✴️ Đại cương tâm thần học

MỘT SỐ KHÁI NIỆM CHUNG VỀ TÂM THẦN HỌC.

Định nghĩa:

Tâm thần học (Psychiatry) là một môn học thuộc Y học, chuyên nghiên cứu các biểu hiện lâm sàng, bệnh nguyên, bệnh sinh, các phương pháp điều trị và dự phòng bệnh tâm thần.

Đối tượng của Tâm thần học:

Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của Tâm thần học là bệnh tâm thần. Người ta quan niệm bệnh tâm thần là sự biến đổi hoạt động của não, trong đó các phản ứng tâm thần mâu thuẫn với những mối quan hệ thực tế, biểu hiện bằng các rối loạn về phản ánh thế giới thực tại khách quan, gây nên những bất thường trong cảm giác và tri giác, ý thức và tư duy, cảm xúc và tình cảm, chú ý và trí nhớ; cuối cùng được biểu hiện bằng các rối loạn nhân cách, hành vi, tác phong làm cho người bệnh mất sự hoà hợp với xã hội và từ một người bình thường trở thành người bệnh tâm thần.

Nội dung của Tâm thần học:

Tâm thần học cơ sở:
  • Nghiên cứu các qui luật biểu hiện và phát triển của các triệu chứng rối loạn hoạt động tâm thần.
  • Nghiên cứu nguyên nhân và cơ chế phát sinh các bệnh tâm thần.
  • Nghiên cứu các nguyên tắc phân loại bệnh tâm thần.
  • Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến của bệnh tâm thần.
  • Nghiên cứu các phương pháp thăm khám bệnh nhân tâm thần.
  • Nghiên cứu các qui luật phục hồi chức năng tâm thần,...
Tâm thần bệnh học:

Nghiên cứu các bệnh tâm thần riêng biệt và các phương pháp điều trị các bệnh này như bệnh tâm thần phân liệt (TTPL), bệnh loạn tâm thần hưng - trầm cảm, các bệnh loạn tâm thần thực tổn,...

Tâm thần học chuyên biệt:

Do sự phát triển của khoa học và kĩ thuật, do đòi hỏi của đời sống xã hội, do yêu cầu phát triển của y học nói chung, mà Tâm thần học đã từng bước nghiên cứu chuyên sâu và phát triển, không ngừng mở rộng phạm vi nghiên cứu. Đến nay nhiều chuyên ngành Tâm thần học khác nhau đã hình thành và phát triển như:

  • Tâm thần học trẻ em: chuyên nghiên cứu các bệnh tâm thần ở lứa tuổi nhỏ, lứa tuổi học đường.
  • Tâm thần học người già: chuyên nghiên cứu các bệnh tâm thần ở người  cao tuổi.
  • Tâm thần học Quân sự: chuyên nghiên cứu các đặc điểm bệnh tâm thần ở các quân nhân, trong thời bình cũng như trong thời chiến; nghiên cứu các phương pháp tổ chức vận chuyển, điều trị bệnh nhân tâm thần theo tuyến; nghiên cứu các phương pháp vệ sinh tâm thần trong quân đội.
  • Tâm thần học Pháp y: chuyên nghiên cứu các vấn đề giám định tư pháp  tâm thần, những tiêu chuẩn mất năng lực chịu trách nhiệm hành vi trước pháp luật,...

Các chuyên ngành khác: chuyên ngành Giám định sức khỏe tâm thần, Dịch tễ học tâm thần, Tâm thần xã hội học, Vệ sinh tâm thần học, Dược lí học tâm thần, Di truyền học tâm thần, Miễn dịch học tâm thần, Hình thái học bệnh tâm thần,... đều có vị trí nhất định trong Tâm thần học, làm cho nó phát triển không ngừng.

Mối liên quan của Tâm thần học với các môn khoa học khác:

Liên quan với Thần kinh học:
  • Tâm thần học và Thần kinh học là 2 môn học cùng nghiên cứu một đối tượng chung là bộ não và hệ thần kinh, nhưng dưới 2 góc độ khác nhau:
  • Thần kinh học chuyên nghiên cứu những bệnh thực tổn ở hệ thần kinh trung ương gây ra các rối loạn chủ yếu về chức năng tiếp thu như: cảm giác của các giác quan và chức năng thực hiện như: vận động, trương lực cơ,...
  • Tâm thần học cũng nghiên cứu về hệ thần kinh trung ương nhưng chuyên nghiên cứu về các rối loạn của hoạt động thần kinh cao cấp, của quá trình hoạt động tâm thần. Có những rối loạn tâm thần do tổn thương thực thể ở hệ thần kinh trung ương, nhưng cũng có rối loạn tâm thần cho đến nay vẫn chưa tìm thấy những tổn thương cụ thể ở não.
Liên quan với các ngành nội và ngoại khoa khác:

Người ta có thể nói rằng bệnh tâm thần là một bệnh toàn thân, có mối liên quan nhân - quả với nhiều bệnh nội và ngoại khoa ví dụ như: các bệnh tim mạch, bệnh nội tiết, bệnh lao, ung thư đều có thể có những rối loạn tâm thần khác nhau. Ngược lại, các căng thẳng tâm lí có thể dẫn đến các bệnh nội khoa như: loét dạ dày, hen phế quản, vẩy nến, cao huyết áp,... Bệnh nhân tâm thần cũng có thể mắc các bệnh ngoại khoa như viêm ruột thừa cấp, tắc ruột, thủng dạ dày,… Các bệnh này thường gây ra nhiều khó khăn trong chẩn đoán vì người bệnh không biết nói lên các cảm giác chính xác của mình.

Liên quan với các môn y học cận lâm sàng:

Nhờ sự phát triển của các ngành Hoá sinh học, Hình thái bệnh học, Miễn dịch học, Di truyền học, Điện sinh lí thần kinh, X.quang, Huyết học,... mà Tâm thần học đã phát triển tiến bộ không ngừng về mọi mặt, ví dụ: các nghiên cứu hoá sinh học thần kinh về các chất trung gian hoá học (catecholamin, serotonin, GABA), các nghiên cứu về các amin của não, các vitamin nhóm B,... đã làm sáng tỏ nhiều điều bí ẩn về bệnh sinh của những bệnh tâm thần khác nhau.

Mối liên quan của Tâm thần học với các môn khoa học xã hội:

Liên quan với Triết học: những vấn đề lớn trong Tâm thần học như: bản chất của tâm thần, mối liên quan giữa tâm thần và cơ thể, giữa tâm thần và môi trường xung quanh, giữa ý thức và tiềm thức, giữa hoạt động có ý chí và hoạt động bản năng,... đều là những vấn đề quan tâm của triết học. Các trường phái tâm thần học khác nhau trên thế giới đều phải dựa trên những quan điểm triết học nhất định. Triết học duy vật biện chứng là cơ sở chủ đạo và định hướng cho các trường phái tâm thần học ở các quốc gia đi theo quan điểm triết học Mác Xít. Ngược lại, triết học duy tâm là cơ sở lí luận biện minh cho sự tồn tại của các trường phái tâm thần học duy tâm.

Liên quan với Tâm lí học: Tâm thần học có mối liên quan mật thiết với Tâm lí học Y học nói riêng và Tâm lí học nói chung. Kết quả các phương pháp thực nghiệm cũng như trắc nghiệm tâm lí lâm sàng cung cấp những tư liệu có giá trị cho bác sĩ tâm thần trong việc chẩn đoán bệnh và đánh giá diễn biến của bệnh hoặc hiệu quả của điều trị. Mặt khác, sự phát triển của liệu pháp tâm lí cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân tâm thần.

Liên quan với Giáo dục học: trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ có các khuyết tật trong hoạt động tâm thần cần được điều trị công phu và kiên trì bằng các phương pháp giáo dục chuyên biệt. Thầy thuốc chữa bệnh bằng giáo dục đã uốn nắn các rối loạn tính nết, các lệch lạc hành vi, tác phong và dạy cho trẻ thiểu năng tâm thần học chữ, học các nghề đơn giản đồng thời cũng hướng dẫn và bồi dưỡng nhân cách cho các em có rối loạn nhân cách.

Liên quan với pháp lí: bệnh nhân tâm thần có thể có những hành vi phạm tội như xâm phạm đến tài sản hoặc tính mạng người khác. Những hành động vi phạm pháp luật ấy ở người bình thường thì bị pháp luật xử lí, nhưng ở bệnh nhân tâm thần thì cần phải có giám định pháp y tâm thần để xác định có năng lực chịu trách nhiệm về hành vi đến mức độ nào.

Về pháp y còn có những qui định riêng cho người bệnh tâm thần về quyền công dân, quyền bầu cử, quyền sở hữu tài sản, quyền hôn nhân,... ví dụ như: Luật hôn nhân và gia đình của nước ta qui định trong khoản b điều 7 là "cấm kết hôn trong trường hợp người đang mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức hành vi của mình".

Ngoài các ngành khoa học nói trên, Tâm thần học còn có liên quan đến nhiều lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, kiến trúc và xã hội học nên đòi hỏi người thầy thuốc tâm thần phải có hiểu biết rộng không những trong các môn y học mà cả trong một số ngành khoa học xã hội khác để làm tốt công việc của mình.

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH TÂM THẦN HỌC.

Thế giới:

Bệnh tâm thần có lẽ đã xuất hiện rất sớm ngay từ khi bắt đầu có loài người. Sự phản ứng sớm nhất và sơ khai nhất về bệnh tâm thần là người ta cho rằng do ma quỉ ám ảnh, do sự giận dữ của thần, thánh, tổ tiên gây ra.

Thuật ngữ Psychiatry (Tâm thần học) trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng Hy Lạp “Psy” có nghĩa là tâm hồn và “Iatros” là chữa bệnh.

Lịch sử ngành Tâm thần mang đậm tính chất văn hoá, triết học và xã hội của các thời đại. Có lúc, những bệnh nhân tâm thần được coi như là hiện thân của quỉ dữ hoặc là những tên phù thuỷ chống lại ý chúa nên người bệnh tâm thần bị khinh miệt và bị trừng phạt, thậm chí còn bị gông cùm, xiềng xích, bị thiêu sống, bị xoay tròn đến kiệt sức,…

Vào thế kỷ XII, có những cơ sở đầu tiên dành cho bệnh nhân tâm thần được xây dựng đó là các trại tập trung trong các tu viện kín. Một số nơi xây dựng các trại tập trung dành riêng cho người "điên" với chế độ quản lí hà khắc và tàn bạo. Mọi khuynh hướng nhằm giải thích bệnh tâm thần theo quan điểm duy vật đều không được chấp nhận.

Đến cuối thế kỷ XVIII, những tư tưởng tiến bộ về tự do, nhân quyền của triết học duy vật đã tác động tới chế độ phong kiến và uy quyền của nhà thờ. Cuộc đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789 thành công là luồng sinh khí mới có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khoa học, Y học nói chung và Tâm thần học nói riêng. Năm 1793, Philippe Pinel (1745-1826) là người đầu tiên xoá bỏ xiềng xích, trói buộc cho những bệnh nhân tâm thần ở Pháp.

Bước sang thế kỷ thứ XIX là thời gian Tâm thần học phát triển mạnh mẽ nhất với sự đóng góp của các nhà Tâm thần học nổi tiếng như: K.Kahlbaum, Kraepelin, E. Bleuler, J. Charcot, S. Freud, V. Kandinsky, X. Corxakov, I. Pavlov,…

Đến nay, Tâm thần học ngày càng phát triển tiến bộ vượt bậc, nhất là trong lĩnh vực tổ chức, cứu chữa bệnh nhân tâm thần và nghiên cứu lâm sàng. Năm 1950, Charpentier tổng hợp ra chlorpromazin và năm 1952, J. Delay và J. Deniker (Pháp) lần đầu tiên sử dụng chlorpromazin vào lâm sàng tâm thần cho kết quả tốt đã mở ra một thời kỳ mới cho việc chữa bệnh tâm thần. Từ đó, người ta liên tiếp tổng hợp được nhiều loại thuốc khác nhau làm xuất hiện ngành Dược lí học tâm thần và đã mang lại những kết quả kỳ diệu trong điều trị. Vì vậy, người ta nói rằng đây là cuộc cách mạng thứ 2 trong lịch sử ngành Tâm thần. Trên cơ sở đó mà nhiều phương pháp điều trị khác nhau đã ra đời như: liệu pháp tâm lí, liệu pháp lao động và các liệu pháp tái thích ứng xã hội…làm cho bệnh nhân tâm thần ngày càng được điều trị toàn diện hơn.

Sự phát triển của Tâm thần học ở Việt Nam:

Tuệ Tĩnh (thế kỷ thứ XVII) đã nghiên cứu các bệnh thuộc tâm, các chứng mất ngủ, điên cuồng, kém trí nhớ. Ông đã có những khái niệm phân biệt điên và cuồng, điên là vui, cười, nói năng rối loạn, do tâm huyết không đủ mà phát ra nên điều trị bằng an thần dưỡng huyết và cuồng là nói sai, làm sai, không còn lí trí, làm càn do đàm hoả thịnh mà phát ra, nên điều trị bằng thanh hỏa hạ đàm, lợi đại tiện, không ăn no. Ông đã dùng thuốc nam, cây cỏ để trị các bệnh lo sợ, bực tức, cuồng nhiệt, cười nói vô cớ, nói về ma quỉ,...

Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ thứ XVIII) đã luận bàn về y lí, về tâm và thần, về phương pháp tiết dục, về phương pháp an thần bổ tâm, an thần dưỡng tâm. Ông đã sử dụng tình chí để chữa cho những người thất tình.

Cũng do ảnh hưởng của tôn giáo và phong kiến nên tổ tiên ta cũng không tránh khỏi những quan điểm duy tâm thần bí về bệnh tâm thần. Quan niệm cho bệnh nhân tâm thần là do ma quỉ, do âm khí, do tà thuật,… nên chữa bằng cúng bái, tế lễ, lên đồng, uống tàn hương, nước thải, đánh bằng roi dâu, tạt nước tiểu vào mặt,... Rất tiếc, cho đến nay ở một số địa phương vẫn tồn tại những hiện tượng này.

Trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị, việc điều trị bệnh tâm thần chưa được quan tâm, môn Tâm thần học không có trong chương trình giảng dạy ở trường đại học y khoa Hà Nội. Đến tháng 1 năm 1919, nhà thương “điên” Biên Hoà mới được thành lập, tiếp đến năm 1936, nhà thương “điên” Vôi, Bắc Giang với 400 giường bệnh chủ yếu để quản lí bệnh nhân tâm thần.

Từ năm 1954, nhất là từ khi nước nhà thống đến nay, Đảng và chính phủ đã quan tâm xây dựng và cải tạo nhiều cơ sở tâm thần trở thành các bệnh viện tâm thần ở trung ương và tuyến tỉnh, hệ thống tổ chức cứu chữa bệnh nhân tâm thần ngày càng được củng cố và phát triển.

NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC BỆNH TÂM THẦN.

Đặc điểm chung:

Nguyên nhân các bệnh tâm thần là một vấn đề phức tạp. Những giả thuyết về nguyên nhân bệnh tâm thần chưa được chứng minh cụ thể. Cho đến nay còn nhiều bệnh tâm thần chưa rõ nguyên nhân nên trong Tâm thần học còn tồn tại những quan điểm và học thuyết khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau. Vấn đề bản chất của bệnh tâm thần ở những thời kỳ lịch sử khác nhau bao giờ cũng có  xu hướng nghiên cứu cho phù hợp với quan điểm triết học của thời kỳ đó. Sự đối lập giữa 2 quan điểm cơ bản duy vật và duy tâm về nguồn gốc và bản chất của loạn tâm thần trong Tâm thần học cho đến nay vẫn còn tranh cãi rất gay gắt.

Nguyên nhân của một số bệnh tâm thần khác nhau:

Các nguyên nhân thực tổn:

Nhiễm khuẩn: các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính và mạn tính đều có thể gây ra rối loạn tâm thần. Nhiễm khuẩn có thể trực tiếp tác động tới tổ chức não như: viêm não, viêm màng não do não mô cầu, do virut, do xoắn khuẩn giang mai, do trực khuẩn lao,... Nhiễm khuẩn cũng có thể là nhiễm khuẩn toàn thân gây rối loạn tâm thần do não bị tác động gián tiếp của nguyên nhân gây bệnh do các độc tố của vi khuẩn gây nên, ví dụ như bệnh thương hàn, sốt mò, sởi,... Mặt khác cũng có thể nhiễm khuẩn trực tiếp tác động tới não thứ phát sau nhiễm khuẩn toàn thân như: nhiễm khuẩn huyết,... Một số trường hợp khác nhiễm khuẩn ở hốc mũi, xoang mặt, tai giữa gây ra viêm não có thể làm phát triển rối loạn tâm thần.

Nhiễm độc: là nguyên nhân gây bệnh tâm thần thường gặp. Sự nhiễm độc mạn tính có thể gặp ở những người tiếp xúc trực tiếp với hoá chất công nghiệp do nghề nghiệp của họ như nhiễm độc chì, thuỷ ngân, thuốc đạn, thuốc trừ sâu, oxytcacbon,... Cũng có thể gặp nhiễm độc mạn tính gây rối loạn tâm thần ở những người nghiện rượu, nghiện ma tuý, nghiện thuốc ngủ,... Các rối loạn tâm thần ở đây trực tiếp do tác động của chất độc được tích luỹ lại và cũng có thể gián tiếp do các rối loạn chuyển hoá trong cơ thể gây ra tình trạng nhiễm độc. Người ta có thể liệt kê vào nguyên nhân nhiễm độc cả những người tiếp xúc với sóng siêu cao tần, chất phóng xạ, tia X do không chấp hành các qui tắc bảo vệ an toàn có ảnh hưởng gây bệnh đối với hệ thần kinh trung ương.

Chấn thương sọ não: chấn thương sọ não (CTSN) kín hoặc hở đều là nguyên nhân trực tiếp phát sinh các rối loạn tâm thần. Các rối loạn này ở giai đoạn xa đều là những di chứng nặng nề gây ra thiệt thòi lớn cho bản thân người bệnh và là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các CTSN có thể do chiến tranh và do tai nạn lao động hoặc do tai nạn giao thông.

U não và các rối loạn tuần hoàn não: là các nguyên nhân trực tiếp gây rối loạn tâm thần do tổn thương tổ chức não gây nên. Vị trí các tổn thương khu trú ở não có các biểu hiện rối loạn tâm thần khác nhau và căn cứ vào các biểu hiện rối loạn này có thể giúp ích cho chẩn đoán định khu tổn thương.

Các chấn thương tâm lí:

Các chấn thương tâm lí là những nguyên nhân gây rối loạn tâm thần tùy theo cường độ, thời gian tác động mà có thể gây ra các mức độ và trạng thái rối loạn khác nhau ở những loại hình thần kinh khác nhau, có trường hợp mất khả năng lao động, tàn phế về mặt tâm thần. Việc tiến hành các biện pháp vệ sinh tâm thần có ý nghĩa to lớn về mặt dự phòng các bệnh trên.

Các nguyên nhân cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lí:
  • Chậm phát triển tâm thần.
  • Rối loạn nhân cách.
Các nguyên nhân chưa rõ:

Trong một số bệnh tâm thần khác như: bệnh TTPL, rối loạn cảm xúc thì các hiện tượng bệnh lí dường như tự phát, người ta không thấy có các yếu tố kích thích bên ngoài phù hợp. Do vậy, có thể khẳng định rằng yếu tố nguyên nhân gây bệnh là có, nhưng không phải bao giờ cũng rõ ràng và quyết định toàn bộ sự phát triển của bệnh.

Trong nhiều trường hợp nguyên nhân chỉ là yếu tố phát động và khởi đầu của bệnh, sự tiến triển quá trình bệnh lí diễn ra trong giới hạn của những qui luật nhất định không có liên quan gì với nguyên nhân ban đầu, điều này cũng tương tự như bệnh động kinh vô căn.

Một số yếu tố thuận lợi cho bệnh tâm thần phát sinh:

Ngoài những nguyên nhân chủ yếu nói trên, còn có một số yếu tố có thể tác động như nguyên nhân hoặc yếu tố thuận lợi cho bệnh tâm thần phát sinh như: yếu tố di truyền, miễn dịch, lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khoẻ toàn thân đều có ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành của từng loại và từng thể bệnh tâm thần.

Yếu tố di truyền:

Có khi là nguyên nhân nhưng cũng có khi chỉ là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển. Người ta chú ý đến yếu tố di truyền trong bệnh TTPL, bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Những yếu tố di truyền trong nhiều trường hợp cũng chỉ là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát sinh mà thôi, bởi vì có gia đình cả bố và mẹ bị bệnh tâm thần mà các con của họ lại bình thường và ngược lại có người mắc bệnh tâm thần mà trong tiền sử gia đình thấy đều khoẻ mạnh. Khi nghiên cứu rối loạn tâm thần ở các cặp song sinh cùng trứng và khác trứng, người ta nhấn mạnh vai trò di truyền trong các bệnh tâm thần. Tuy nhiên, các nghiên cứu không xác định được gien di truyền. Trên cơ sở đó, dưới tác động của các yếu tố có hại, người ta thấy có thể phát sinh bệnh tâm thần. Những tác hại đó đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện những yếu tố bẩm sinh có tính chất di truyền, ví dụ: trong khởi phát TTPL có người bắt đầu sau nhiễm khuẩn hoặc sau chấn thương tâm lí hoặc CTSN, đôi khi còn gặp sau khi sinh đẻ. Mặc dù vậy, vấn đề di truyền trong bệnh tâm thần còn là vấn đề bí ẩn, bởi vì người ta chưa tìm thấy gien di truyền và phương thức di truyền.

Yếu tố nhân cách:

Nhân cách bao gồm toàn bộ đặc điểm tâm lí của một con người, là tổng hợp những nét độc đáo của một cá nhân làm cho người này khác với người kia và mỗi người có bản sắc riêng. Nhân cách mạnh, bền vững thì khả năng chống đỡ bệnh tâm thần tốt hoặc hồi phục nhanh so với người có nhân cách yếu và không thăng bằng. Cũng có khi loại hình thần kinh có vai trò quyết định trong các thể lâm sàng của một số bệnh tâm thần, ví dụ như: tâm căn hysteria thường xuất hiện ở người có loại hình thần kinh yếu, không thăng bằng và có khuynh hướng phụ thuộc.

Yếu tố lứa tuổi:

Mỗi lứa tuổi đều có một đặc điểm tâm lí và sinh lí riêng, vì vậy khi bị bệnh tâm thần thì tùy theo lứa tuổi mà biểu hiện lâm sàng và tiến triển của bệnh khác nhau. Trẻ em là lứa tuổi thuận lợi để các bệnh tâm căn phát sinh như: tâm căn lo âu hoặc tâm căn ám ảnh sợ. Ngược lại, tuổi thanh niên dễ phát sinh bệnh TTPL và các trạng thái stress. Ở người lớn tuổi dễ bị bệnh loạn thần thực tổn như: teo não, xơ vữa mạch não và cao huyết áp.

Yếu tố giới tính:

Nữ giới thường có những rối loạn tâm thần ở các thời kỳ khác nhau trong quá trình hoạt động của tuyến sinh dục. Trong tuổi dậy thì, bắt đầu có kinh nguyệt hoặc thời kỳ sinh đẻ hoặc thời kỳ mãn kinh thường thấy phát sinh các bệnh tâm thần. Do những thời kì này có sự khủng hoảng cả về sinh lí và tâm lí nên thường gặp một số bệnh như: tâm căn hysteria, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và trầm cảm nội sinh. Ngược lại, ở nam giới hay gặp các bệnh loạn thần do rượu, loạn tâm thần nhiễm độc và loạn tâm thần do CTSN.

Các yếu tố cơ thể:

Các bệnh tâm thần thường xuất hiện khi sức khoẻ cơ thể bị giảm sút vì một lí do nào đó như thiếu dinh dưỡng kéo dài, làm việc quá sức, mất ngủ kéo dài, sau một bệnh nhiễm khuẩn nặng hoặc các bệnh cơ thể khác. Ngược lại, chính bệnh tâm thần cũng làm cho cơ thể suy sụp tạo thành vòng luẩn quẩn, vì vậy trong điều trị cần phải điều trị toàn diện.

PHÂN LOẠI CÁC BỆNH TÂM THẦN.

Vấn đề phân loại các bệnh tâm thần luôn luôn là vấn đề thời sự trong Tâm thần học, cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong phân loại các bệnh tâm thần. Tuy nhiên, việc phân loại bệnh tâm thần đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Hệ thống phân loại bệnh quốc tế dựa theo phương pháp thập phân. Các loại bệnh được mã hoá từ 00 đến 99. Trong Phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 người ta đưa nhóm bệnh tâm thần vào phần "F" gọi là các rối loạn tâm thần và hành vi (ICD-10F - International Statistical Classification of Diseases). Song song với bảng phân loại bệnh quốc tế, Hội Tâm thần học Mỹ đưa ra bảng phân loại bênh riêng, được viết tắt là DSM (Diagnostic and Statictical Manual of the American Psychiatric Association). Bản chính đang dùng hiện nay là DSM IV (1994) và bản bổ sung: DSM IV-TR (2000).

Phân loại bệnh Quốc tế về các rối loạn tâm thần lần thứ 10 (ICD-10) năm 1992:

  • Theo ICD-10 các rối loạn tâm thần được xếp vào phần F từ F00-F99.
  • F00-F09: Các rối loạn tâm thần thực tổn bao gồm cả rối loạn tâm thần triệu chứng.
  • F10-F19: Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần.
  • F20-F29: Bệnh TTPL, các rối loạn loại phân liệt và các rối loạn hoang tưởng.
  • F30-F39: Rối loạn khí sắc (cảmxúc).
  • F40-F48: Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể.
  • F50-F59: Các hội chứng hành vi kết hợp với các rối loạn sinh lí và các nhân tố cơ thể.
  • F60-F69: Các rối loạn nhân cách và hành vi ở người thành niên.
  • F70-F79: Chậm phát triển tâm thần.
  • F80-F89: Các rối loạn về phát triển tâm lí.
  • F90-F98: Các rối loạn hành vi và cảm xúc thường khởi phát ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.
  • F99: Rối loạn tâm thần không biệt định khác: mục này không khuyến khích, chỉ dùng khi không thể sử dụng một mã số nào khác từ F00-F98.

Phân loại của Hội Tâm thần học Mỹ lần thứ IV (DSM-IV) năm 1994:

Các rối loạn thường được chẩn đoán tiên phát ở trẻ em, thiếu niên và vị thành niên:

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top