✴️ Các nguyên nhân gây đau đầu mãn tính bạn cần biết

1. Khái niệm đau đầu mạn tính

Đau đầu mạn tính được định nghĩa là tình trạng đau đầu kéo dài trên 3 tháng, với tần suất xuất hiện ít nhất 15 ngày mỗi tháng. Tình trạng này có thể khởi phát từ một đợt đau đầu cấp tính và tiến triển kéo dài, tái phát thường xuyên. Đau đầu mạn tính không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người bệnh mà còn có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm và thay đổi nhân cách, từ đó tác động tiêu cực đến hiệu suất lao động và sinh hoạt xã hội.

đau đầu mạn tính là gì

Đau đầu mãn tính thường kéo dài trên 3 tháng, tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lương cuộc sống của người bệnh

2. Nguyên nhân phổ biến của đau đầu mạn tính

Đau đầu mạn tính có thể xuất phát từ nhiều cơ chế bệnh sinh khác nhau. Các nguyên nhân thường gặp được phân loại thành ba nhóm chính như sau:

2.1. Đau đầu không do viêm

Đây là nhóm nguyên nhân thường gặp ở người cao tuổi, song hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân thường do rối loạn chức năng cơ – xương – khớp như co cơ vùng cổ, vai, gáy do sai tư thế, căng thẳng kéo dài hoặc lao động quá mức.

2.2. Đau đầu do nguyên nhân viêm

Tình trạng viêm tại các cơ quan hoặc mô trong cơ thể có thể dẫn đến đau đầu mạn tính, bao gồm:

  • Đau sau phẫu thuật.

  • Viêm khớp hoặc bệnh lý thoái hóa.

  • Chấn thương vùng đầu cổ.

  • Bệnh gout hoặc các bệnh lý viêm hệ thống khác.

2.3. Đau đầu do tổn thương thần kinh hoặc bệnh lý thần kinh

  • Đau sau đột quỵ: Tổn thương mạch máu não làm giảm oxy cung cấp cho tế bào thần kinh, gây ra cơn đau dai dẳng.

  • Đau sau phẫu thuật thần kinh: Liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (não, tủy sống) hoặc ngoại biên (dây thần kinh ngoại vi).

  • Đau đầu do u não: Cơn đau thường xuất hiện sớm trong diễn tiến bệnh, có xu hướng nặng dần theo thời gian và đi kèm các biểu hiện thần kinh khu trú.

  • Đau nửa đầu (migraine): Bao gồm dạng có hoặc không có dấu hiệu báo trước, đi kèm buồn nôn, sợ ánh sáng hoặc tiếng động.

  • Đau đầu do yếu tố tâm lý: Gặp nhiều ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là nữ giới, liên quan đến lo âu, stress, tình trạng tâm lý kéo dài.

Nguyên nhân phổ biến gây đau đầu mạn tính

Đau nửa đầu là nguyên nhân phổ biến gây đau đầu mạn tính, xuất hiện ở mọi lứa tuổi và có xu hướng trẻ hóa

3. Biện pháp phòng ngừa đau đầu mạn tính

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị y khoa, người bệnh có thể chủ động áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhằm cải thiện tình trạng đau đầu:

  • Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh: Ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục đều đặn tối thiểu 30 phút mỗi ngày để cải thiện tuần hoàn máu và giảm căng thẳng.

  • Ăn uống hợp lý: Tăng cường rau xanh, trái cây, hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa, muối và chất bảo quản.

  • Mát xa trị liệu: Hỗ trợ thư giãn cơ vùng cổ, vai gáy, cải thiện lưu thông máu và giảm đau.

  • Sử dụng thảo dược: Một số loại trà thảo dược (như trà gừng, trà hoa cúc) có thể giúp giảm đau đầu. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng.

phòng ngừa đau đầu mãn tính

Thay đổi lối sống lành mạnh là phương pháp hiệu quả giúp giảm chứng đau đầu và ngăn ngừa đau đầu mạn tính

4. Khuyến cáo chuyên môn

Đau đầu mạn tính là một vấn đề sức khỏe cần được lưu tâm đúng mức. Việc trì hoãn thăm khám hoặc tự điều trị không đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống lâu dài. Do đó, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh ngay khi có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top