Co giật sau đột quỵ có thường xảy ra không?

Nội dung

Loại đột quỵ nào thường dễ gây ra co giật nhất?

Có hai loại đột quỵ khác nhau là do xuất huyết não và do thiếu máu cục bộ não. Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra do hậu quả của việc chảy máu bên trong hoặc xung quanh não. Đột quy do thiếu máu cục bộ não xảy ra do hậu quả của việc hình thành cục máu đông hoặc thiếu máu não. Những người bị đột quỵ do xuất huyết thường dễ bị co giật sau đột quỵ hơn những người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nguy cơ co giật của bạn sẽ tăng lên nếu cơn đột quỵ xảy ra bên trong vỏ não.

 

Co giật sau đột quỵ có thường xảy ra không?

Nguy cơ co giật sau đột quỵ cao nhất là trong khoảng 30 ngày đầu tiên sau cơn đột quỵ. Khoảng 5% số bệnh nhân sẽ bị co giật trong vòng vài tuần sau khi bị đột quỵ. Bạn sẽ dễ bị co giật cấp tính trong vòng 24h sau một cơn đột quỵ nặng, đột quỵ do xuất huyết hoặc đột quỵ xảy ra bên trong vỏ não. Đôi khi, một người bị đột quỵ cũng sẽ bị co giật mãn tính và thường xuyên tái phát. Những người này sẽ được chẩn đoán là bị động kinh.

 

Làm thế nào để biết rằng bạn bị co giật?

Có 40 loại co giật khác nhau đã được xác định. Triệu chứng sẽ khác nhau phụ thuộc vào loại co giật bạn mắc phải.

Loại co giật phổ biến nhất và xuất hiện đột ngột nhất là cơn co giật tổng quát. Triệu chứng của cơn co giật tổng quát bao gồm:

  • Co thắt cơ
  • Có cảm giác ngứa râm ran
  • Run tay chân
  • Mất ý thức

Các triệu chứng khác có thể xảy ra của cơn co giật bao gồm:

  • Lú lẫn
  • Thay đổi cảm xúc
  • Thay đổi cách nhận thức về mùi vị, âm thanh, hình ảnh hoặc cảm giác
  • Mất khả năng kiểm soát cơ
  • Mất khả năng kiểm soát bàng quang.

 

Làm thế nào để giúp một người đang bị co giật?

Nếu bạn nhìn thấy một ai đó đang bị co giật, bạn nên làm theo những bước sau:

  • Đặt nạn nhân nằm nghiêng về một bên để tránh hóc nghẹn và nôn mửa
  • Đặt một vật gì đó mềm (như quần áo, khăn) lót phía dưới đầu nạn nhân để tránh những tổn thương sâu hơn đến não bộ.
  • Nới lỏng bất cứ thứ gì của trang phục, hay mũ, khăn có thể sẽ bó chặt vào cổ nạn nhân
  • Không hạn chế cử động của người đó, trừ khi họ có thể tự làm tổn thương chính mình.
  • Không đặt bất cứ vật gì vào trong miệng của họ
  • Loại bỏ các vật cứng, sắc nhọn có thể chạm vào nạn nhân trong khi co giật
  • Chú ý đến khoảng thời gian cơn co giật diễn ra và bất cứ triệu chứng nào xảy ra cùng với cơn co giật. Thông tin này có thể sẽ giúp ích.
  • Không bỏ mặc nạn nhân bị co giật, trừ khi cơn co giật biến mất

Nếu nạn nhân bị cơn co giật kéo dài và không lấy lại được ý thức thì đây là một trường hợp cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của nhân viên y tế ngay

 

Triển vọng

Nếu bạn bị co giật sau một cơn đột quỵ, thì nguy cơ mắc chứng động kinh của bạn sẽ tăng lên. Nếu đã 30 ngày, kể từ khi bạn bị đột quỵ và bạn chưa bị co giật thì nguy cơ động kinh của bạn sẽ giảm đi. Tuy nhiên, nếu bạn bị co giật sau hơn 1 tháng kể từ khi bị đột quỵ, thì nguy cơ mắc động kinh của bạn vẫn rất cao. Động kinh là một rối loạn của hệ thần kinh. Những người bị động kinh thường xuyên bị co giật mà không vì một lý do gì cả. Nếu bạn vẫn bị co giật, thì bạn nên hạn chế lái xe hoặc tham gia giao thông vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho bạn.

 

Bạn có thể làm gì từ bây giờ?

Thực hiện những bước sau để làm giảm nguy cơ lên cơn co giật:

  • Uống đủ nước
  • Tránh làm việc quá sức
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn nếu bạn đang sử dụng thuốc co giật theo đơn
  • Tránh hút thuốc lá.

Nếu bạn có nguy cơ bị co giật, hãy thực hiện những cách sau đây để giữ bản thân an toàn nếu bạn lên cơn co giật:

  • Yêu cầu bạn bè hoặc người thân ở cạnh bạn khi bạn đang bơi lội hoặc nấu nướng. Nếu được, yêu cầu họ lái xe chở bạn đi đến nơi bạn muốn đến cho đến khi nguy cơ co giật của bạn giảm đi
  • Giáo dục người thân và bạn bè về cơn co giật để họ có thể giúp giữ bạn an toàn nếu bạn có lên cơn co giật
  • Trao đổi với bác sỹ về những gì bạn có thể làm để làm giảm nguy cơ lên cơn co giật

Bác sỹ có thể kê thuốc chống co giật để làm giảm nguy cơ lên cơn co giật của bạn. Tuân thủ đúng chỉ định của bác sỹ và uống thuốc đúng theo đơn.

Có thể bác sỹ sẽ khuyên bạn nên kích thích dây thần kinh phế vị. Thủ thuật này đôi khi được ví như máy điều hòa nhịp tim của não. Kích thích dây thần kinh phế vị là một thiết bị chạy bằng pin mà bác sỹ sẽ đặt vào dây thần kinh phế vị ở cổ của bạn. Thiết bị này sẽ gửi tín hiệu để kích thích các dây thần kinh và làm giảm nguy cơ co giật của bạn. Nếu không một biện pháp nào hiệu quả, có thể bạn sẽ phải nghĩ tới chuyện phẫu thuật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top