Chứng đỏ mặt và bệnh Alzheimer

Nội dung

Sau khi phân tích hồ sơ bệnh án của 5.5 triệu người, các nhà khoa học khám phá ra rằng những người mắc chứng bệnh đỏ mặt – một căn bệnh ngoài da khiến khuôn mặt người bệnh dễ bị đỏ bừng – sẽ tăng 7% nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và 25% nguy cơ tiến triển thành bệnh Alzheimer so với những người không mắc căn bệnh về da này.

Các nhà khoa học tin rằng phải có một mối liên hệ nào đó giữa hai căn bệnh có vẻ như không có liên quan đến nhau  này. Phản ứng viêm và các peptide với đặc tính kháng khuẩn – là các protein rất quan trọng đối với đáp ứng miễn dịch – thường được tìm thấy ở những người mắc chứng đỏ mặt. Theo tác giả nghiên cứu tiến sỹ Alexander Egeberg, điều thú vị là cả hai yếu tố này cũng có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

Cần thêm nhiều nghiên cứu khác để xác định xem liệu điều trị khỏi bệnh đỏ mặt khi còn trẻ có thể giúp não bộ tránh khỏi chứng sa sút trí tuệ khi về già hay không. Tuy nhiên, một số liệu pháp điều trị chứng đỏ mặt như sử dụng kháng sinh tetracycline có thể làm giảm sự hình thành các mảng amyloid và protein tau – loại protein hình thành tại não bộ được cho là góp phần gây bệnh Alzheimer.

Do vậy, nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào của bệnh đỏ mặt như mặt dễ bị đỏ bừng, sưng phù hay những đám mụn trứng cá bất thường trên mặt, hãy đi khám bác sỹ ngay. Mặc dù người ta vẫn chưa thể khẳng định liệu điều trị căn bệnh này có giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ hay không nhưng nếu cứ để yên mà không can thiệp gì có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn và gây thiếu thẩm mỹ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top