1. Đau cột sống cổ do những nguyên nhân nào?
1.1 Viêm tủy sống
Do một vài nguyên nhân như sự tấn công của virus, vi khuẩn, va chạm do chấn thương gây chèn ép tủy sống vùng cổ, dẫn đến viêm các dây thần kinh vùng cột sống cổ và khiến cột sống cổ đau, nhức.
Tủy sống nằm bên trong ống sống và có tác dụng chi phối đến nhiều dây thần kinh trong cơ thể. Tủy sống có thể bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, chấn thương tủy sống hoặc do bệnh lý tủy sống hoặc bệnh lý thần kinh cột sống nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
1.2 Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây đau cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ khiến vòng xơ đĩa đệm cột sống cổ bị đứt, rách điều này làm chất nhầy thoát ra ngoài và chèn ép dây thần kinh, tủy sống khiến người bệnh đau nhức vùng cột sống cổ.
Nếu được phát hiện sớm, khối thoát vị sẽ mau chóng được kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ chèn ép dây thần kinh và tủy sống khiến cơn đau giảm dần và người bệnh đỡ khó chịu hơn.
Nhưng nếu không điều trị, lâu ngày khối thoát vị sẽ càng nặng hơn gây chèn ép các khu vực xung quanh khiến tình trạng đau nhức của người bệnh tăng lên và lâu dẫn dẫn đến thoái hóa cột sống cổ, thiếu máu lên não, khó cử động vùng cổ.
1.3 Thoái hóa cột sống cổ
Tuổi tác, hoạt động sai tư thế trong thời gian dài, thoát vị đĩa đệm,… là những nguyên nhân chính khiến cột sống cổ của bạn dễ bị thoái hóa. Khi bị thoái hóa cột sống cổ, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức mỏi kéo dài, cảm giác cứng cổ và khó cử động vùng cổ khi xoay người, cúi hay ngửa.
Thoái hóa đốt sống cổ có thể sốt nhẹ hoặc không.
1.4 Gai đốt sống cổ gây đau cột sống cổ
Các gai xương được hình thành ở vùng cột sống cổ (gai quanh vùng đĩa đệm thoát vị, ở mặt trước, mặt bên của vùng cột sống cổ) khi còn nhỏ thường không gây đau cho đến khi chúng ngày càng lớn lên, làm hẹp ống tủy và các lỗ tiếp hợp ở cột sống, chèn ép rễ thần kinh, gây ảnh hưởng tới cấu trúc cơ và gây cơn đau dữ dội vùng cổ.
Nguyên nhân gây gai cột sống có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: thoái hóa cột sống cổ, viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống đĩa đệm do nhiễm khuẩn hoặc lao cột sống, chấn thương cột sống, vận động sai tư thế, yếu tố di truyền, thừa cân – béo phì, …
1.5 Sai tư thế
Ngồi máy tính trong thời gian quá lâu, ngồi không đúng cách, ngửa cổ hoặc cúi cổ không đúng cách, ngủ ngồi, vặn cổ sai cách,… đều là những động tác sai tư thế có thể ảnh hưởng tới vùng cột sống cổ gây đau cột sống cổ, lâu dài có thể gây thoát vị hoặc thoái hóa cột sống cổ.
Nếu phát hiện sớm các yếu tố trên gây ảnh hưởng tới vùng cột sống cổ thì nên có biện pháp điều chỉnh ngay để vùng cột sống cổ sớm được ổn định trở lại, ngăn ngừa biến chứng xảy ra tại vùng cột sống cổ.
1.6 Chấn thương cột sống cổ
Té ngã làm va đập cột sống cổ hoặc mang vác đồ vật quá nặng,… khiến vùng cột sống cổ bị tổn thương gây đau nhức. Tùy thuộc vào mức độ chấn thương tại vùng cột sống cổ mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định dùng thuốc sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tập luyện những bài tập thể dục nhẹ nhàng để vùng cổ được thư giãn như massage vùng cổ, tập yoga,… sẽ giúp hỗ trợ cải thiện chứng đau nhức tại vùng cột sống cổ.
2. Chẩn đoán và điều trị đau cột sống cổ
2.1 Chẩn đoán
Khám ban đầu (khám lâm sàng) với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hoặc bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để đánh giá ban đầu xem có phải tình trạng tổn thương cột sống cổ không, mức độ nặng hay nhẹ, loại trừ một số bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
Khám cận lâm sàng: từ khám lâm sàng bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần thực hiện xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết để đánh giá tình trạng tổn thương, mức độ tổn thương, từ đó tìm ra nguyên nhân và lên phác đồ điều trị hiệu quả.
Một số kỹ thuật cận lâm sàng thường được chỉ định trong trường hợp người bệnh đau cột sống cổ là: xét nghiệm, chụp x quang cột sống cổ, chụp cộng hưởng từ vùng cột sống cổ, chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ,…
2.2 Điều trị đau cột sống cổ
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau cột sống cổ, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đa số là điều trị nội khoa (sử dụng thuốc). Trong trường hợp do thoát vị đĩa đệm gây chèn ép tủy sống và dây thần kinh tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ cân nhắc có cần thiết phải phẫu thuật lấy khối thoát vị, giải phóng sự chèn ép hay không.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật, thì chế độ tập luyện giúp phục hồi chức năng cột sống cổ là điều rất cần thiết với người bị đau cột sống cổ. Tập thể dục giúp vùng cột sống cổ mềm, linh hoạt hơn, giảm đau, giúp người bệnh dịu nhẹ cơn đau và dễ dàng hơn khi cử động vùng cổ.
Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng giúp hồi phục sức khỏe người bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh