Dấu hiệu nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Nội dung

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, nó có đặc điểm chung là trẻ có những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người. Theo thống kê, cứ 100 trẻ thì có từ 3 - 5 trẻ mắc chứng bệnh này với một số biểu hiện được bắt đầu trước tuổi lên 7 và tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em vào khoảng 5% và lứa tuổi hay mắc là từ 8 - 11, trẻ trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần trẻ gái, khi trưởng thành bệnh có xu hướng giảm, ở tuổi 20 tỉ lệ mắc còn chừng 1% và ở tuổi trung niên là 0,5%. Trẻ con luôn luôn hiếu động, nhưng ở mức nào được coi là bình thường, còn mức nào bị coi là tăng động giảm chú ý, có rất nhiều cha mẹ vẫn còn mơ hồ về chứng bệnh này, có những đứa trẻ quá hiếu động, không bao giờ ngồi yên hay tập trung làm gì, nhưng bố mẹ chúng lại nghĩ đó là điều rất bình thường mà không đưa con đi kiểm tra.

Những biểu hiện

Hiếu động quá mức:

Trẻ hoạt động liên tục, không có giây phút nghỉ ngơi như có một chiếc máy ở trong người, chạy nhảy liên tục không biết mệt, nếu buộc phải ngồi xuống thì chúng cũng không ngừng cựa quậy, làm ồn, không màng đến lời dọa nạt của người lớn, không biết đến nguy hiểm.

Khả năng tập trung rất kém:

Khả năng tập trung của trẻ bị tăng động giảm chú ý rất kém, chúng không bao giờ chịu lắng nghe và làm theo hướng dẫn hoặc thực hiện một việc gì đó trọn vẹn. Trẻ có thể thích thú với rất nhiều thứ, nhưng không được lâu mà thường có xu hướng chuyển nhanh chóng từ sở thích này sang sở thích khác. Chúng thường bỏ dở giữa chừng khi đang làm một công việc, chỉ là một tiếng động nhỏ, hay một đồ vật lạ đặt trước mặt cũng có thể làm trẻ phân tâm khi học bài. Trẻ còn gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác, đôi khi đang nói chuyện nhưng yêu cầu nhắc lại thì trẻ cũng không nhớ.

Trẻ mắc chứng này sẽ gặp khó khăn trong việc chú ý ngay cả khi đang bị người lớn nhắc nhở. Trẻ nói là đang nghe lời bạn, nhưng khi được yêu cầu lặp lại lời của bạn, trẻ sẽ không biết nói gì.

Thực ra trẻ tăng động giảm chú ý không hề kém thông minh so với các bạn khác, nhưng chính sự suy giảm khả năng chú ý lại là nguyên nhân dẫn đến kết quả học hành sút kém.

Chứng tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến học tập, hành vi và tính cách trong tương lai của  trẻ.

Hấp tấp, bồng bột:

Phần lớn những trẻ này thường có tính hấp tấp, vội vàng, bất cẩn và bồng bột. Trẻ thường trả lời khi người khác chưa hỏi xong, khó chờ đến lượt mình và hay phá đám trong khi người lớn nói chuyện hoặc các bạn cùng lớp đang chơi đùa. Sự hấp tấp, bồng bột cũng làm cho trẻ dễ mắc lỗi khi làm bài tập hay thực hiện những công việc khác.

Chậm phát triển ngôn ngữ:

Một nét khá nổi bật trong phần lớn những trẻ tăng động giảm chú ý hay gặp phải đó là chậm phát triển về ngôn ngữ. Những trẻ này phát triển khả năng nói bình thường trong giai đoạn đầu, nhưng về sau sẽ chậm lại và thường gặp phải các vấn đề về cấu trúc câu hay khả năng diễn đạt bằng lời nói.

Cứ 100 trẻ thì có từ 3-5 trẻ mắc chứng bệnh này

Dễ nổi nóng, khó kiềm chế được cảm xúc:

Trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý thường dễ nổi nóng, giận dữ, khó kiềm chế được cảm xúc, do vậy rất dễ dẫn tới xô xát, đánh bạn hoặc làm tổn thương ngay cả những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, tính cách này làm cho trẻ không có bạn thân hoặc bị bạn bè xa lánh.

 

Nên làm gì?

Khi con có những biểu hiện như trên thì cha mẹ nên đưa con tới các chuyên khoa tâm lý, thần kinh để được thăm khám và kết luận.

Giáo dục hành vi cho con: phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với trẻ tăng động giảm chú ý. Nên trao đổi với thầy cô để nhận được sự giúp đỡ trong việc giáo dục hành vi cho trẻ, cần cho trẻ ngồi bàn đầu tiên nhằm tránh sự phân tâm bởi hoạt động của các bạn phía trên.

Trẻ tăng động giảm chú thường có lòng tự trọng rất cao do vậy đừng bao giờ chê bai hay quát mắng trẻ, đặc biệt là khi có mặt người khác vì có thể làm trẻ nảy sinh tư tưởng chống đối. Nếu khen ngợi khi trẻ có những hành vi đúng đắn, trẻ sẽ làm theo lời khen, đặc biệt hiệu quả khi thầy cô khen ngợi trước lớp.

Chỉ nên hứa hẹn khi chắc chắn có thể làm được, bởi vì trẻ tăng động giảm chú ý rất dễ thất vọng và chán nản. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, chơi thể thao ngoài trời hoặc tập luyện các môn võ để rèn luyện tính kỷ luật và khả năng tập trung.

Dùng những lời lẽ đơn giản, cụ thể thay vì nói chung chung, cố gắng tạo cho con các thói quen tốt bằng cách cho con ăn, nhắc con đi ngủ, thức dậy đúng giờ. Tốt nhất không nên xem ti vi, nói chuyện, hay đặt những đồ vật lạ trên bàn trong khi trẻ đang học bài.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top