  • Khó khăn trong việc vứt bỏ, bất kể giá trị thực tế của đồ vật
  • Cảm thấy rất cần phải tiết kiệm những thứ xung quanh, và khi nhắc đến loại bỏ chúng, sự khó chịu sẽ lan tràn
  • Lộn xộn trong bày trí, thậm chí có thể lộn xộn căn phòng đến mức không thể sử dụng căn phòng đó
  • Có xu hướng thiếu quyết đoán, cầu toàn, né tránh, trì hoãn các vấn đề về lập kế hoạch hay tổ chức

Việc mua quá nhiều và từ chối loại bỏ các đồ dùng có thể dẫn đến:

  • Có hàng đống, hàng chồng đồ dùng sắp xếp vô tổ chức, chẳng hạn báo chí, giấy tờ, sách hay các vật dụng có liên quan đến tình cảm
  • Lộn xộn không gian khiến mục đích của không gian bị thay đổi hoặc không thể sử dụng được, chẳng hạn như trữ quá nhiều đồ trong bếp khiến bếp không thể nấu ăn được.
  • Thức ăn hoặc rác tích tụ quá mức, gây mất vệ sinh
  • Đau khổ hoặc các vấn đề về tinh thần khác nghiêm trọng khi hoạt động hay giữ an toàn cho bản thân và người khác trong nhà
  • Xung đột với những người cố gắng giảm bớt hoặc cố gắng loại bỏ sự bừa bộn mà bạn tạo ra
  • Khó sắp xếp và có thể làm mất những mục quan trọng trong đống lộn xộn

Một điều cần lưu ý là rối loạn tích trữ khác với sưu tập. Những người đam mê sưu tập và có các bộ sưu tập sẽ cố gắng tìm những vật cụ thể mà họ thích, phân loại và trứng bày cẩn thận bộ sưu tập cụ thể. Mặc dù bộ sưu tập có thể lớn, chúng thường không lộn xộn và chúng không gây ra tình trạng đau khổ khi gặp phải tình trạng mất hay từ bỏ những thứ không còn giá trị thực tế.

 

Yếu tố nguy cơ của chứng rối loạn tích trữ

Rối loạn tích trữ thường gặp phải ở độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi, và nó có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi già đi. Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:

  • Nhân cách. Nhiều người mắc chứng bệnh thường có tính khí thiếu sự quyết đoán
  • Tiền sử gia đình. Khoa học chứng minh được mối liên quan chặt chẽ giữa tiền sử gia đình mắc chứng bệnh với bản thân mắc phải
  • Biến cố cuộc sống. Một số người phát triển chứng rối loạn tích trữ sau khi trải qua một biến cố nào đó trong cuộc đời, chẳng hạn như cái chết của người thân, ly hôn, li biệt hay mất tài sản do hỏa hoạn,…

Một số rối loạn sức khỏe tâm thần khác có thể kèm theo bao gồm:

  • Trầm cảm
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

 

Dự phòng rối loạn tích trữ

Hiện tại, những hiểu biết về rối loạn tích trữ vẫn còn rất ít, do đó không có cách nào thực sự để ngăn cản điều này. Tuy vậy, giống như nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần khác, việc điều trị sẽ giúp hạn chế căn bệnh trở nên tồi tệ hơn. Hãy đến cơ sở y tế và khám để được các chuyên gia tư vấn và đưa ra lời khuyên hữu ích, cũng như có những biện pháp can thiệp kịp thời.

 

Tổng kết

Rối loạn tích trữ được đặc trưng bởi khó khăn dai dẳng trong việc thải loại hoặc vứt đi các vật sở hữu, bất kể giá trị thực tế của chúng. Sự khó khăn này dẫn đến sự tích lũy các vật sở hữu mà làm tắc nghẽn và gây ra sự lộn xộn khu vực sinh sống đến mức mà việc sử dụng có mục đích các khu vực thì bị ảnh hưởng đáng kể. Đây là một chứng bệnh tâm thần, và thường gặp ở người trẻ tuổi dù tỉ lệ mắc phải tương đối nhỏ. Nhìn chung, vẫn chưa có những hiểu biết đầy đủ về tình trạng này. Do vậy, việc khám và điều trị sớm mang ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài trong cuộc sống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top