Với quan niệm của nhiều người trong chúng ta thường ít bộc lộ cảm xúc của bản thân, tuy nhiên dù làm cách nào thì cảm xúc vẫn ở đó, dẫn tới các biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực và dần kiệt sức… đi khám tại các cơ sở y tế với nhiều chuyên khoa khác nhau nhưng không thuyên giảm thì cần tới bác sĩ tâm lý bởi đây chính là rối loạn lo âu.
Lo âu là một phản ứng tự nhiên với những tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, một số người lại không kiểm soát tốt trạng thái lo âu và họ thường phải chịu các triệu chứng cơ thể khó chịu kèm theo. Phản ứng này bao gồm run, khó thở, tim đập nhanh, vã mồ hôi, cảm giác không thực…
Rối loạn lo âu là tình trạng lo âu dai dẳng, lo âu về nhiều vấn đề khác nhau và điều đó ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt thường ngày. Ngoài ra, một số trường hợp rối loạn lo âu kéo dài có thể sinh ra những suy nghĩ và hành động tiêu cực nghiêm trọng.
Rối loạn lo âu lan tỏa là một rối loạn tâm thần phổ biến nhất, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mặc rối loạn lo âu hiện hành trong lứa tuổi từ 18 trở lên là 10% - 18%. Tại Mỹ, tỷ lệ mắc rối loạn lo âu lan tỏa trong cả đời người là 5,7%, trong đó tỷ lệ mắc ở nữ giới cao gấp đôi so với nam giới. Mặc dầu rối loạn lo âu lan tỏa gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng có đến 75% bệnh nhân phát bệnh trước 47 tuổi, tuổi trung bình phát bệnh là 31. Người ta cũng nhận thấy ở người lớn tuổi tỷ lệ bị rối loạn lo âu lan tỏa cũng tăng lên (7%).
Tuy nhiên, một người bị rối loạn lo âu không có nghĩa là họ bị yếu hoặc mất trí hoặc có vấn đề về nhân cách. Lo âu nặng là một rối loạn có thể vượt qua được bằng các phương pháp điều trị thích hợp.
Rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau, Những biểu hiện của rối loạn lo âu nếu được nhận biết sớm và điều trị kịp thời sẽ tốt hơn rất nhiều.
Một số biểu hiện điển hình của chứng rối loạn lo âu gồm:
Biểu hiện rối loạn tâm lý
Rối loạn lo âu có thể gây ra sự thay đổi trong hành vi cũng như cách người bệnh suy nghĩ và cảm nhận về mọi thứ, dẫn đến các biểu hiện như: Bồn chồn không ngồi yên một chỗ. Lo lắng, căng thẳng kéo dài. Cảm giác sợ hãi. Luôn suy nghĩ đến một điều kinh khủng sắp xảy ra trong tương lai. Khó tập trung. Hay cáu gắt.
Các biểu hiện này có thể khiến người bệnh ngại chia sẻ và giao tiếp với mọi người, chỉ muốn ở một mình để tránh cảm giác lo lắng, sợ hãi. Ngoài ra, người bệnh luôn bị căng thẳng và cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung trong công việc
Biểu hiện rối loạn thể chất
Người mắc rối loạn lo âu cũng có thể có một số triệu chứng thể chất bao gồm: Cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Nhịp tim mạnh, nhanh hoặc không đều (đánh trống ngực). Đau và căng cơ, hay bị run, khô miệng. Đổ nhiều mồ hôi, khó thở. Đau dạ dày hoặc thường xuyên đi tiểu hoặc tiêu chảy. Khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ (mất ngủ).
Những triệu chứng thể chất này thường khiến người bệnh nhầm lẫn rối loạn lo âu với một số bệnh nội khoa khác. Trên thực tế nhiều người bệnh đã đi khám nhiều cơ sở y tế với các chuyên khoa khác nhau mà không thấy tình trạng cải thiện.
Lo lắng quá mức có thể khiến người bệnh rối loạn lo âu bị suy sụp cả về sức khỏe và tinh thần, thậm chí sẽ sinh ra những ý nghĩ tiêu cực, điển hình là tự sát. Những lúc này, việc trấn an không phải lúc nào cũng hiệu quả đối với người bệnh. Ngược lại, với một số trường hợp, sự trấn an lại phản tác dụng làm cho người bệnh cảm thấy bực bội và căng thẳng hơn.
Do vậy, tốt nhất là nên khuyến khích người bệnh đến gặp bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý sớm để được hỗ trợ và tìm cách đối phó với rối loạn lo âu.
Đối với người bệnh nên thiết lập cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe. Nên bổ sung nhiều rau xanh, các loại thịt cá giàu vitamin, khoáng chất. Đồng thời hạn chế những loại thức uống như rượu, bia, thuốc lá,….
Mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để tập luyện thể dục như chạy bộ, đạp xe đạp, yoga, thiền,…sẽ giúp cho tinh thần được minh mẫn, thoải mái hơn. Ngoài ra, còn giúp cho cơ thể được tăng cường sức đề kháng, ngăn chặn sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn gây hại.
Tạo thói quen ngủ đủ 8 tiếng, tốt nhất nên ngủ trước 23 giờ mỗi ngày để giúp cho đầu óc được thư giãn, tránh áp lực. Không nên làm việc, học tập quá sức, dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn giúp tinh thần được thoải mái và dễ chịu hơn.
Tập cách chia sẻ những khó khăn, buồn vui, khúc mắc trong cuộc sống, công việc, học tập cho những người thân yêu trong gia đình, bạn bè của mình để giải tỏa căng thẳng.
Tham gia các câu lạc bộ, hoạt động tập thể, thiện nguyện để giúp cơ thể được hoạt động linh hoạt, đồng thời cải thiện các mối quan hệ xã hội. Học cách quản lý căng thẳng bằng việc hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng. Suy nghĩ tích cực hơn, nhờ sự giúp đỡ của người thân xung quanh. Nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn với bạn bè người thân, những người cảm thấy tin tưởng.
Đối với người thân, gia đình cần chia sẻ, gần gũi động viên với người bệnh. Hỗ trợ người bệnh về sinh hoạt như: ăn uống, tập thể dục cùng, tham gia các hoạt động nhóm, tập thể để người bệnh cởi mở linh hoạt cải thiện được tâm trạng.
Rối loạn lo âu có thể khỏi nếu kịp thời có các ứng phó hiệu quả, tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách, rối loạn lo âu có xu hướng thành mạn tính hoặc tái phát nhiều lần.
Một số liệu pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả với rối loạn lo âu:
Thay đối lối sống: Tạo thói quen nghỉ ngơi phù hợp, tập thể dục và học cách thư giãn, ăn uống lành mạnh và tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.
Liệu pháp tâm lý: Nhiều liệu pháp tâm lý đã được chứng minh khoa học có hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu. Nhà trị liệu sẽ thảo luận với bạn để chọn ra liệu pháp phù hợp nhất.
Thuốc: Thuốc điều trị rối loạn lo âu được kê toa bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. thuốc giúp cải thiện tình trạng lo âu quá mức, kiếm soát triệu chứng và phòng ngừa tái phát.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh