✴️ Chứng rối loạn giấc ngủ, nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn

Nội dung

1. Thế nào là rối loạn giấc ngủ?

Tình trạng này được chia thành 3 loại: Rối loạn cận giấc ngủ, rối loạn giấc ngủ tiên phát, rối loạn giấc ngủ thứ phát. Trong đó:

– Rối loạn cận giấc ngủ: các hành vi bất thường xảy ra trong lúc ngủ hoặc thời gian chuyển từ trạng thái ngủ sang thức.

– Rối loạn giấc ngủ tiên phát: thời gian ngủ bị rối loạn, có thể mất ngủ, ngủ kém hoặc ngủ quá nhiều.  Mất ngủ là rối loạn về số lượng, thời gian và chất lượng giấc ngủ. Người bệnh không ngủ được, khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ. Các triệu chứng này thường xảy ra 3 lần/ tuần, kéo dài ít nhất 3 tháng. Ngủ nhiều tiên phát: Là người lớn, ngủ quá 10 giờ/ngày, kéo dài ít nhất 1 tháng mà không có nguyên nhân gì. Thời gian ngủ kéo dài nhưng điện não đồ và sinh lý giấc ngủ vẫn bình thường. Tuy nhiên tình trạng ngủ ngày và khó tỉnh táo vào buổi sáng sẽ tác động tiêu cực đến cảm xúc, vận động và công việc. Ngủ nhiều có thể có tính chất lây truyền trong gia đình.

– Rối loạn giấc ngủ thứ phát: ngủ ít, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều do bệnh tâm thần hay bệnh lý khác liên quan.

Ngoài ra còn có rối loạn cảm giác giấc ngủ. Trường hợp này, người bệnh vẫn ngủ được nhưng lại có cảm giác ngược lại. Bệnh nhân cho rằng mình ngủ không được nhưng thực tế vẫn ngủ bình thường.

Mất ngủ, khó vào giấc hay ngủ quá nhiều đều là các dạng của rối loạn về giấc ngủ

 

2. Nguyên nhân gây rối loạn về giấc ngủ

– Rối loạn giấc ngủ tiên phát:

+ Không có nguyên nhân cụ thể. Mất ngủ tiên phát và ngủ nhiều tiên phát không có nguyên nhân. Tình trạng này không liên quan đến các bệnh lý thực tổn hoặc bệnh tâm thần hay sử dụng chất nào đó.
+ Nguyên nhân do vấn đề tâm lý: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ như phòng ngủ, giường ngủ. Cũng có thể chỉ là một tiếng động lặp đi lặp lại mỗi ngày khi bệnh nhân chuẩn bị đi ngủ. Chứng mất ngủ do tâm lý thường kết hợp với các tình trạng bất ổn khác như stress, rối loạn lo âu, lạm dụng thuốc ngủ…

– Rối loạn giấc ngủ thứ phát:

+Nguyên nhân bệnh lý: Thường liên quan đến các bệnh về hô hấp, tim mạch, da liễu, sản phụ khoa, tâm thần…Trong đó, bệnh trầm cảm là một nguyên nhân phổ biến. Bệnh trầm cảm gây suy giảm nồng độ serotonin trong tổ chức não, trong khi chất này ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ. Giấc ngủ bị rối loạn do trầm cảm liên quan đến yếu tố môi trường, thiếu serotonin, giảm noradrenalin, giới tính, tuối, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế và văn hóa… Ở những bệnh nhân trầm cảm, rối loạn thường gặp là mất ngủ.

– Với chứng rối loạn cảm giác giấc ngủ:

Nguyên nhân khách quan là do quá trình điều trị không đầy đủ của trầm cảm và lo âu lan tỏa gây ra.

Nên tập thể dục buổi sáng đều đặn, buổi tối trước khi ngủ cũng tập vài động tác nhẹ nhàng

 

3. BIểu hiện của một số chứng rối loạn về giấc ngủ phổ biến

– Mất ngủ tiên phát được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc.

– Ngủ nhiều tiên phát: ngủ quá thời gian bình thường, ngủ vào ban ngày, lúc thức dậy thường xuyên mệt mỏi, thiếu tỉnh táo.

– Rối loạn giấc ngủ do trầm cảm: Người bệnh thường có tối thiểu 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu bao gồm:

  • Khí sắc suy nhược.
  • Không còn bất kì sự quan tâm và thích thú nào.
  • Giảm năng lượng nghiêm trọng. Từ đó khiến người bệnh luôn mệt mỏi và ít hoạt động.
  • Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như:
  • Kém tập trung
  • Rối loạn về giấc ngủ.
  • Ăn không ngon miệng.
  • Luôn bi quan, mất niềm tin
  • Giảm lòng tự trọng và sự tự tin. Thậm chí tự thấy bản thân có lỗi, kém cỏi.
  • Nghiêm trọng hơn, người bệnh nảy sinh ý định và thực hiện hành vi tự sát.

 

4. Điều trị và phòng ngừa chứng rối loạn giấc ngủ

Rối loạn về giấc ngủ thường do nhiều nguyên nhân nên việc điều trị cũng cần phù hợp với mỗi căn nguyên khác nhau. Tình trạng bệnh thường là mạn tính, việc điều trị cần thời gian dài, Một số phương pháp điều trị, hỗ trợ điều trị và ngăn bệnh tái phát bao gồm:

Người bệnh cần thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh trước khi sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

 

4.1. Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng sử dụng thuốc

– Người bệnh cần thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh trước khi sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Có nhiều loại thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ sẽ được bác sĩ kê đơn phù hợp. Với người mắc hội chứng lo âu hay trầm cảm thường được kê đơn phối hợp các loại thuốc điều trị.
– Với người mắc chứng ngủ nhiều: Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân uống nước chè, cà phê để hạn chế cảm giác buồn ngủ. Hoặc chỉ định loại chống trầm cảm ức chế chọn lọc thụ cảm thể serotonin.

 

4.2. Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng thư giãn tâm lý

Đối với người khỏe mạnh, bình thường thì sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu thỉnh thoảng không ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm. Nếu trong ngày có những vấn đề chưa giải quyết xong, hãy tạm gác lại. Không nên vừa nằm chờ giấc ngủ đến vừa nghĩ cách giải quyết những vấn đề. Khi lên giường ngủ, không nên suy nghĩ hay làm bất cứ việc gì khiến trí não phải hoạt động. Nếu không ngủ được, sau 10-15 phút, hãy đứng dậy và đi làm một việc khác.

 

4.3. Ngủ đúng giờ, đúng khoa học

– Nên tắm vào buổi chiều, tắm nước ấm trừ những ngày quá nóng nực.
– Ngủ vào một khung giờ nhất định, không ngủ muộn, thức dậy cũng đúng giờ mỗi ngày. Nếu bị mất ngủ cũng chỉ nằm với thời gian bằng thời gian ngủ bình thường.

– Phòng ngủ cần thoáng khí, không quá nóng hay quá lạnh. Khi ngủ nên để phòng tối, hạn chế tối đa ánh sáng.

– Tập thể dục buổi sáng đều đặn, vừa sức. Buổi tối trước khi ngủ cũng nên vận động vài động tác thể dục nhẹ nhàng giúp thư giãn tốt trước khi ngủ.
– Tránh ngủ nhiều ban ngày.
– Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu…) vào buổi chiều.
– Không nên nghe nhạc quá to, âm thanh chát chúa…Tránh đọc các cuốn sách hay xem các bộ phim đòi hỏi tập trung cao độ,
– Tránh ăn quá no, quá nhiều chất, nhất là bữa tối.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top