✴️ Trĩ ngoại nhẹ là gì? Có cần điều trị ngay không?

1. Trĩ ngoại nhẹ là gì?

Trĩ ngoại được diễn biến theo 4 giai đoạn nặng dần của bệnh.

– Giai đoạn 1: Búi trĩ mới được hình thành bên ngoài khu vực hậu môn

– Giai đoạn 2: Búi trĩ bắt đầu lòi ra ngoài kèm theo các búi tĩnh mạch dày đặc

– Giai đoạn 3: Trĩ bị tắc kèm tình trạng xuất huyết và đau đớn

– Giai đoạn 4: Búi trĩ phồng to, bị viêm sưng đau nghiêm trọng và thậm chí là nhiễm trùng

Bệnh trĩ ngoại nhẹ sẽ thường ở giai đoạn 1 và 2. Lúc này, búi trĩ ngoại mới hình thành, các triệu chứng chưa được biểu hiện rõ ràng và hầu như không gây ra bất kỳ đau đớn hay bất tiện gì cho người bệnh.

Trĩ ngoại ở giai đoạn nhẹ có thể tiến triển nhanh qua các giai đoạn nặng nếu không có phương án xử lý đúng cách, kịp thời. Trĩ sẽ gây đau, sưng cùng nhiều rắc rối khác, ảnh hưởng tới mọi hoạt động của người bệnh nên cần đặc biệt quan tâm đến việc điều trị bệnh.

Trĩ ngoại nhẹ là gì?

Bệnh trĩ ngoại được diễn biến theo 4 giai đoạn và giai đoạn nhẹ của bệnh cũng là thời điểm tốt nhất để tiến hành điều trị.

 

2. Có cần điều trị trĩ ngoại ngay từ sớm không?

Khẳng định đầu tiên được đưa ra đó là: Điều trị trĩ nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Vậy nên, việc điều trị bệnh trĩ ngoại ở những giai đoạn đầu tiên là rất cần thiết, mang lại hiệu quả tốt, giảm thiểu đau đớn cho người bệnh, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái trĩ.

Điều trị trĩ nên tiến hành ngay khi có dấu hiệu bệnh

– Thứ nhất, bệnh trĩ ngoại không tự khỏi, chỉ có điều trị đúng cách mới có thể dứt điểm. Chính vì thế, điều trị sớm chỉ có lợi, không có hại.

– Thứ hai, với các trường hợp trĩ nhẹ, búi trĩ còn nhỏ và triệu chứng chưa rõ ràng thì phương pháp điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Thông thường người bệnh chỉ cần uống thuốc kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt đúng cách là đã có thể thoát trĩ.

– Thứ ba, bệnh trĩ ngoại có xu hướng phát triển nặng dần theo các giai đoạn. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và nguy cơ gặp biến chứng trĩ sẽ tăng dần. Điều trị sớm sẽ giúp người bệnh chịu ít đau đớn hơn và tránh được các biến chứng nguy hiểm như chảy máu cấp tính, tắc mạch, viêm nhiễm hoặc hoại tử búi trĩ,…

 

3. Điều trị bệnh trĩ ngoại nhẹ

Phương pháp điều trị bệnh trĩ ngoại ở giai đoạn đầu thường là ưu tiên điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, thay đổi thói quen sinh hoạt đúng cách. Bằng việc duy trì và tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ, người bệnh trĩ ngoại có thể được thoát trĩ nhanh chóng và sớm trở lại sinh hoạt, làm việc bình thường. Cụ thể như sau:

 

3.1. Chỉ định dùng thuốc với bệnh trĩ ngoại nhẹ

Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng 2 loại là thuốc uống và thuốc bôi kết hợp nhằm giúp nhanh chóng khắc phục triệu chứng như đau, ngứa, rát vùng hậu môn, đồng thời giúp tăng cường thành mạch, ngăn chặn quá trình gia tăng kích thước của búi trĩ ngoại.

Lưu ý, người bệnh chỉ dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ sau quá trình thăm khám bệnh trực tiếp. Không tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà vì việc này tiềm ẩn nguy cơ bệnh trở nặng rất cao. Bệnh cạnh đó, cần vệ sinh sạch sẽ khu vực búi trĩ trước khi dùng thuốc bôi ngoài da để có được hiệu quả tốt nhất.

Ưu điểm khi điều trị trĩ bằng thuốc:

– An toàn, đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà.

– Nhanh chóng giảm đau, giảm ngứa, có tác dụng sát trùng, chống viêm nhiễm hiệu quả.

– Không cần nằm viện.

– Chi phí điều trị thấp.

Điều trị bệnh trĩ ngoại nhẹ bằng thuốc

Điều trị nội khoa bằng thuốc cho hiệu quả tốt trong các trường hợp trĩ ngoại đang ở giai đoạn đầu của bệnh.

 

3.2. Chế độ ăn cho người bệnh trĩ ngoại nhẹ

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bệnh trĩ là tập chung vào các thực phẩm giúp ngăn ngừa táo bón và tốt cho tiêu hóa.

– Bổ sung thêm rau xanh, hoa quả tươi mỗi ngày. Nhóm thực phẩm này sẽ giúp cung cấp lượng chất xơ rồi rào cho cơ thể, chất xơ đóng vai trò cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.

– Lựa chọn các thực phẩm giúp nhuận tràng như rau mồng tơi, chuối, các loại hạt,…

– Hạn chế đồ cay nóng, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn hoặc các chất kích thích,…

– Uống nhiều nước vì nước có tác dụng làm mềm phần, nhờ đó giảm áp lực mỗi lần người bệnh trĩ đi đại tiện.

 

3.3. Thay đổi thói quen đúng cách

Lưu ý một số thói quen không tốt dễ khiến bệnh trĩ thêm trở nặng:

– Ngồi, nằm hoặc đứng một chỗ quá lâu, trong thời gian dài.

– Lười vận động.

– Ngồi cầu tiêu sai tư thế làm tăng áp lực cơ thể lên vùng hậu môn, ngồi cầu quá lâu và thường cố dùng sức rặn mạnh mỗi lần đi đại tiện khó khăn, dùng giấy vệ sinh thô ráp cọ mạnh vào vùng có búi trĩ,…

– Nhịn đại tiện.

– Mang vác vật nặng quá sức hoặc tập những môn thể thao cường độ mạnh như gym, chống đẩy, plank,…

Một số thói quen tốt có lợi cho người bệnh trĩ như:

– Đi bộ là hình thức vận động được khuyến khích hoặc có thể lựa chọn các bài thể dục nhẹ nhàng.

– Tư thế ngồi cầu tốt nhất là ngồi xổm, cũng có thể kê thêm ghế dưới chân để giảm áp lực cơ thể lên vùng hậu môn.

– Đi đại tiện ngay khi buồn và nên đi đều đặn theo 1 khung giờ mỗi ngày.

– Vệ sinh sạch sẽ khu vực hậu môn, mỗi ngày 2-3 lần.

Như vậy, với bệnh trĩ ngoại nhẹ nên được nhận biết sớm và tiến hành điều trị ngay ở những giai đoạn đầu để mang đến hiệu quả dứt điểm trĩ là tốt nhất. Người bệnh lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chủ động thăm khám để được các bác sĩ hướng dẫn và chỉ định phương án điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top