✴️ Bệnh Parkinson giai đoạn đầu có biểu hiện gì?

Nội dung

Mặc dù là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi nhưng bệnh Parkinson giai đoạn đầu thường có các triệu chứng không rõ ràng. Chính vì vậy, nhiều người chủ quan bỏ qua khiến bệnh tiến triển ngày càng nặng. Cùng chúng tôi tìm hiểu một số dấu hiệu của bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu để sớm có biện pháp can thiệp và điều trị hiệu quả.

 

1. Bệnh Parkinson giai đoạn đầu và biểu hiện theo từng giai đoạn

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh học, bệnh Parkinson hay còn gọi là bệnh run tay chân hoặc bệnh liệt rung, trải qua 5 giai đoạn tiến triển. Trong đó, giai đoạn đầu người bệnh Parkinson thường không có các triệu chứng thường rõ ràng, hoặc các triệu chứng nhẹ và chưa ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày nên thường bị nhiều người chủ quan, bỏ qua.

Sau đây là 5 giai đoạn tiến triển của bệnh Parkinson như sau:

1.1 Giai đoạn 1: Run xuất hiện ở một bên cơ thể

Đây là mức độ nhẹ nhất. Bệnh nhân xuất hiện những cơn run đều, nhẹ và chưa ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Thậm chí có người bệnh còn không biết mình mắc bệnh, chỉ nghĩ biểu hiện run tay chân nhẹ là do các vận động quá sức hàng ngày hoặc do một số vấn đề nào đó về cơ nên chủ quan, bỏ qua. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng họ mới đến viện thì phát hiện mình bị Parkinson đã được nhiều năm rồi.

Bệnh parkinson ban đầu có dấu hiệu mờ nhạt: run rất nhẹ, thỉnh thoảng có thể hơi cứng cổ tay, khó cầm nắm nên nhiều người bệnh thường chủ quan bỏ qua.

1.2 Giai đoạn 2: Run cả hai bên của cơ thể

Nếu như ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện run nhẹ, có thể thỉnh thoảng có co cứng cơ, nhưng các biểu hiện còn mờ nhạt thì đến giai đoạn tiếp theo – giai đoạn thứ 2, các dấu hiệu run, lắc rõ hơn. Dáng đi của người bệnh Parkinson cũng thay đổi do cứng cơ, khó cử động. Nét mặt bắt đầu có giảm sự biểu cảm (mặt đơ ít thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt). Sự tiến triển từ bệnh Parkinson từ giai đoạn đầu đến giai đoạn thứ 2 có thể mất vài tháng tới nhiều năm, tùy thuộc vào từng cá thể (người bệnh).

1.3 Giai đoạn 3: Giảm phản xạ, khó giữ thăng bằng

Ở giai đoạn này người bệnh bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và trong công việc. Người bệnh Parkinson ở giai đoạn thứ 3 dễ té ngã, khó khăn khi thực hiện công việc hàng ngày. Nếu được phát hiện và điều trị, việc sử dụng thuốc theo chỉ định kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sẽ giúp người bệnh cải thiện triệu chứng.

1.4 Giai đoạn 4: Người bệnh có thể tự đứng và đi được một đoạn ngắn

Trái với người giai đoạn đầu, ở giai đoạn 4 bệnh nhân Parkinson gặp nhiều khó khăn và cần phải có sự hỗ trợ, chăm sóc từ phía người thân trong gia đình. Do các chức năng vận động bị ảnh hưởng nặng nề, người bệnh không thể thực hiện được các hoạt động sinh hoạt, công việc hàng ngày do cứng cơ, vận động chậm chạp nên luôn cần sự hỗ trợ từ phía người thân. Ở giai đoạn này, người bệnh Parkinson có thể tự đi đứng và đi được một đoạn ngắn.

Bệnh càng tiến triển người bệnh càng mất dần khả năng cử động, phải phụ thuộc vào người chăm sóc.

1.5 Giai đoạn 5: Không thể tự đi lại

Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh Parkinson. Do các cơ bắp cứng đờ, run tay chân nhiều, khả năng vận động bị suy giảm, người bệnh Parkinson phụ thuộc hoàn toàn vào việc chăm sóc của người thân. Họ không thể tự đi lại, họ cần đến xe lăn hoặc nằm liệt giường. Thuốc hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson ở giai đoạn này cũng ít có tác dụng với người bệnh.

 

2. Bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu có điều trị được không, điều trị thế nào?

2.1 Bệnh Parkinson giai đoạn đầu có điều trị được không?

Hiện nay y học chưa có biện pháp nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn được bệnh Parkinson. Nhưng đã có một số thuốc điều trị có thể làm giảm triệu chứng của bệnh. Các chuyên gia thần kinh học khuyên người bệnh nên phối hợp dùng thuốc với các biện pháp khác như vật lý trị liệu, tập thể dục, chế độ ăn hợp lý.

2.2 Điều trị bệnh Parkinson giai đoạn đầu như thế nào?

Hiện nay điều trị Parkinson phương pháp chính vẫn là điều trị nội khoa. Sử dụng các loại thuốc thuộc một số nhóm chính như: các thuốc chứa Levodopa, thuốc đồng vận Dopamin, thuốc ức chế men chuyển Cate-chol-methyl COMT, thuốc ức chế men oxy hóa monoamine,… Ngoài ra, một số phương pháp tác động vào bên trong não cũng đem lại hiệu quả trong việc điều trị căn bệnh này.

Người bệnh parkinson nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được kiểm tra và có hướng tư vấn điều trị thích hợp.

Cần lưu ý rằng, bệnh Parkinson có biểu hiện ở mỗi người là khác nhau. Chính vì vậy, không có cách dùng thuốc hay phương pháp điều trị chung cho các bệnh nhân. Việc thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị đối với từng người bệnh là điều vô cùng cần thiết.

Hi vọng những kiến thức về bệnh Parkinson, các biểu hiện của bệnh Parkinson giai đoạn đầu và biểu hiện của bệnh theo từng giai đoạn sẽ giúp người bệnh và người nhà bệnh nhân sớm phát hiện và đưa người bệnh đi thăm khám kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top