✴️ Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi ngày càng tăng

Nội dung

Việt Nam đang là một trong các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh hàng đầu thế giới. Kéo theo đó là sự gia tăng các bệnh lý đi kèm tuổi già như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lý thần kinh điển hình là bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, các bệnh lý nói chung và sa sút trí tuệ nói riêng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh, tạo sức ép cho gia đình và gánh nặng an sinh xã hội.

 

1. Hiểu đúng về bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

1.2 Các loại sa sút trí tuệ

Nhiều người khi nói đến sa sút trí tuệ ở người cao tuổi thường nghĩ ngay đến bệnh mất trí nhớ hay suy giảm trí nhớ Alzheimer. Vì đây là một dạng bệnh lý điển hình chiếm hơn 50% các trường hợp người bệnh bị sa sút trí tuệ.

Ngoài Alzheimer, sa sút trí tuệ ở người cao tuổi còn gồm nhiều dạng khác như: sa sút trí tuệ thể Lewy, sa sút trí tuệ do mạch máu, sa sút trí tuệ trán – thái dương,…

Hình ảnh sa sút trí tuệ mạch máu ở người cao tuổi

 

1.2 Sa sút trí tuệ có phải suy giảm trí nhớ thông thường?

Sa sút trí tuệ không phải đơn thuần chỉ là quá trình lão hóa não bộ thông thường do tuổi tác. Rất nhiều người nhầm lẫn bệnh sa sút trí tuệ với chứng suy giảm trí nhớ thông thường ở người cao tuổi nên cho rằng: “già rồi thì nhớ nhớ quên quên là chuyện bình thường”.

Tuy nhiên, các biểu hiện như giảm chú ý, kém tập trung, khó ghi nhớ, hay quên,… có thể là hậu quả của quá trình lão hóa não hoặc gây ra bởi sự suy giảm hoạt tính các chất dẫn truyền thần kinh nhưng không liên quan đến một bệnh thần kinh mà thường do sinh lý của não thì mới được coi là chứng suy giảm trí nhớ thông thường. Còn sa sút trí tuệ là tình trạng suy thoái mắc phải di dẳng, có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra và ảnh hưởng tới nhiều chức năng trong đó điển hình là chức năng: ngôn ngữ, trí nhớ, thị giác – không gian, điều hành và cảm xúc.

Sa sút trí tuệ có thể tiến triển sau khi người bệnh bị suy giảm nhận thức nhẹ, chấn thương sọ não, sau nhiễm khuẩn hoặc một số hội chứng đột quỵ não,…

Không nên chủ quan trước tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi, cần nhận biết sớm các biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ để người bệnh được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

2. Vì sao ngày càng nhiều người cao tuổi bị sa sút trí tuệ?

Tuổi già làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính và nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lý thần kinh trong đó điển hình là sa sút trí tuệ (Alzheimer). Theo thống kê năm 2015, trên thế giới có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ (chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi) và con số này còn tiếp tục gia tăng theo từng năm. Ước tính cứ ba giây trên thế giới lại có một người mắc sa sút trí tuệ. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh hàng đầu thế giới, khéo theo tỷ lệ người cao tuổi bị sa sút trí tuệ tại Việt Nam cũng tăng nhanh.

Tuổi già làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính, trong đó có sa sút trí tuệ (Alzheimer)

 

Sa sút trí tuệ hiện nay chưa có thuốc hay biện pháp nào để điều trị khỏi bệnh, các biện pháp điều trị hiện nay nhằm mục đích giảm bớt các triệu chứng bệnh, giảm chậm quá trình tiến triển của bệnh để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và đồng thời làm giảm (hạn chế) các biến chứng nguy hiểm do bệnh sa sút trí tuệ gây ra. Chính vì vậy cần có kế hoạch kiểm tra, phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc người cao tuổi là việc làm cần thiết, càng thực hiện sớm càng tốt.

 

3. Phát hiện bệnh sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi bằng cách nào?

3.1 Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Người bệnh sa sút trí tuệ thường có các dấu hiệu nhận biết sớm như:

– Giảm trí nhớ, ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày

– Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề

– Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc

– Hay nhầm lẫn về thời gian và không gian

– Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian

–  Đặt nhầm đồ vật và không nhớ vị trí các đồ vật đã để

–  Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định

– Gặp các vấn đề khi viết, đọc như chữ viết run và nhỏ, đọc chậm và ngọng,…

– Xa lánh mọi người, thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội

–  Thay đổi cảm xúc và nhân cách

3.2 Cần làm gì khi có biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi?

Bạn hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh học để được thăm khám và điều trị với các chuyên gia.

Việc phát hiện sớm bệnh sa sút trí tuệ, chẩn đoán đúng và có phác đồ điều trị phù hợp sẽ giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình sa sút trí tuệ cho người cao tuổi. Sa sút trí tuệ có thể khởi phát khi còn trẻ (thường do yếu tố di truyền thường khởi phát sớm), song chủ yếu là ở tuổi già. Nếu như ở lứa tuổi 60 chỉ có khoảng 5% số người bị sa sút trí tuệ, thì đến mức 80 tuổi có tới khoảng 1/3 số người già mắc hội chứng này. Do đó người cao tuổi nên đi thăm khám sức khỏe thường xuyên, không chủ quan khi có các biểu hiện khác thường.

Để phòng ngừa và làm chậm quá trình sa sút trí tuệ, người lớn tuổi cần hoạt động trí não thường xuyên như đọc báo giấy, đọc sách, tham gia các buổi sinh hoạt… nên luyện tập thể dục đều đặn và nhẹ nhàng. Khi dùng các loại thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top