Bạn có đang bị stress quá mức?

Vậy làm thế nào để nhận biết bạn đang bị stress quá mức và bí quyết để giải toả vấn đề này như thế nào?

1. Nguyên nhân gây stress

Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể đối mặt với căng thẳng, tuy nhiên mỗi người sẽ đối mặt với một mức độ căng thẳng khác nhau cùng những nguyên nhân khác nhau.

Có nhiều nguyên nhân gây stress trong cuộc sống của mỗi người. Thông thường stress gắn với những hoàn cảnh gây ra bởi những quan hệ, những mâu thuẫn trong gia đình, đồng nghiệp, căng thẳng trong học hành, thi cử v.v…nhưng thực ra đứng trước bất kỳ một thay đổi nào cũng có thể dẫn đến tình trạng stress.

Những thay đổi về khí hậu, sự khác biệt về văn hóa, những thay đổi trong nghề nghiệp, công việc như: nhận công việc mới, thay đổi nơi ở, nơi làm việc, bị đuổi việc, những yếu tố liên quan đến tình cảm (cưới hỏi, ly thân, ly dị, sinh con, người thân mất...)... đều có thể gây stress.

Thay đổi về cơ thể như ở tuổi dậy thì, tiền mãn kinh, tuổi già bệnh tật; Các yếu tố mang tính xã hội như chiến tranh, suy thoái kinh tế, khó khăn trong dịch bệnh ... cũng có thể dẫn đến stress. 

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra stress, thường là do tính cách, sự nhận thức của mỗi người, ví dụ một người kỹ tính, quá cầu toàn, trông đợi vào những điều không thực tế, bi quan, tự ti, thiếu tính quả quyết…cũng có thể dẫn đến stress.

 

2. Làm thế nào để nhận biết bạn đang bị stress quá mức?

Như vậy có thể nói stress là một phần của cuộc sống và trong nhiều trường hợp không thể lọai bỏ nó. Vấn đề là làm thế nào để nhận ra được mình có bị stress không? Nhiều người bị stress xâm chiếm từ từ mà không hề biết đến khi stress quá mức gây hại cho cơ thể, ngay cả khi tổn thương đã trầm trọng thì đã muộn.

Những biểu hiện để nhận biết một người đang bị stress là:

  • Rối lọan trí nhớ, nhiều người đãng trí hay quên 

  • Công việc không thể tập trung, phán đoán kém

  • Lo âu thường xuyên hoặc lo lắng quá mức. 

  • Tâm trạng của người bị stress luôn thấy buồn rầu, ủ rủ, hay cáu gắt, cộc cằn. Bị kích động, khó bình tĩnh, cảm giác cô đơn hoặc bị cô lập, chán nản.

  • Về cơ thể của người stress thường cảm thấy đau nhức, có thể bị tiêu chảy hay táo bón. Hay cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau ngực, đánh trống ngực, hay bị cảm lạnh, mất ham muốn tình dục...

  • Hằng ngày người bị stress chán ăn hoặc ăn quá nhiều, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, tự cô lập.

  • Thích uống rựơu, hút thuốc nhiều hơn, những thói quen biểu lộ sự bồn chồn như cắn móng tay, đứng ngồi không yên, hay đi lại một mình…

  • Nếu một người có các biểu hiện kể trên là chứng tỏ bị stress, nếu  càng có nhiều triệu chứng thì khả năng bạn bị stress quá mức càng cao. 

  • Nên nhớ những triệu chứng của stress cũng có nguyên nhân bệnh lý hoặc tâm lý khác. Vì vậy bạn cần đi khám bệnh để bác sĩ đánh giá một cách toàn diện và giúp xác định triệu chứng nào liên quan đến stress.

 

3. Biện pháp làm giảm tác hại của stress

  • Bạn cần nhận biết các yếu tố gây stress, phản ứng cảm xúc của cơ thể, khi có các tác nhân có thể có làm bạn lo lắng hay khó chịu,...cần tìm cách điều khiển cơ thể phản ứng với sự căng thẳng đó. Một khi biết được nguyên nhân, có thể không thể lọai trừ được nhưng có thể tìm ra hướng giải quyết nhằm làm giảm tác hại của stress lên sức khỏe.

  • Nhiều nguyên nhân gây stress phát xuất từ quan niệm và suy nghĩ của chính bạn. Vì vậy trước một vấn đề gây bức xúc căng thẳng cần thử phân tích theo một khía cạnh khác. Hãy gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, thay vào đó bằng những ý tưởng tích cực. Đối với công việc, quỹ thời gian cần xem xét để lập kế hoạch cho phù hợp, giảm cường độ, tần số và rút ngắn thời gian căng thẳng (nghỉ ngơi, rời khỏi môi trường gây căng thẳng).

  • Mỗi chúng ta cần phải biết yêu thương nâng niu cơ thể của mình, vì vậy hãy biết chăm sóc bản thân. Cần ăn đủ chất, ngủ đủ giấc và dành thời gian để tiêu khiển sau những giờ làm việc mệt nhọc. 

  • Vui cười và hãy giao du với những người lạc quan, vui tính. Khi cười làm giãn cơ, tim khỏe hơn và thở dễ dàng hơn. Tập thư giãn và tập thiền. Mỗi khi cảm thấy lo lắng hãy thử tập thở sâu, chậm, điều này sẽ giúp nhịp tim và hô hấp trở lại bình thường.

  • Thường xuyên tập luyện, trong khi tập luyện tinh thần sẽ giúp chúng ta thư giãn và dịu lại. Thư giãn, có thể làm giảm căng thẳng cơ bắp, sử dụng phản hồi sinh học có thể giúp bạn tự kiểm soát căng thẳng cơ, nhịp tim và huyết áp. Massage và làm nóng các cơ bắp căng cứng để cải thiện lưu thông máu và giúp cơ bắp thư giãn; tạo một lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục (như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ).

  • Bạn cũng nên tránh sử dụng quá mức nicotine, caffeine và các chất kích thích khác. Duy trì lối sống tinh thần lành mạnh bằng cách thiết lập các mối quan hệ có lợi, giúp đỡ lẫn nhau. Bạn cũng cần theo đuổi mục tiêu của chính bản thân thay vì mục tiêu của người khác và hãy dành thời gian để thư giãn và tận hưởng.

  • Tóm lại: Con người luôn luôn phải đối mặt với các hoàn cảnh gây stress. Stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. 

  • Với người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cách cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.

  • Một cơ thể khoẻ mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho nhân cách. Vì vậy, chúng ta cần có một cơ thể khỏe mạnh, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện….

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top