✴️ Các triệu chứng bệnh đột quỵ nào cảnh báo nguy hiểm?

1. F.A.S.T – Quy tắc phát hiện đột quỵ cơ bản 

Bệnh đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng não bị ngừng cung cấp máu một cách đột ngột, dẫn đến suy yếu hoặc chết các tế bào não. Tình trạng này có thể gây ra những bất thường trên cơ thể như liệt mặt, rối loạn ngôn ngữ, vận động,…và nhiều triệu chứng khác ở bệnh nhân bị đột quỵ.

F.A.S.T là một quy tắc cơ bản giúp xác định một người có bị đột quỵ hay không, bao gồm các dấu hiệu sau:

– F (face): Biểu hiện khuôn mặt bị mất cân đối, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó do yếu liệt. Để quan sát kỹ hơn, bạn có thể yêu cầu bệnh nhân cười. Nếu nụ cười lõm vào, có tình trạng biến dạng như méo, lệch về một bên thì rất có thể bệnh nhân đã bị đột quỵ.

– A (arm): Bệnh nhân cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, thậm chí yếu liệt một bên cơ thể. Lúc này, nếu được yêu cầu giơ tay lên, bệnh nhân có thể không đưa được hai tay qua đầu hoặc nhanh chóng buông thõng. 

– S (speech): Biểu hiện đặc trưng là giọng nói bị thay đổi, bệnh nhân nói ngọng, dính chữ. Khi được yêu cầu nói những câu đơn giản, bệnh nhân thường không thể nhắc lại hoặc nói khó nghe, nói lắp,…

– T (time): Thời gian với những bệnh nhân đột quỵ là “vàng”. Càng cấp cứu sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao và ngược lại bệnh nhân sẽ dễ tử vong và đối mặt với những di chứng nặng nề sau này. 

Méo, lệch mặt là một trong những triệu chứng điển hình của người bị đột quỵ

 

2. B.E.F.A.S.T – Triệu chứng bệnh đột quỵ nâng cao

Mới đây, trên thế giới vừa đưa ra phiên bản mới về nguyên tắc nhận biết đột quỵ não –  BEFAST. Theo đó bổ sung thêm 2 triệu chứng so với FAST gồm:

– B (balance): Mô tả tình trạng bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, đồng thời chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.

– E (eyesight): Bệnh nhân bị giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 bên mắt, cảm thấy mờ mắt, nhìn nhòe,…

Khi một người có 2-3 triệu chứng trên thì khả năng cao họ đã bị đột quỵ. Lúc này hãy gọi ngay cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. 

 

3. Các triệu chứng đột quỵ khác

Bên cạnh những triệu chứng điển hình, bệnh nhân đột quỵ còn có thể có một số biểu hiện ít gặp hơn như:

3.1 Dáng đi bất thường – Triệu chứng bệnh đột quỵ do rối loạn chức năng vận động

Người bệnh khi bị đột quỵ có thể đi lại khó khăn do lượng máu cung cấp cho não bị gián đoạn khiến não không thể thực hiện tốt vai trò điều khiển việc di chuyển, vận động của cơ thể. 

3.2 Nấc cụt – Triệu chứng bệnh đột quỵ dễ chủ quan

Những người bị đột quy, đặc biệt là phụ nữ, thường có biểu hiện nấc cụt trước khi cơn tai biến xảy ra nhưng rất ít người phát hiện ra vì nghĩ rằng đó chỉ là những đợt nấc thông thường.

3.3 Khó thở

Khi bị đột quỵ, do thiếu oxy nên bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở, thở hổn hển, tim đập nhanh.

BEFAST là quy tắc nhận biết triệu chứng đột quỵ thông dụng hiện nay.

3.4 Triệu chứng đột quỵ não nhẹ

Nhiều trường hợp, người bệnh có thể gặp phải những cơn đột quỵ nhẹ với đặc điểm các triệu chứng xuất hiện thoáng qua và tự biến mất. Các triệu chứng của cơn đột quỵ nhẹ thường là:

– Đột nhiên đau đầu dữ dội và đột ngột

– Chóng mặt, choáng đột ngột, ù tai

– Đứng không vững, cảm giác yếu hẳn một bên chân

– Không thể cầm nắm chắc, dễ làm rơi đồ vật

– Rối loạn ngôn ngữ trong ít phút hoặc kéo dài cả ngày trước khi bị tai biến nghiêm trọng

– Đột ngột tê, cảm giác như kim châm, kiến đốt ở đầu ngón tay, chân và nửa thân trên 

– Đang nói thì ngưng lại, không hay biết mình làm rơi đồ vật, vài giây sau mới sực nhớ để nhặt lên

– Đột nhiên mất định hướng về không gian trong vài phút hoặc vài giờ

– Mất thính lực hoặc quên lãng trong khoảng thời gian ngắn

– Mất/giảm thị lực trong khoảng vài giây

 

4. Cách xử trí

NÊN:

– Dìu người bệnh để tránh té ngã, chấn thương.

– Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, đầu kê cao khoảng 20 – 30 độ

– Nếu bệnh nhân còn tỉnh, hỏi thăm thông tin của bệnh nhân để có thể trao đổi tình trạng bệnh nhân khi nhân viên cấp cứu tới.

– Nếu bệnh nhân bị nôn, hãy để bệnh nhân nghiêng 45 độ, móc hết đờm, nhớt ra, tránh gây ngạt.

– Nếu bệnh nhân bị ngất, cần kiểm tra mạch của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim cần hô hấp nhân tạo ngay.

KHÔNG NÊN:

– Tụ tập đông người xung quanh bệnh nhân vì như vây có thể làm giảm dưỡng khí.

– Tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay.

– Cho bệnh nhân uống thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Khi thấy người có biểu hiện đột quỵ, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để tăng khả năng cứu sống và phục hồi sau này cho người bệnh.

Hi vọng những kiến thức về triệu chứng bệnh đột quỵ được chia sẻ trong bài viết đã có thể giúp bạn nhận diện được tình huống nguy hiểm để kịp thời cứu sống bản thân và người thân. Ngay khi thấy những dấu hiệu kể trên, đừng quên gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay giúp bệnh nhân được cứu chữa nhanh chóng và đúng cách. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top