✴️ Vi sinh vật trong tự nhiên và ký sinh ở người, các đường truyền bệnh (P2)

Nội dung

VI SINH VẬT TRÊN CƠ THỂ NGƯỜI

Da, niêm mạc và các ổ tự nhiên nuôi dưỡng nhiều chủng loại vi sinh vật, những vi sinh vật đó được xếp vào 2 nhóm:

Khuẩn chí bình thường: Gồm những chủng lọai vi khuẩn tương đối cố định, tìm thấy đều đặn ở một vùng nhất định, ở một lứa tuổi nhất định, nếu bị phá hủy thì tự thiết lập lại một cách nhanh chóng.

Khuẩn chí tạm thời: Gồm những vi sinh vật có hoặc không có khả năng gây bệnh, cư ngụ ở da, niêm mạc trong khoảng thời gian giới hạn, phát sinh từ môi trường xung quanh, không phát sinh chứng bệnh, không tự định cư thường xuyên ở bề mặt cơ thể.

Thành phần của khuẩn chí tạm thời thường không có ý nghĩa khi khuẩn chí binh thường còn nguyên vẹn. Tuy nhiên nếu khuẩn chí bình thường bị phá hủy thì khuẩn chí tạm thời có thể phát triển và phát sinh chứng bệnh.

Vai trò của khuẩn chí bình thường:

Khuẩn chí bình thường ở mỗi vùng nhất định của cơ thể giữ một vai trò nhất định trong việc duy trì sức khỏe và các chức năng bình thường.

Khuẩn chí bình thường ở da và niêm mạc: Là hàng rào ngăn cản đầu tiên cản trở quá trình xâm nhiễm của các vi sinh vật theo cơ chế cạnh tranh sinh tồn hoặc giao hoán vi khuẩn.

Thành phần khuẩn chí bình thường ở ruột giúp cơ thể tổng hợp một số vitamin như K, B1, B6 ... và góp phần thuận lợi cho việc nuôi dưỡng cơ thể.

Tuy nhiên thành phần khuẩn chí bình thường có thể gây nên bệnh trong một số hoàn cảnh vì những vi sinh vật này đã thích nghi với kiểu sống không xâm nhiễm, nếu bị bắt buộc rời khỏi chỗ cư ngụ bình thường và đưa vào máu hoặc mô thì chúng trở nên gây bệnh.

Ví dụ:

Streptococus viridans thường ký sinh ở đường hô hấp trên, nếu vào máu do nhổ răng hoặc cắt amygdales thì có thể gây nên bệnh viêm màng trong tim bán cấp (bệnh Osler).

Xoắn khuẩn và trực khuẩn hình thoi: Bình thường ở khoang miệng, nếu mô bị hủy hoại do chấn thương, cơ thể suy dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng nặng... thì chúng phát triển mạnh mẽ ở biểu mô hoại tử và gây viêm họng (goi là viêm họng Vincent).

Những vi sinh vật ký sinh ở cơ thể người:

Các vi sinh vật ở trên da:

Chủng loại vi sinh vật sống trên da và niêm mạc rất thay đổi, chúng phụ thuộc vào hoàn cảnh, tình hình vệ sinh cá nhân và nghề nghiệp. Vì da tiếp xúc thường xuyên với môi trường xung quanh, da chứa đựng nhiều vi sinh vật tạm thời, tuy nhiên những khuẩn chí bình thường không đổi được tìm thấy ở những vùng giải phẫu khác nhau. Các vi sinh sinh vật bình thường thường thấy ở da là :

Staphylococcus coagulase âm tính, streptococcus viridans, coliformes, các loại trực khuẩn Gram dương (bacilli gram positive).

Nấm men: Thường thấy ở các lằn da.

Các Mycobacteria không gây bệnh: Thường thấy trên da ở những vùng sẵn chất xuất tiết, cơ quan sinh dục, ống tai ngoài...

Trên da cũng có thể có các vi sinh vật gây bệnh như Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa...

Chủng loại vi sinh vật sống trên da thay đổi theo vùng: vùng có nhiều vi khuẩn như da đầu, mặt, kẽ ngón tay... Vùng có ít vi khuẩn như mặt ngoài của các chi, bàn tay, da bụng... Những yếu tố có thể phá hủy các vi sinh vật thường thấy ở da là: pH thấp, axit béo của chất xuất tiết nhầy và lysozym. Số lượng vi sinh vật ở bề mặt có thể giảm bớt bằng cách chà sát mạnh trong trường hợp vệ sinh da trước khi mổ, nhưng khuẩn chí nhanh chóng lập lại từ tuyến nhờn và mồ hôi sau đó.

Vi sinh vật ở đuờng hô hấp:

Ở mũi có nhiều trực khuẩn giả bạch hầu (diphteroides) và chủ yếu là tụ cầu, đáng chú ý là có nhiều tụ cầu vàng ở mũi trước từ 20 - 50 % người lành mang tụ cầu vàng trong mũi.

Ở họng mũi: Số lượng và chủng loại vi sinh vật khá phong phú. Họng thường vô khuẩn lúc mới sinh, nhưng cũng có thể lây nhiễm trong khi sinh. Sau sinh trong vòng 4 - 12 giờ đầu tiên thì Streptococcus viridans xuất hiện như là thành phần chủ yếu và tồn tại suốt đời. Sau đó các loài thuộc Diphteroides, Lactobacilus, Staphylococci, Neisseria sớm được thêm vào.

Ở tuyến hạnh nhân (amygdales): Có thể có liên cầu nhóm A tan máu B. Đây là vi khuẩn chủ yếu gây viêm họng (80 -90%) và gây bệnh thấp tim tiến triển.

Ở khí quản, phế quản: Do cấu tạo sinh lý có niêm dịch, đại thực bào nên ở đường hô hấp dưới thường không có vi sinh vật.

Vi sinh vật ở đường tiêu hóa:

Lúc mới sinh ống tiêu hóa vô khuẩn, nhưng vi sinh vật được nhanh chóng đưa vào theo thức ăn.

Ở người trưởng thành: Vi sinh vật ở ống tiêu hóa rất đa dạng và thay đổi.

Ở miệng và thực quản: Ở miệng có sự cân bằng sinh thái giữa các vi khuẩn với nhau. Phần lớn các vi khuẩn sống chung, tuy vậy cũng có một số có khả năng gây bệnh quyết định tình trạng nhiễm khuẩn, ví dụ nhiễm khuẩn tại chỗ tai mũi họng, răng, hoặc đôi khi gây bệnh cho toàn thân do độc tố hoặc vi khuẩn xâm nhập vào máu. Thường thấy ở miệng là các cầu khuẩn Gram (+), cầu khuẩn Gram (-), trực khuẩn Gram (+), các vi khuẩn kỵ khí như Clostridium, các xoắn khuẩn. Ngoài ra còn thấy các vi khuẩn đường ruột, trực khuẩn mũ xanh trong các trường hợp đặc biệt như cơ địa yếu hoặc sử dụng kháng sinh phổ rộng, kéo dài.

Ở dạ dày: Bình thường pH rất thấp (pH=2) nên có rất ít vi sinh vật, đa số là vi sinh vật từ miệng nuốt vào. Vì dạ dày có pH là axit nên chỉ có vi khuẩn lao tồn tại được. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh có một loại xoắn khuẩn là Helicobacter có khả năng phát triển trong môi trường axit của dạ dày đặc biệt là hang vị. Trong giống này có Helicobacter pylori là căn nguyên của viêm loét dạ dày, tá tràng. Trong một số trường hợp như ung thư, lóet dạ dày, tá tràng... thì pH thay đổi nên có thể có tụ cầu và nấm.

Ở ruột:

Ở ruột non: pH kiềm và có enzyme li giải vi sinh vật nên chỉ còn những vi sinh vật sống sót khi đi qua dạ dày. Chỉ có một số ít liên cầu, tụ cầu, các loài thuộc Lactobacilus tại ruột non. Ở người bị lóet dạ dày - tá tràng, viêm ruột, xơ gan thì có thể thấy E.coli ở ruột non .

Ở ruột già: Có rất nhiều vi sinh vật, có 1011 vi sinh vật trong 1 gam chất chứa tạo nên 10 - 20 % khối lượng phân khô. Các vi sinh vật ở ruột già chủ yếu là vi khuẩn kị khí (99%) bao gồm các loài thuộc Bacteroides, Clostridium spp., Lactobacilus..., các vi khuẩn hiếu khí chỉ có 1% gồm E.coli, liên cầu D, tụ cầu, Proteus...

Ở trẻ em: Sau sinh một vài giờ đã có vi sinh vật phát triển. Ở trẻ em nuôi bằng sữa mẹ, vi sinh vật chỉ có một loại hình thể - chủ yếu 99% là Bifidobacterium bifidum, sau đó là E.coli, còn trẻ em nuôi bằng sữa bò thì có những loại vi sinh vật như ở người lớn.

Ở một người thì vi sinh vật ở ruột tương đối ổn định, tuy vậy cũng có thể thay đổi do: Chế độ ăn uống, tuổi: ở người già thì tăng E.coli và các loài Clostridium. Trong một số điều kiện nhất định thì có sự thay đổi lớn đội ngũ vi sinh vật ở ruột như ỉa chảy, táo bón... Sử dụng kháng sinh cũng làm đảo lộn đội ngũ vi sinh vật, nó làm giảm số lượng khuẩn chí bình thường bằng các vi sinh vật kháng thuốc từ ngoài vào.

Vi sinh vật ở đường sinh dục- tiết niệu:

Trong điều kiện bình thường, chỉ ở bên ngoài bộ máy sinh dục mới có vi sinh vật. Ở nam giới thì có Mycobacterium smegmatis, ở lỗ niệu đạo có tụ cầu, trực khuẩn Gram âm. Ở nữ giới lỗ ngoài niệu đạo có tụ cầu, trực khuẩn giả bạch hầu, vi khuẩn đường ruột... Sau sinh thì Lactobacilus (trực khuẩn Doderlin) xuất hiện ở cơ quan sinh dục và tồn tại suốt đời chừng nào pH vẫn còn axit. Lúc pH trở nên trung tính thì có các vi khuẩn khác như các cầu khuẩn và trực khuẩn. Ở tuổi dậy thì, Lactobacilus giảm và lúc bị phá hủy vì điều trị kháng sinh... thì Candida albicans và những vi khuẩn khác có thể phát triển gây nên bệnh.

 

NGUỒN GỐC VÀ CÁC ĐƯỜNG TRUYỀN BỆNH NHIỄM TRÙNG

Nguồn truyền bệnh:

Bao gồm bên ngoài và bên trong cơ thể.

Nguồn gốc bên ngoài:

Môi trường truyền cho người: Một số vi sinh vật gây bệnh ở trong đất có nha bào tồn tại lâu, có thể gây bệnh cho người.

Người truyền cho người: Chiếm đa số, bao gồm người bệnh và người lành mang trùng. Người bệnh từ trước lúc thấy rõ triệu chứng cho đến sau khi khỏi bệnh một thời gian vẫn còn mang vi khuẩn.

Động vật truyền sang cho người: nhiều bệnh truyền nhiễm do động vật truyền sang cho người: bệnh dịch hạch (chuột), bệnh dại (chó)...

Nguồn gốc bên trong:

Có một số vi sinh vật bình thường sống ở da, niêm mạc hay các ổ tự nhiên (khuẩn chí bình thường). Lúc có yếu tố thuận lợi: cơ thể suy yếu, sử dụng kháng sinh... chúng phát triển mạnh mẽ và gây nên bệnh, ví dụ : E.coli từ đại tràng đến đường tiết niệu thì gây bệnh.

Phương thức truyền bệnh:

Truyền bệnh do tiếp xúc

Người khỏe tiếp xúc với người ốm hay động vật ốm qua các hình thức cọ xát, giao hợp, bú, liếm, cắn, qua nhau thai, qua sử dụng đồ đạc, dụng cụ đã nhiễm vi sinh vật hay dụng cụ y tế, thuốc, máu, huyết thanh của người bệnh hay người lành mang trùng nhiễm vi sinh vật.

Truyền bệnh qua ăn uống:

Đa số bệnh đuờng ruột lây truyền do ăn uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn do người bệnh hoặc người lành mang trùng bài tiết ra như tả, lỵ, thương hàn, bại liệt... qua môi giới nước, ruồi nhặng, gián, tay chân bẩn...

Truyền bệnh do côn trùng tiết túc:

Đa số các bệnh nhiễm trùng theo đường máu do côn trùng tiết túc truyền bệnh như muỗi, rận, bọ chét...

Đối tượng truyền bệnh

Đối tượng truyền bệnh là cơ thể cảm nhiễm. Khi có nguồn bệnh và đường lây truyền thích hợp nhưng nếu không có cơ thể cảm nhiễm thì không thể phát sinh bệnh. Do đó cơ thể cảm nhiễm là khâu quan trọng trong quá trình lây truyền của bệnh nhiễm trùng. Cơ thể cảm nhiễm là những đối tượng vì lý do dinh dưỡng, bệnh tật... mà khả năng đề kháng (bao gồm miễn dịch thụ động, miễn dịch không đặc hiệu và cả miễn dịch chủ động đặc hiệu) đều bị suy giảm và như vậy khi gặp vi sinh vật xâm nhiễm thì dễ dàng mắc bệnh nhiễm trùng. Cơ thể cảm nhiễm thường gặp là trẻ em, người già, người mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ có thai...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top