Cách phát hiện sớm bệnh đột quỵ

Vì lý do này, việc nhận ra sớm các triệu chứng của đột quỵ và đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức là rất quan trọng.

Nhận biết dấu hiệu của đột quỵ

Các triệu chứng đột quỵ thường bắt đầu đột ngột, bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

Khó đi lại: Do mất cân bằng, yếu ớt hoặc chóng mặt.

Khó giao tiếp: Người bệnh có thể không hiểu những gì người khác đang nói hoặc ngược lại - mất khả năng phát âm.

Tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể hoặc một bên mặt: Điều này có thể đánh giá bằng cách so sánh vận động giữa cánh tay trái và cánh tay phải khi nâng lên cao. Tê liệt một bên mặt có thể làm cho một bên mặt xệ xuống so với bên còn lại.

Mất phối hợp ở một bên của cơ thể: Yếu tay chân làm người bị đột quỵ không thể thực hiện một hành động thông thường hàng ngày vẫn làm được, chẳng hạn như cầm giữ thìa hoặc treo đồ lên móc. Trong một số ít trường hợp, một bên cơ thể có thể có các chuyển động bất thường và tự phát.

Rối loạn thị lực: Có thể bao gồm giảm hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.

Đau đầu dữ dội: Nếu đau đầu xuất hiện đột ngột, nặng hoặc có liên quan đến ói mửa hoặc giảm ý thức thì có thể nghĩ tới đột quỵ.

Co giật: Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn co giật đột nhiên xuất hiện ở người trên 50 tuổi không có tiền sử co giật trước đó.

 

Triệu chứng đột quỵ kéo dài bao lâu?

Thời gian triệu chứng phụ thuộc vào kích thước và mức độ nghiêm trọng của thương tổn não trong đột quỵ. Các triệu chứng có thể kéo dài chưa đầy 1 giờ nhưng cũng có thể tồn tại suốt đời. Triệu chứng càng kéo dài, càng có nhiều khả năng các di chứng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Vì vậy, tốt nhất nên giải quyết các vấn đề gây ra bởi đột quỵ càng sớm càng tốt.

 

Phải làm gì nếu các triệu chứng đột quỵ biến mất nhanh?

Ngay cả khi các triệu chứng đột quỵ biến mất, việc đưa người bệnh đến bệnh viện để tiến hành các đánh giá vẫn rất cần thiết. Các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIAs) là một loại đột quỵ gây ra bởi sự thiếu máu tạm thời ở một phần của não. Có thể có một cục máu đông đã nghẽn trong lòng một động mạch não và lưu lượng máu bị chặn, nhưng sau đó tình trạng này biến mất do cục máu đông đã tan hoặc trôi đi. Mặc dù triệu chứng đột quỵ không còn nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát đột quỵ.

 

Những việc cần làm khi nghi ngờ đột quỵ

Gọi xe cấp cứu: Nếu bản thân không thực hiện được việc gọi xe cấp cứu, hãy tìm kiếm sự trợ giúp càng sớm càng tốt.

Không tự dùng aspirin hoặc thuốc khác: Điều quan trọng hơn cả là đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Khoảng 85% các cơn đột quỵ là do thiếu máu cục bộ. Những đột quỵ dạng này được điều trị hiệu quả bằng các loại thuốc tiêu sợi huyết ngay trong những giờ vàng đầu tiên. Tuy nhiên, 15% đột quỵ là do chảy máu não, trong trường hợp này, aspirin sẽ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tốt nhất không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không có ý kiến của bác sĩ.

 

Khuyến cáo về bệnh đột quỵ

Liên quan tới phát hiện đột quỵ, theo khuyến cáo của Hiệp hội Đột quỵ quốc gia Hoa Kỳ, có thể ghi nhớ ngắn gọn bằng cụm chữ cái “FAST” mang ý nghĩa như sau:

F (Face)- Khuôn mặt: Yêu cầu người bệnh cười. Nếu một bên của khuôn mặt nụ cười méo xệch hoặc xệ xuống, người đó có thể bị đột quỵ.

A (Arms) - Tay: Yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên. Nếu người đó gặp khó khăn với một bên cánh tay cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy người này có thể bị đột quỵ.

S (Speech) - Phát ngôn: Yêu cầu người đó nói. Nếu lời nói ngọng hoặc không thể phát âm, người đó có thể bị đột quỵ.

T (Time) - Thời gian: Bởi thời gian đối với người bệnh đột quỵ vô cùng quan trọng, nên nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Sau khi đột quỵ xảy ra, nếu chậm chễ hoặc không được điều trị tổn thương não do đột quỵ có thể dẫn đến tình trạng tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong. Cấp cứu khẩn cấp có thể ngăn ngừa tổn thương đột quỵ, giúp người bệnh có cơ hội sống sót tốt hơn và phục hồi sức khỏe với ít biến chứng hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top