✴️ Bệnh đau đầu mạch máu là gì? Nguy hiểm như thế nào?

1. Tìm hiểu bệnh đau đầu mạch máu là gì?

Bệnh đau đầu mạch máu hay còn gọi là đau đầu vận mạch hoặc bệnh đau nửa đầu Migraine. Đây là chứng đau đầu xuất phát do căn nguyên mạch máu. Sự co thắt của các mạch máu vùng đầu và bên trong sọ não gặp ở những người bị rối loạn nồng độ chất dẫn truyền thần kinh Serotonin. Serotonin sẽ phóng thích rồi sau đó phân hủy đột ngột, khiến mạch máu não co giãn mạch và gây cơn đau đầu dữ dội. Thường hay gặp nhất là co thắt động mạch thái dương, do đó người bệnh thường có triệu chứng đau dữ dội ở vùng thái dương nhiều hơn.

Sự co thắt của động mạch sẽ làm cho một số vùng ở não bộ và các cơ vùng đầu cổ bị thiếu máu tạm thời. Khi các tế bào ở não bộ bị thiếu máu và thiếu oxy nuôi dưỡng sẽ gây ra phản ứng đau.

Theo thống kê, phụ nữ có tỷ lệ mắc đau đầu mạch máu nhiều hơn nam giới (tỷ lệ 3 nữ/1 nam). Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi những thường gặp ở những người dưới 45 tuổi, hiếm gặp hơn ở người cao tuổi và trẻ em.

Đau đầu mạch máu là chứng đau đầu xuất phát do căn nguyên mạch máu

2. Nguyên nhân gây bệnh đau đầu mạch máu

Có rất nhiều yếu tố gây đau đầu mạch máu. Hiện nay chưa thể xác định chính xác được nguyên nhân chính làm xuất hiện các cơn đau đầu mạch máu là gì. Tuy nhiên, sau đây là một số nguyên yếu tố có thể làm xuất hiện cơn đau đầu vận mạch như:

– Căng thẳng, stress: những áp lực trong công việc, cuộc sống hàng ngày là yếu tố chủ yếu tác động, làm xuất hiện các cơn đau đầu vận mạch.

– Người bị rối loạn giấc ngủ, thay đổi đồng hồ sinh học hoặc vận động thể lực quá mạnh cũng có thể làm xuất hiện cơn đau đầu dữ dội

– Thay đổi nội tiết tố: sự mất cân bằng (rối loạn) nội tiết tố ở phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh, mãn kinh có thể tác động đến hệ thống thần kinh làm xuất hiện cơn đau đầu vận mạch. Đặc biệt, tác dụng phụ do việc sử dụng một số loại thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng tần suất cơn đau đầu.

– Ăn nhiều chocolate, thực phẩm ăn nhanh có chứa các hóa chất, sử dụng các chất kích thích như cafe, rượu, bia, hút thuốc lá,,… tăng khả năng mắc bệnh đau đầu mạch máu.

– Các bệnh lý về thần kinh – tâm thần như: các bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, dị dạng mạch máu não,… làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau đầu mạch máu.

 

3. Triệu chứng và mối nguy hiểm do bệnh đau đầu mạch máu gây ra

3.1 Triệu chứng của bệnh đau đầu mạch máu là gì?

Người bị đau đầu mạch máu có biểu hiện: đau đầu kèm nhức mắt cùng bên tổn thương, đau một bên hoặc hai bên đầu theo nhịp mạch đập. Cơn đau thường dữ dội ở vùng thái dương hoặc vùng trước trán. Đau kèm theo chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, đau giật thon thót theo nhịp đập của mạch và đau tăng lên khi vận động,…

Cơn đau thường diễn ra trong khoảng 20-60 phút, nhưng cũng có thể kéo dài khoảng 4 giờ – 72 giờ. Bệnh thường tái đi tái lại nếu người bệnh không được chẩn đoán và có biện pháp điều trị hiệu quả.

Cơn đau đầu mạch máu thường dữ dội, diễn ra trong khoảng 20-60 phút, nhưng cũng có thể kéo dài từ 4 giờ – 72 giờ và có thể tái đi tái lại nếu không được điều trị hiệu quả.

3.2 Mối nguy hiểm do đau đầu mạch máu gây ra

Nhiều người chủ quan trước cơn đau đầu vận mạch, không đi thăm khám nên phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm nặng nề như: trầm cảm, suy nhược cơ thể, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, đột quỵ,…

Các cơn đau đầu tái đi tái lại khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, giảm năng suất lao động, người bệnh dễ cáu gắt, chán nản, suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, đối với những người đang gặp các vấn đề về dạ dày như viêm – loét dạ dày thì khi cơn đau đầu tái phát sẽ khiến các cơn đau dạ dày nặng hơn. Việc lạm dụng các loại thuốc an thần, thuốc giảm đau có thể gây tác dụng phụ, làm ảnh hưởng tới dạ dày, chức năng gan, thận của bạn.

Do đó, khi có biểu hiện đau đầu vận mạch bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được kiểm tra, chẩn đoán đúng, loại trừ các bệnh lý khác có liên quan.

Đau đầu mạch máu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: trầm cảm, suy nhược cơ thể, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, đột quỵ,…

 

4. Bệnh đau đầu mạch máu điều trị như thế nào?

Hiện nay với các máy móc, trang thiết bị hiện đại như chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính đa dãy, đo lưu huyết não,… quá trình chẩn đoán bệnh đau đầu mạch máu trở nên nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều. Đó cũng là căn cứ để các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

4.1 Điều trị bằng thuốc

Điều trị đau đầu mạch máu chủ yếu là điều trị nội khoa, bao gồm thuốc cắt cơn đau và thuốc dự phòng tái phát.

Một số thuốc sử dụng để giảm đau đầu như paracetamol, thuốc kháng viêm, thuốc nhóm triptan,… Việc sử dụng các loại thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ. Bạn tuyệt đối không nên tự ý sử dụng để tránh gây tình trạng nhờn thuốc hoặc các tác dụng phụ không mong muốn. Tốt nhất bạn nên đi khám hoặc liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn đơn thuốc chuẩn nhất.

4.2 Các biện pháp cải thiện bệnh đau đầu mạch máu là gì?

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, để giúp cải thiện tình trạng đau đầu mạch máu bạn cần lưu ý một số điều sau:

– Tăng cường ăn các loại rau xanh, trái cây, các loại vi chất như kẽm, sắt, magie, vitamin K, B6,… trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

– Tập thể dục, thể thao hàng ngày

– Hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu, …

– Tránh lo lắng, căng thẳng, thức khuya,…

Những biện pháp này chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thay thế được các biện pháp điều trị y khoa. Khi thăm khám các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh và sức khỏe của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất và những tư vấn hữu ích giúp cải thiện bệnh đau đầu mạch máu một cách hiệu quả.

Hi vọng những thông tin trên, phần nào đã giúp bạn hiểu về bệnh đau đầu mạch máu, nguyên nhân, biểu hiện, mức độ nguy hiểm và cách điều trị. Đừng chần chừ, hãy chủ động thăm khám với bác sĩ ngay khi có triệu chứng nghi ngờ là cách tốt nhất để tiêu diệt bệnh từ mầm mống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top