✴️ Đi tìm câu trả lời: Rối loạn tiền đình uống thuốc gì?

Nội dung

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình thuộc hệ thần kinh, có vị trí nằm ở sau hai bên ốc tai. Đảm nhiệm vai trò quan trọng: giữ thăng bằng cho cơ thể, duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp với các cử động của mắt, đầu thân mình. 

Tiền đình được điều khiển bởi nhóm thần kinh cao cấp nằm trong não bộ. Các tín hiệu âm thanh qua tai được chuyển từ dạng cơ học sang dạng xung thần kinh, thông qua bộ phận ốc tai. Sau đó các tín hiệu này được dẫn truyền theo dây thần kinh thính giác (dây số 8) truyền về não bộ. Gắn liền với ốc tai là 3 vòng bán khuyên, tạo hình 3D trong không gian, giúp cơ thể nhận biết vị trí của mình trong không gian 3 chiều. 

Cấu trúc hệ thống tiền đình

Rối loạn tiền đình do một số nguyên nhân như:

– Virus gây viêm dây thần kinh sọ não số 8

– Thoái hóa một trong các cơ quan của hệ tiền đình

– Viêm tai giữa

– Tắc nghẽn tắc động mạch tiền đình do sỏi thạch nhĩ (sỏi tai hay còn gọi là sỏi tiền đình)

– Co thắt động mạch cột sống

Các hiện tượng này làm tiền đình mất đi chức năng quan trọng của nó là giữ thăng bằng cho cơ thể.

 

2. Biểu hiện của người bị rối loạn tiền đình

Khi hệ thống tiền đình bị rối loạn, làm cơ thể đánh mất chức năng giữ thăng bằng khi thay đổi tư thế. Người bị rối loạn tiền đình thường có một số biểu hiện sau:

– Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt

– Đầu óc quay cuồng

– Ù tai

– Buồn nôn

– Đi đứng không vững

– Dễ bị ngã

Đau đầu, chóng mặt là những biểu hiện của bệnh rối loạn tiền đình.

 

3. Bị rối loạn tiền đình uống thuốc gì? 

Tùy thuộc vào triệu chứng bệnh, bệnh sử và sức khỏe của người bệnh nói chung, nguyên nhân gây rối loạn tiền đình mà người bệnh sẽ được tư vấn và chọn hướng điều trị thích hợp. 

Rối loạn tiền đình ở mức độ nhẹ: bác sĩ thần kinh sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc theo đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Vậy rối loạn tiền đình uống thuốc gì?

 

3.1 Một số thuốc giúp hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình

– Thuốc an thần

– Thuốc tăng tuần hoàn não 

– Thuốc ức chế kênh canxi, chọn lọc mạch máu

– Một số thuốc hỗ trợ điều chỉnh sự suy giảm chức năng tiền đình

– Thuốc chống viêm,…

Tuy nhiên, bạn cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được kiểm tra và tư vấn sử dụng thuốc phù hợp. Tránh lạm dụng thuốc gây nguy hiểm.

Đối với trường hợp người bệnh bị rối loạn tiền đình nặng, bác sĩ chuyên khoa thần kinh có thể chỉ định cần can thiệp phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa. Thậm chí kết hợp cả 2 để cải thiện tình trạng cho người bệnh, giúp giảm tối đa những khó khăn trong cuộc sống của người bệnh do bệnh tiền đình gây ra. 

Bên cạnh đó, người bị rối loạn tiền đình cần phải xây dựng một lối sống lành mạnh. Đặc biệt là tập thể dục hàng ngày với các bài tập đơn giản như đi bộ, chạy bộ, yoga,… Điều này giúp cải thiện tình trạng bệnh, giúp máu lưu thông lên não tốt hơn và đồng thời ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiền đình đối với những người bình thường.

 

3.2 Một số phương pháp hỗ trợ giảm triệu chứng rối loạn tiền đình

– Ngâm chân bằng nước ấm: Vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, người bị rối loạn tiền đình nên ngâm chân với nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40-45 độ C, ngâm trong khoảng 20-30 phút. Điều này giúp máu lưu thông, giảm mệt mỏi và ngăn ngừa tình trạng chóng mặt rất hiệu quả. 

– Xoa bóp, massage: Khi bị chóng mặt, đau đầu,.. bạn có thể dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng trán, sau gáy và hai bên hốc mắt, vùng đỉnh đầu, tầm 10 phút sẽ giúp làm giảm triệu chứng và phòng chống rối loạn tiền đình. 

– Ngoài ra, có một số người sử dụng các bài thuốc đông y như: uống nước sắc từ cây đinh lăng, … Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Một số loại thuốc có thể giúp điều trị rối loạn tiền đình, nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, tránh lạm dụng gây những tác dụng phụ không mong muốn.

 

4. Phòng ngừa rối loạn tiền đình tái phát bằng cách nào?

Bạn có thể phòng tránh bệnh rối loạn tiền đình tái phát bằng một số biện pháp dưới đây:

– Sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ, hạn chế thức khuya, tránh làm việc quá sức.

– Hạn chế ngồi quá lâu trước máy tính, trong phòng lạnh vì dễ khiến mạch máu không được lưu thông, cơ thể bị nhiễm lạnh.

– Có chế độ ăn uống khoa học: ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước. Hạn chế dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ngọt, nước ngọt, nước có gas, bia, rượu,…

– Hạn chế căng thẳng, tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ. Cân đối công việc và gia đình, tránh lo âu, suy nghĩ nhiều.

– Phòng ngừa tiếp xúc trước các nguy cơ hoặc khi thay đổi tư thế. Người bị tiền đình khi đi tàu xe nên uống thuốc say xe.

– Tập thể dục đều đặn hàng ngày: người bị rối loạn tiền đình nên tập thể dục thể dục thường xuyên bằng những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, thiền, yoga, …  hoặc một số bài tập vật lý trị liệu giúp hỗ trợ sự mất cân bằng của hệ thống tiền đình.

– Nên tập các bài tập thể dục vùng đầu, cổ gáy thường xuyên. Tập đẩy hơi vào tai bằng cách dùng hai bàn tay áp vào hai bên tai mỗi ngày khoảng từ 50-100 lần.

– Tránh thay đổi tư thế đột ngột

– Khi ngủ không nên gối đầu quá cao

– Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám và sàng lọc các bệnh lý thần kinh, tai mũi họng,…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top