✴️ Cần biết gì về chứng sa sút trí tuệ giả (Pseudodementia)

Chứng sa sút trí tuệ giả là gì?

Chứng sa sút trí tuệ giả có các biểu hiện giống với bệnh sa sút trí tuệ nhưng lại không có căn nguyên từ sự thoái hóa thần kinh. Vài người gọi đây là chứng sa sút trí tuệ giả do trầm cảm, bởi vì các triệu chứng này thường phát sinh từ các bệnh lý liên quan đến sắc thái như là bệnh trầm cảm.

Các triệu chứng chính của chứng sa sút trí tuệ giả bao gồm:

  • Khó khăn trong lời nói và ngôn ngữ;
  • Quên hay suy giảm trí nhớ;
  • Khó tập trung;
  • Khó điều chỉnh cảm xúc;
  • Khó sắp xếp hay lên kế hoạch;

Những triệu chứng cũng rất thường gặp ở người bệnh sa sút trí tuệ. Do đó, bác sĩ phải điều trị các trường hợp này giống như một người bệnh sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, do chứng sa sút trí tuệ giả thường liên quan đến bệnh trầm cảm, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

  • Giảm hứng thú trong các hoạt động;
  • Khí sắc trầm cảm kéo dài vài tuần;
  • Tách biệt với xã hội;
  • Có ý nghĩ hay hành vị tự tử;
  • Thiếu ngủ hay mất ngủ;
  • Cảm thấy luôn mệt mỏi;
  • Chán ăn hoặc ăn quá mức.

Chứng bệnh này thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Một vài giả thiết cho rằng các bệnh lý liên quan đến khí sắc như trầm cảm gây ra các biến đổi tâm thần ở người lớn tuổi.

Nguyên nhân

Các bệnh lý liên quan đến khí sắc như trầm cảm là các nguyên nhân tiềm tàng của Chứng sa sút trí tuệ giả. Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến Chứng sa sút trí tuệ giả, bệnh trầm cảm vẫn là nguyên nhân thường gặp nhất.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Indian Academy of Neurology, mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và Chứng sa sút trí tuệ giả rất phức tạp. Bản thân bệnh trầm cảm có thể gây ra sa sút tâm thần. Tương tự, bệnh sa sút trí tuệ có thể được biểu hiện bởi các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Vì vậy, nhiều bác sĩ sẽ không nhận diện được Chứng sa sút trí tuệ giả cho đến khi họ loại trừ được hoàn toàn bệnh sa sút trí tuệ và các nguyên nhân khác gây ra các bất thường này.

Ở người lớn tuổi, bệnh trầm cảm có thể gây ra sa sút tâm thần trầm trọng, dẫn đến các triệu chứng liên quan Chứng sa sút trí tuệ giả.

Mặc dù nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh trầm cảm, các bệnh lý tâm thần khác, ví dụ tâm thần phân liệt hay rối loạn đa nhân cách, có thể gây ra triệu chứng tương tự. Những nguyên nhân này thường sẽ có triệu chứng đặc thù bên cạnh các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ.

Chẩn đoán và cận lâm sàng

Chứng sa sút trí tuệ giả và bệnh sa sút trí tuệ rất khó phân biệt. Thực tế, nhiều bác sĩ không đồng ý dùng thuật ngữ Chứng sa sút trí tuệ giả (Pseudodementia), bởi vì nó nghe giống mô tả các triệu chứng hơn là một chẩn đoán.

Do đó, các bác sĩ phải thận trọng trong việc loại trừ các nguyên nhân tiềm tàng khác trước khi thiết lập chẩn đoán. Vì Chứng sa sút trí tuệ giả thường xảy ra ở người lớn tuổi, nên có nhiều thách thức trong việc chẩn đoán chính xác.

Ví dụ, vấn đề tuổi tác chính nó cũng gây ra những biến đổi về tâm thần và chức năng não bộ.

Những thay đổi này có thể dao động rất lớn, và gây khó khăn trong việc phân biệt chúng là do tuổi tác hay là dấu hiệu sớm của bệnh trầm cảm và bệnh sa sút trí tuệ.

Khó khăn khác trong việc chẩn đoán Chứng sa sút trí tuệ giả là các triệu chứng của bệnh trầm cảm và các bệnh lý tâm thần khác thường hay trùng lập ở người lớn tuổi.

Cũng có khi một người vừa mắc bệnh trầm cảm vừa mắc bệnh sa sút trí tuệ cùng lúc.

Bởi vậy, chẩn đoán Chứng sa sút trí tuệ giả thường tốn thời gian. Bác sĩ sẽ muốn loại trừ bệnh sa sút trí tuệ và các sa sút tâm thần trước khi nghĩ đến các nguyên nhân khả thi khác.

Một chẩn đoán hoàn chỉnh thường đòi hỏi các cận lâm sàng. Các cận lâm sàng cung cấp cho bác sĩ tình trạng tâm thần của bệnh nhân và vấn đề nằm ở đâu.

Các các cận lâm sàng có thể đánh giá về:

  • Trí nhớ
  • Nhận thức thị giác
  • Sử dụng lời nói và ngôn ngữ
  • Cách giải quyết vấn đề
  • Sắp xếp, tổ chức
  • Sự chú ý
  • Phản xạ
  • Di chuyển và sự cân bằng

Các cận lâm sàng này giúp bác sĩ khu trú vùng não bộ bị ảnh hưởng từ đó thực hiện thêm cận lâm sàng cần thiết.

Bác sĩ cũng có thể cho xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu của các bệnh lý hay sự thiếu hụt đặc thù. Ví dụ, người thiếu vitamin B12 mạn tính hay bị suy giáp có thể có triệu chứng tương tự. Trong vài trường hợp khác, người ta có thể xét nghiệm các protein hay các thành phần đặc trưng trong máu.

Trong nhiều trường hợp, chẩn đoán hình ảnh cũng là một công cụ giúp chẩn đoán Chứng sa sút trí tuệ giả. Trong vài trường hợp bệnh sa sút trí tuệ, chẩn đoán hình ảnh cho gợi ý về các nguyên nhân đặc thù hay cho thấy ảnh hưởng của sự thoái hóa não bộ.

sa sút trí tuệ giả

Điều trị

Điều trị Chứng sa sút trí tuệ giả có thể tốn nhiều thời gian, và mỗi người khác nhau có đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác nhau.

Nếu bác sĩ loại trừ các nguyên nhân khả thi khác và nghi ngờ một người bị Chứng sa sút trí tuệ giả, điều trị được khuyến cáo là tập trung vào điều trị nguyên nhân đặc thù.

Trong nhiều trường hợp, điều trị chính là điều trị bệnh trầm cảm. Điều trị trầm cảm thường đa dạng và dựa trên từng cá thể, từng nguyên nhân, nhưng thường nhất vẫn là kết hợp liệu pháp tâm lý và dùng thuốc.

Thuốc điều trị bệnh trầm cảm bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc. Nếu những thuốc này đáp ứng tốt, triệu chứng có thể giảm một cách đáng kinh ngạc.

Các liệu pháp tâm lý cũng là một khía cạnh quan trọng trong điều trị trầm cảm. Các dạng liệu pháp tâm lý, như là liệu pháp nhận thức-hành vi hay liệu pháp tương tác cá nhân, có thể giúp cải thiện các triệu chứng và điều trị nguyên nhân.

Dù những người bị trầm cảm đáp ứng tốt với điều trị, thì các triệu chứng như sa sút tâm thần vẫn có thể kéo dài. Chúng cũng có thể xuất hiện trở lại sau đó.

Điều quan trọng đối với một người bị trầm cảm là phải thường xuyên làm việc với các chuyên gian sức khỏe tâm thần để thiết lập được kế hoạch điều trị dài hạn một cách hiệu quả.

Chứng sa sút trí tuệ giả và bệnh sa sút trí tuệ

Chứng sa sút trí tuệ giả có vẻ tương tự với bệnh sa sút trí tuệ, nhưng chúng là hai vấn đề khác biệt. Điểm khác biệt chính là Chứng sa sút trí tuệ giả không gây ra sự thoái hóa não bộ, trong khi bệnh sa sút trí tuệ lại có.

Do đó, Chứng sa sút trí tuệ giả và bệnh sa sút trí tuệ sẽ có biểu hiện khác nhau trên hình ảnh chụp não bộ, dù chúng có triệu chứng rất giống nhau.

Sự khác biệt còn có thể biểu hiện ở các nghiệm pháp. Ví dụ, một người bị bệnh sa sút trí tuệ thường không nhận ra vấn đề về trí nhớ của mình, nhưng họ cũng không có kết quả cao trong các nghiệm pháp đánh giá tư duy. Trong khi đó, những bị trầm cảm có triệu chứng tâm thần thường sẽ cảm thấy ngược lại. Họ hay than phiền về trí nhớ của mình nhưng lại có kết quả tốt trong các nghiệm pháp đánh giá tư duy.

Thêm nữa, Chứng sa sút trí tuệ giả  thường đáp ứng tốt với điều trị. Trong Chứng sa sút trí tuệ giả  do trầm cảm, điều trị tốt bệnh trầm cảm sẽ cải thiện đáng kinh ngạc các triệu chứng.

Trong các trường hợp bệnh sa sút trí tuệ, điều trị tập trung ở việc kiểm soát triệu chứng, vì vậy đến hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị xác đáng. Việc điều trị có hiệu quả hay không phụ thuộc vào bệnh sa sút trí tuệ đang ở giai đoạn nào và độ trầm trọng của các triệu chứng trước khi điều trị.

Trong việc chẩn đoán Chứng sa sút trí tuệ giả, các bác sĩ có thể nghĩ đến những khác biệt này để loại trừ bệnh sa sút trí tuệ và nhận định được nguyên nhân.

Tổng kết

Chứng sa sút trí tuệ giả có triệu chứng tương tự bệnh sa sút trí tuệ, nhưng nó thường không gây sự thoái hóa não bộ.

Trầm cảm ở người lớn tuổi có thể có những triệu chứng tương tự, do đó các bác sĩ cần phải đánh giá và chẩn đoán thận trọng trước khi bắt tay vào điều trị.

Điều trị Chứng sa sút trí tuệ giả bao gồm việc điều trị các bệnh lý căn nguyên.

Làm việc dài hạn với các chuyên gia sức khỏe tâm thần giúp ngăn ngừa các triệu chứng xuất hiện trở lại và đảm bảo được điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top