✴️ Chọc dò dịch não tủy không đáng sợ như nhiều người nghĩ

Nội dung

1. Chọc dò dịch não tủy là gì?

Dịch não tủy được tiết ra từ các đám rối mạch mạc ở các não thất và từ khoang ngoài tế bào của hệ thần kinh trung ương. Dịch não tủy lưu thông từ hai não thất bên qua lỗ Monro sang não thất III, theo kênh Sylvius đến não thất IV, qua lỗ Luschka tới khoang dưới nhện ở sàn não, qua lỗ Magendie đến bể chứa ở tiểu não và tủy sống. Từ các bể đáy dịch não tủy được hấp thụ qua các hạt Paccioni vào các xoang tĩnh mạch.

Người lớn bình thường có khoảng 150 – 180 ml dịch não tủy.

Dịch não tủy có ba chức năng chính:

– Bảo vệ hệ thần kinh trung ương trước các sang chấn cơ học.

– Đảm bảo sự tuần hoàn của các dịch thần kinh, các hormon, các kháng thể và các bạch cầu.

– Tham gia điều chỉnh độ pH và cân bằng điện giải của hệ thần kinh trung ương.

Khi hệ thần kinh trung ương bị tổn thương dịch não tủy sẽ có những thay đổi tương ứng, xét nghiệm dịch não tuỷ để phát hiện những thay đổi đó.

Hình ảnh minh họa dịch não tủy và đường đi của dịch não tủy.

 

2. Chọc dò dịch não tủy trong trường hợp nào?

– Trong chẩn đoán các bệnh thần kinh như: Viêm màng não, viêm não, viêm tủy, viêm não – tủy, viêm đa rễ thần kinh, xơ cứng rải rác…

– Hội chứng ép tủy, hội chứng tăng áp lực nội sọ lành tính.

– Nghi ngờ chảy máu dưới nhện có kết quả chụp cắt lớp vi tính bình thường.

Các tình trạng bệnh lý thần kinh chưa xác định nguyên nhân như: co giật, trạng thái động kinh, rối loạn ý thức…

Trong điều trị (đưa thuốc vào khoang dưới nhện tủy sống). Các thuốc gây tê cục bộ phục vụ mục đích phẫu thuật. Các thuốc kháng sinh, các thuốc chống ung thư, corticoid… để điều trị các bệnh của hệ thần kinh trung ương hoặc các bệnh dây – rễ thần kinh.

Theo dõi kết quả điều trị (trong các bệnh viêm màng não, nấm…).

Trong thủ thuật chụp tủy, chụp bao rễ thần kinh có bơm thuốc cản quang.

Chọc dò dịch não tủy rất cần thiết trong chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là viêm màng não.

 

3. Những trường hợp nào không được chọc dò dịch não tủy

Chọc dò dịch não tủy chống chỉ định trong một số trường hợp sau:

– Tăng áp lực trong sọ.

– Nhiễm khuẩn da hoặc mô mềm vùng chọc kim lấy dịch não tủy.

– Nguy cơ chảy máu: bệnh lý của máu dễ gây chảy máu, đang dùng thuốc chống đông …

– Tình trạng bệnh nặng hoặc đã có chẩn đoán xác định qua chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ… như u não, chảy máu não…

 

4. Chọc dò dịch não tủy được thực hiện như thế nào?

4.1 Xác định vị trí và đường chọc dò dịch não tủy

Thường chọc qua các khe gian đốt sống L3 – L4, L4 – L5, L5 – S1. Đường chọc thường được chọn là đường giữa (đường nối các mỏm gai). Trong trường hợp không thể sử dụng được đường giữa (các trường hợp người bệnh bị thoái hoá cột sống nặng nề hoặc người bệnh không thể nằm co được…) có thể chọc theo đường bên.

4.2 Sát trùng

Bộc lộ vùng thắt lưng, sát trùng rộng vùng chọc kim, lần đầu bằng cồn iốt, sau đó sát trùng lại bằng cồn trắng 2 lần.  Phủ săng có lỗ, để hở vùng chọc. Người làm thủ thuật ngồi phía sau lưng người bệnh, tay thuận cùng chiều với chân người bệnh.

4.3 Gây tê

Gây tê điểm chọc kim (điểm giữa các khoang gian đốt kể trên) theo 2 thì: thì đầu gây tê trong da, sau đó gây tê theo đường chọc kim, có thể bơm thuốc liên tục trong khi đưa kim gây tê vào và khi rút kim ra.

Người bệnh sẽ được sát trùng vùng da, gây tê và tiến hành chọc dò qua da – đây là một kỹ thuật an toàn, được các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện. (ảnh minh họa)

4.4 Tiến hành chọc dò dịch não tủy

Dùng kim chuyên dụng thực hiện thao tác chọc dò dịch não tủy. Thao tác chọc được tiến hành theo 2 thì:

– Thì qua da: đặt chuôi kim trong lòng bàn tay phải, ngón cái và ngón trỏ giữ chặt thân kim, mặt vát của kim hướng lên trên song song với trục cột sống, mu bàn tay phải tựa trên da lưng người bệnh để giữ mức chọc kim cho chuẩn. Tay trái xác định lại mốc chọc kim và căng da lưng lúc chọc kim qua da. Để kim vuông góc với mặt da và chọc nhanh qua da.

– Thì đưa kim vào khoang dưới nhện: hướng mũi kim chếch về phía đầu người bệnh khoảng 15 độ, đẩy kim thấy rất dễ dàng (do tổ chức lỏng lẻo), chỉ gặp một sức cản rất nhỏ khi chọc qua dây chằng liên gai sau, trong một số trường hợp, nhất là ở người già dây chằng này bị xơ hoá có thể nhầm với dây chằng vàng. Khi chọc kim qua dây chằng vàng cảm nhận một sức cản lại, tiếp tục từ từ đẩy kim khi chọc qua màng cứng cảm nhận một sức cản lại thì dừng lại.

Khi đầu kim đã nằm trong khoang dưới nhện thì rút từ từ thông nòng của kim, dịch não tủy sẽ chảy thành giọt, tiến hành lấy dịch não tủy làm xét nghiệm.

Sau khi lấy dịch não tủy xong đóng nòng kim lại và rút kim ra, băng vô khuẩn chỗ chọc kim. Cho người bệnh nằm tại giường, đầu không gối cao khoảng 3-4 giờ.

Ghi nhận xét vào bệnh án vị trí chọc dịch, màu sắc và tốc độ chảy của dịch não tuỷ, tai biến trong quá trình chọc và xử trí.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top