✴️ Bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ

Nội dung

Bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ là gì?

Bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ là bệnh gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh vận động của cơ thể. Các dây thần kinh này có chức năng điều khiển các cơ trên cơ thể. Bệnh lý này khiến cho việc gửi truyền các tín hiệu điện điều khiển cơ thể gặp khó khăn, khiến cho bàn tay, cánh tay trở nên yếu đi. Bệnh cũng gây ra các tình trạng như co giật và chuột rút.

Bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ không gây đe dọa đến mạng sống, và trong hầu hết các trường hợp thì việc điều trị có thể giúp cho cơ trở nên khỏe mạnh hơn. Bệnh có thể tiến triển xấu đi dần dần và sau một thời gian thì việc thực hiện các công việc hàng ngày như đánh chữ hay mặc quần áo cũng sẽ trở nên khó khăn. Nhưng đối với nhiều người thì các triệu chứng có thể rất nhẹ đến mức họ không cần phải điều trị. Bệnh nhân có thể vẫn sẽ tiếp tục làm việc và vận động bình thường nhiều năm sau khi được chẩn đoán bệnh.

Hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh nằm ở độ tuổi 40 và 50, mặc dù vậy, người trưởng thành từ 20 đến 80 tuổi cũng có thể gặp bệnh.

 

Nguyên nhân gây bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ là gì?

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh. Nhưng các nhà khoa học cũng biết được một điều chắc chắn rằng đây là một bệnh tự miễn, nghĩa là chính hệ miễn dịch của cơ thể đã nhầm lẫn tấn công các tế bào thần kinh như thể những tế bào này là tế bào lạ xâm nhập vào cơ thể. Các chuyên gia hiện đang nghiên cứu bệnh này để cố gắng tìm ra được nguyên nhân của nó.

 

Triệu chứng

Nếu như mắc phải bệnh, những triệu chứng đầu tiên có thể xuất hiện ở bàn tay và vùng cẳng tay. Các cơ sẽ trở nên yếu đi và bị co giật một cách không kiểm soát được. Triệu chứng có thể bắt đầu tại một số vị trí nhất định trên cánh tay hay bàn tay, ví dụ như cổ tay hay ngón tay. Thường thì các triệu chứng sẽ nặng hơn ở một bên cơ thể so với bên còn lại. Bệnh cuối cùng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến phần chân.

Bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ không gây đau, và bệnh nhân sẽ vẫn còn cảm giác ở vùng bàn tay và cánh tay do dây thần kinh cảm giác không bị ảnh hưởng. Nhưng các triệu chứng sẽ dần dần trở nên tệ đi khi lão hóa.

 

Chẩn đoán

Các bác sĩ thường nhầm lẫn bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ với bệnh teo cơ xơ cứng cột bên (ALS), còn được biết đến với tên bệnh Lou Gehrig. Cả hai bệnh đều có những triệu chứng giống nhau, ví dụ như co giật. Nhưng không giống như bệnh teo cơ xơ cứng cột bên, bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ có thể chữa được.

Khi đi khám thần kinh học thì các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và sẽ đưa ra các câu hỏi về những triệu chứng như:

  • Cơ ở đâu đang gây ra vấn đề?
  • Triệu chứng xảy ra ở bên nào nặng hơn?
  • Triệu chứng đã xảy ra bao lâu rồi?
  • Có bị tê hay cảm giác châm kim ở đâu không?
  • Có gì làm cho triệu chứng trở nên tốt hơn không? Điều gì làm triệu chứng trở nên tệ hơn?

Các xét nghiệm kiểm tra hệ thần kinh và máu sẽ được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng:

  • Kiểm tra độ dẫn truyền thần kinh (NCS). Kỹ thuật này sẽ đo lường tốc độ dẫn truyền giữa các sợi thần kinh. Hai cảm biến sẽ được đặt lên da của bệnh nhân nằm trên các dây thần kinh: một để phát ra một tín hiệu điện nhỏ và cảm biến còn lại sẽ thu lại hoạt động đó. Kỹ thuật này sẽ được lặp lại tại các dây thần kinh khác nếu như có nghi ngờ rằng nhiều dây thần kinh có vấn đề.
  • Đo điện cơ (EMG). Các điện cực sẽ được đặt lên trên cánh tay của bệnh nhân. Các điện cực có gắn những chiếc kim nhỏ sẽ được cắm vào trong cơ, các điện cực này được nối với một máy qua dây dẫn để có thể đo lường được hoạt động điện bên trong cơ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu duỗi và thả lỏng tay ra dần dần để máy có thể ghi lại. Kỹ thuật này có thể được thực hiện cùng lúc với NCS.
  • Xét nghiệm máu để tìm kháng thể GM1 - một phần của hệ miễn dịch. Một số bệnh nhân bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ  sẽ có nồng độ GM1 cao. Mặc dù vậy thì vẫn có thể mắc bệnh khi nồng độ GM1 không cao. 

 

Nên hỏi gì khi gặp bác sĩ?

  • Bệnh bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ sẽ gây ảnh hưởng đến tôi như thế nào?
  • Tôi có cần phải điều trị không?
  • Có những biện pháp điều trị gì?
  • Các biện pháp điều trị đó sẽ gây ảnh hưởng đến tôi như thế nào?
  • Tôi có thể tiếp tục làm việc không?
  • Nếu như điều trị không có hiệu quả thì phải làm gì?
  • Có nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nào tôi có thể tham gia không?
  • Tôi sẽ không thực hiện được những hoạt động nào?

 

Điều trị

Nếu như có triệu chứng rất nhẹ thì có thể sẽ không cần phải điều trị. Nếu như cần điều trị thì các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc immunoglobulin tĩnh mạch. Bệnh nhân sẽ được truyền thuốc thẳng vào đường tĩnh mạch thông qua kim truyền. Thường thì thuốc sẽ được truyền tại cơ sở y tế nhưng cũng có thể được thực hiện tại nhà nếu có đủ điều kiện.

Nếu biện pháp trên có hiệu quả thì bệnh nhân sẽ cảm nhận được sự cải thiện trong sức cơ trong vòng 3 đến 6 tuần. Hiệu quả sẽ mất dần theo thời gian, do đó bệnh nhân cần tiếp tục thực hiện điều trị. Thường thì các bệnh nhân sẽ truyền thuốc mỗi tháng một lần, nhưng cũng có thể ít hoặc nhiều hơn tùy vào tình trạng.

Truyền dịch trên để điều trị thường không có nhiều tác dụng phụ nhưng chi phí rất đắt.

Các bác sĩ đang thử nghiệm các cho dịch vào thẳng qua da thông qua đường tiêm thông thường, nhưng cách này không phù hợp cho mọi người.

Nếu như truyền dịch như trên không hiệu quả thì một thuốc khác có thể được sử dụng - cyclophosphamide (Cytoxan), thuốc này còn được sử dụng để điều trị một số loại ung thư. Thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách làm giảm đi hoạt động của hệ miễn dịch. Không giống như immunoglobulin, cyclophosphamide có thể có các tác dụng phụ xấu, do đó các bác sĩ thường tránh sử dụng nó.

Chăm sóc bản thân

Nếu như điều trị bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ sớm, bệnh nhân có khả năng có ít triệu chứng hay các vấn đề mạn tính hơn. Tuân thủ điều trị, và nên thông báo cho bác sĩ khi có bất cứ thay đổi nào về cảm giác.

Nếu như gặp khó khăn trong việc thực hiện một số hoạt động thì nên tìm đến các chuyên gia vật lý trị liệu hay nghề nghiệp trị liệu. Họ có thể giúp trong việc giữ được sức mạnh của cơ và hướng dẫn cách thực hiện các hoạt động thường ngày một cách dễ dàng hơn nếu như cơ có vấn đề.

Tiên lượng

Nhiều bệnh nhân bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ có thể tiếp tục thực hiện hầu hết hoặc ít nhất là một số các hoạt động bình thường. Bệnh có thể diễn tiến xấu hơn trong một số trường hợp và làm cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Tùy vào cơ bị ảnh hưởng mà bệnh nhân sẽ gặp những khó khăn khác nhau. Nếu như cơ ở bàn tay bị yếu thì bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống, đánh chữ, viết hoặc gài nút áo. Nếu như cơ ở chân bị ảnh hưởng thì sẽ gây khó khăn trong việc đi lại. Một số bệnh nhân bị bệnh lý dây thần kinh vận động đa ổ  nặng thì sẽ gặp vấn đề ở tất cả các vị trí trên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top