✴️ Cải thiện hiệu quả tình trạng thiếu máu não mãn tính

Chớ coi thường bệnh thiếu máu não, đây là dạng bệnh lý “tiền đột quỵ” vì có thể gây tai biến mạch máu não (đột quỵ) trong tương lai, nếu người bệnh không được phát hiện sớm và có biện pháp kiểm soát, điều trị kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, với những người bị thiếu máu não kéo dài (thiếu máu não mãn tính) nguy cơ phải đối mặt với nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, mất ngủ kéo dài, trầm cảm,… do tai biến mạch máu não gây ra. Vậy làm thế nào để cải thiện tình trạng thiếu máu não kéo dài? mời bạn đọc tham khảo trong bài viết dưới đây.

 

1. Cải thiện thiếu máu não mãn tính nhờ thăm khám cùng chuyên gia

1.1 Nguyên nhân gây thiếu máu não mãn tính

Thiếu máu não xuất phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu do 3 nguyên nhân chính: xơ vữa động mạch khiến mạch máu nuôi dưỡng não bị cản trở làm lượng máu lưu thông lên nuôi dưỡng não bị giảm; cục máu đông (huyết khối) gây tắc nghẽn, ngăn cản dòng máu lên nuôi dưỡng não bộ; vỡ mạch máu não mặc dù ít xảy ra nhưng khi mạch máu não bị vỡ khiến máu không được cung cấp tới não và tràn ra ngoài gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, gây đột quỵ (tai biến mạch máu não) và trường hợp này được gọi là đột quỵ do vỡ mạch máu não.

1.2 Vì sao thiếu máu não mãn tính nên khám cùng chuyên gia

Muốn biết có bị xơ vữa động mạch, cục máu đông hay vỡ mạch hay không, bạn cần đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán cận lâm sàng nhờ một số máy móc trang thiết bị chuyên dụng. Sẽ giúp đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý hiện tại, tìm ra nguyên nhân và xây dựng phương án can thiệp và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Nếu chỉ dựa vào triệu chứng mà đã vội kết luận bệnh lý khi chưa đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, điều này rất dễ dẫn đến hậu quả “bắt bệnh sai, điều trị sai”. Một số bệnh lý như thiếu máu não với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, rất dễ nhầm lẫn với hội chứng rối loạn tiền đình. Do đó, việc đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa vừa giúp tìm ra bệnh, có biện pháp can thiệp, điều trị và phòng ngừa hiệu quả, mà còn vừa loại trừ được các bệnh lý khác cũng có biểu hiện tương tự.

Đừng tự ý bắt bệnh dựa trên các dấu hiệu bên ngoài mà vội áp dụng theo đơn thuốc của người khác hay tự ý mua thuốc về sử dụng. Bởi điều này dễ khiến bạn bị lạm dụng thuốc và nguy cơ đối mặt với tác dụng phụ của thuốc, trì hoãn thời gian (bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị bệnh) khiến bệnh tiến triển nặng hơn, tốn kém chi phí, hiệu quả điều trị không cao, nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nếu có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, ù tai, rối loạn giấc ngủ,.. nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được kiểm tra, chẩn đoán đúng bệnh, có biện pháp can thiệp kịp thời và điều trị hiệu quả.

 

2. Thiếu máu não mãn tính được cải thiện nhờ chế độ ăn uống

Ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Với những người bị thiếu máu não cần xây dựng cho mình một thực đơn ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt, vitamin B2, B6, B12 giúp hỗ trợ bổ sung máu cho cơ thể.

Một số thực phẩm mà người bị thiếu máu não nên bổ sung đó là: thịt bò, cá hồi, hải sản, lòng đỏ trứng gà, rau họ cải, bí ngô, cà rốt, lựu, dâu tây, quả mâm xôi, mận, nho đen khô, rau cần tây,…

Thịt bò rất tốt cho người bị thiếu máu

 

3. Tập luyện sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu não

Vận động sẽ giúp máu lưu thông lên não và tới các cơ quan tốt hơn. Những người bị thiếu máu não nên thường xuyên tập thể dục thể thao, bạn nên lựa chọn những bài tập phù hợp và vừa sức như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga, ngồi thiền, …

Ngoài lợi ích giúp máu lưu thông tốt hơn, việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên còn mang lại rất nhiều lợi ích: giảm mỡ máu, giảm cân, tăng cường thể lực, giữ vóc dáng, não bộ hoạt động tốt hơn, giảm căng thẳng, ngăn ngừa nhiều bệnh lý (làm chậm hoặc ngăn ngừa nhiều bệnh lý như tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp, cholesterol, tiểu đường, viêm khớp, loãng xương, trĩ, sỏi thận,….), tim hoạt động tốt hơn, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ, …

Người bị thiếu máu não nên chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe của bản thân, không nên tập nhữn bài tập quá sức, sau khi tập xong nên nghỉ ngơi, uống nước, không nên làm việc ngay.

Tập thể dục hàng ngày sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn

 

4. Làm việc khoa học, nghỉ ngơi hợp lý giúp cải thiện thiếu máu não

Không sắp xếp công việc một cách khoa học sẽ khiến cơ thể bạn dễ bị stress, căng thẳng, lo lắng, điều này ảnh không tốt đến sức khỏe, đặc biệt là quá trình cung cấp máu lên não (sẽ bị thiếu hụt).

Cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Hãy lên kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý, tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch, đến một nơi mới có quang cảnh thiên nhiên và một không gian yên tĩnh. Điều này sẽ giúp tâm trạng bạn cảm thấy thoải mái hơn, giảm stress căng thẳng lo âu, giúp não bộ “tiếp thêm năng lượng” thư giãn và làm việc tốt hơn.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa khám và có chỉ định/tư vấn từ bác sĩ chuyên môn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top